Đối thoại với lãnh đạo Quảng Ngãi: Vẫn chuyện mía đường!

02/02/2007

Sáng ngày 31 tháng 1, hơn 150 nông dân đại diện cho hàng ngàn hộ trồng mía ở Quảng Ngãi đã đối thoại trực tiếp với Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo Công ty cổ phần đường Quảng Ngãi.

Tại diễn đàn đối thoại, hầu hết các ý kiến của nông dân tập trung vào những vấn đề như cơ chế chính sách cho việc đầu tư phát triển vùng nguyên liệu mía, phương thức thu mua vận chuyển mía, việc dồn điền đổi thửa, việc xác định chữ đường, giá mua mía....

Trong đó, nông dân quan tâm nhiều nhất là việc lấy “chữ đường” của các nhà máy đường thuộc Công ty cổ phần đường Quảng Ngãi không minh bạch làm cho nhiều người còn hồ nghi. Nhiều nông dân cho rằng, trên một diện tích mía nhưng chữ đường chênh lệch nhau từ 3-4 chữ đường. Đây là điều bức xúc nhất của người trồng mía.

Ông Lê Quang Thừa, một nông dân ở xã Phổ Nhơn huyện Đức Phổ cho biết, mỗi năm ông bán cho Nhà máy đường Phổ Phong trên 100 tấn mía cây. Từ niên vụ 2000-2001, ông đốn mía bán trực tiếp cho Nhà máy đường Phổ Phong, xe đầu có 9 chữ đường, xe thứ 2 chỉ có 7 chữ. Đem thắc mắc này khiếu nại lên Ban giám đốc Nhà máy, sau đó lấy mẫu lại và chữ đường tăng lên...10 chữ. Điều này gây mất lòng tin cho người trồng mía về cách lấy chữ đường.

Ông Thừa ngao ngán nói: “Cùng một diện tích, loại mía như nhau nhưng người nông dân bán mía trực tiếp cho nhà máy thì chữ đường thấp mà bán cho tư thương buôn mía thì chữ đường cao. Vì vậy từ niên vụ 2000-2001 mặc dù ông trồng mía và chăm sóc theo qui trình hướng dẫn của Nhà máy đường nhưng ông không bán mía cho nhà máy mà bán cho tư thương”. Trường hợp của ông Lê Quang Thừa là một trong hàng ngàn hộ của người trồng mía ở Quảng Ngãi.

Một trong những vấn đề nông dân quan tâm là việc đầu tư vùng nguyên liệu của tỉnh thiếu đồng bộ. Hiện nay, hầu hết các vùng chuyên canh mía tỉnh vẫn chưa đầu tư thủy lợi nên năng suất mía đạt thấp. Ông Phan Xuân Tâm, một người trồng mía ở thôn Tây Phước, xã Bình Khương, huyện Bình Sơn nói, năm nào cũng nghe tỉnh đầu tư tỷ nọ, tỷ kia để phát triển vùng nguyên liệu mía phục vụ cho 2 nhà máy đường nhưng chẳng thấy đầu tư thủy lợi cho nông dân. Trong khi đó, thủy lợi là nhu cầu cần thiết để cho cây mía phát triển. Và vấn đề này nông dân cũng nhiều lần kiến nghị với tỉnh nhưng không được đáp ứng.

Ông Tâm còn nói chua ngoa: “Mía trồng không có nước thì mía rất ngọt, chữ đường tăng, nhưng ngược lại mỗi năm chữ đường lại càng thấp...”. Một số nông dân đề nghị lãnh đạo tỉnh quan tâm đến việc phát triển hệ thống giao thông vào vùng nguyên liệu vì chi phí trung chuyển quá cao so với giá mía hiện nay; đầu tư giống... Riêng giá thu mía hiện nay của 2 nhà máy đường trả cho nông dân bằng... đường. Cứ 1 tấn mía đạt 10 chữ đường, người nông dân sẽ được trả 60kg đường theo giá hiện hành. Với cách trả này người trồng mía cho rằng không thỏa đáng. Bởi vì thường giá đường đầu vụ cao so với cuối vụ nên người bán mía trước được giá hơn người bán sau...

Sau khi lắng nghe ý kiến của nông dân, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Xuân Huế; Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đường Quảng Ngãi Võ Thành Đàng đã trả lời những thắc mắc của bà con nông dân. Tuy nhiên, nhiều nông dân cho rằng, cách trả lời này không thỏa đáng. Vì vậy, việc tổ chức diễn đàn đối thoại trực tiếp này nhằm để tháo gỡ những vướng mắc giữa 3 nhà: Nhà nước, nhà doanh nghiệp và nhà nông lần này không đem lại kết quả như mong muốn.

Nguồn: www.vnexpress.net


Tin khác