Nông nghiệp Trung Quốc sau 5 năm gia nhập WTO - Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

28/02/2007

Là một nước có nền nông nghiệp có nét tương đồng với Trung Quốc, Việt Nam có thể rút ra được những kinh nghiệm gì của Trung Quốc sau 5 năm gia nhập WTO?

Vào thời điểm bắt đầu WTO, nhiều người dân Trung Quốc cũng như người dân Việt Nam trong trạng thái lo lắng, bồn chồn và lo ngại về nền kinh tế của đất nước trong thời gian tới. Nhưng thực tế đã chứng minh, vào WTO, Trung Quốc “được nhiều hơn mất”. Với 60% dân số sống ở nông thôn, “Trung Quốc không thể giàu mạnh nếu nông dân không giàu” và với tham vọng trở nên một cường quốc nông nghiệp cũng giải thích tại sao Trung Quốc đặc biệt quan tâm và tích cực đối với đề tài này trong khuôn khổ WTO.

Là một nước có nền nông nghiệp có nét tương đồng với Trung Quốc, Việt Nam có thể rút ra được những kinh nghiệm gì của Trung Quốc sau 5 năm gia nhập WTO?

Nông nghiệp Trung Quốc trước thời điểm gia nhập WTO

Năm 1999, Trung Quốc có một phần tư hộ nông dân có thu nhập dưới 1 đô-la một ngày và ba phần tư người nghèo sống ở nông thôn. Mọi tác động tiêu cực lên nông nghiệp khi Trung Quốc gia nhập WTO đều đáng được quan tâm.

Những tồn tại của Nông nghiệp Trung Quốc

- Giá cả nhiều loại sản phẩm nông nghiệp Trung Quốc cao hơn so với giá thế giới do chi phí sản xuất cao, kết cấu hạ tầng kém. Kể từ đầu những năm 1990, giá cả hàng nông sản của Trung Quốc đã liên tục tăng với tốc độ hơn 10%/năm khiến cho giá cả của sản phẩm như tiểu mạch, ngô, đậu, bông … đều cao hơn giá thị trường quốc tế từ 20-70%. Nói chung chỉ có thịt lợn, táo và thuốc lá là tương đối có ưu thế, còn lại nhiều loại hàng hóa nông sản của Trung Quốc thiếu sức cạnh trên thị trường quốc tế.

- Hàng nông sản trong nước khó tiêu thụ, thu nhập của nông dân tăng chậm. Tỷ lệ thu nhập ròng của nông dân đã giảm năm 1996: 9%; năm 1997: 4,6%... 2,1% năm 2000 (chủ yếu do sự giảm sút thu nhập từ sản xuất nông nghiệp).

- Sau một thời gian dài có những tác động tích cực với việc tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho người nông dân, các xí nghiệp hương chấn quy mô sản xuất nhỏ, công nghệ và máy móc lạc hậu, năng suất thấp đang ngày càng trở nên kém hiệu quả, gây lãng phí tài nguyên, ô nhiễm môi trường và là gánh nặng với ngân sách địa phương.

Nguồn: http://www.vista.gov.vn

Trung Quốc chính thức gia nhập WTO vào ngày 11 tháng 12 năm 2001. Trong lĩnh vực nông nghiệp, Trung Quốc cam kết giảm hàng rào thuế quan trung bình đối với hàng nông sản từ mức 21,3% năm 2000 xuống 18,5% năm 2002 và giảm dần xuống còn 15,5% năm 2006. Đến năm 2008, mức thuế này giảm còn 15,1%. Về trợ cấp, Trung Quốc cam kết không trợ cấp hàng nông sản xuất khẩu; chỉ hỗ trợ thông thường trong toàn bộ ngành nông nghiệp và hỗ trợ sản phẩm đặc biệt ở mức 8,5% tổng giá trị sản lượng nông nghiệp.

Một số các chuyên gia kinh tế cho rằng khi hội nhập WTO: số người thất nghiệp trong nông nghiệp sẽ tăng cao, các nhà nông Trung Quốc, với năng suất yếu kém, diện tích trồng trọt nhỏ, kỹ thuật thô sơ, sẽ không thể cạnh tranh được các nhà sản xuất công nghiệp của Mỹ, úc, Canada, Brazil, và Liên minh Châu Âu với những trang trại khổng lồ và phương tiện hiện đại. Tuy nhiên, người tiêu dùng của Trung Quốc sẽ có lợi nhờ giá thực phẩm giảm.

Thực trạng - Những biến đổi về nông nghiệp Trung Quốc trong 5 năm qua

Trước những dự đoán và những lo ngại cho ngành nông nghiệp, Trung Quốc đã phải nhanh chóng tìm ra kế sách cho nông thôn sau WTO. Mặc dù phải đối mặt với những bất lợi ban đầu ngay sau khi gia nhập, nhưng nhìn chung tác động của WTO tới nông nghiệp Trung Quốc không lớn. Sau 5 năm gia nhập WTO, mức thuế đối với nông sản đã giảm từ 23,2% xuống còn 15,35%; thu nhập bình quân đầu người hàng năm của nông dân Trung Quốc tăng 29,2% kể từ năm 2000, lên 3.255 NDT (405 USD) vào năm 2005; tỷ lệ người nghèo giảm từ 16% xuống còn 10%.

Những bất lợi cho nông dân Trung Quốc

Ngay từ những tháng đầu gia nhập WTO, ngành nông nghiệp Trung Quốc đã nhìn thấy những bất lợi cho nông dân, thể hiện ở những vấn đề sau:

Thứ nhất, khó khăn tăng thêm trong việc kinh doanh các mặt hàng nông sản và sức ép về hệ thống phân phối. Vào thời điểm đó, sự quản lý sản xuất, phân phối và giao dịch các mặt hàng nông sản là do các cơ quan nội thương và ngoại thương phụ trách. Hệ thống quản lý này rõ ràng không đủ sức đáp ứng trước tình hình mới sau khi gia nhập WTO.

Thứ hai, giá cả của một số nông sản giảm mạnh trên thị trường nội địa, dẫn đến giảm thu nhập của nông dân ở một số lĩnh vực, nông dân nản chí không canh tác nữa. Vào thời điểm đó, giá cả trong nước của các mặt hàng lúa mì, đậu nành, bắp, vải sợi, dầu thực phẩm và đường cao hơn mức giá trên thế giới từ 10-70%. Khi các mặt hàng nông sản nước ngoài tràn ngập thị trường TQ, nền nông nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Điều này sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng doanh thu và làm gia tăng nạn thất nghiệp trong nông dân vốn đang chủ yếu canh tác các mặt hàng nông sản này.

Cũng có một số mặt hàng như thịt, rau quả và hải sản thấp hơn mức giá trên thế giới từ 40-80% nhưng lại gặp khó khăn trong việc đáp ứng các yêu cầu về sự đa dạng, mẫu mã, hương vị và việc chế biến của các sản phẩm đó để cung cấp cho thị trường quốc tế.

Trước thực trạng đó, Trung Quốc đã đề ra 5 giải pháp lớn trong nông nghiệp để đối mặt với những thách thức do gia nhập WTO. Trong đó, Trung Quốc tập trung vào giải pháp: “tái cơ cấu nông nghiệp cũng như việc xuất nhập khẩu nông sản”. Ngoài ra, chất lượng nông sản cũng được nhấn mạnh. Tiêu chuẩn chất lượng sản xuất và hệ thống kiểm tra được thiết lập để đảm bảo chất lượng và an toàn sản phẩm.

Do là nước có nguồn lao động dồi dào nhưng lại không có được diện tích đất trồng tương ứng, Trung Quốc thực hiện kế hoạch phát triển lương thực trồng trọt trên qui mô lớn nhằm nâng cao khả năng sản xuất nông nghiệp. TQ tăng nhập khẩu lúa mì, ngũ cốc, cây lấy dầu, cây chế biến đường, đậu nành, bông... (những mặt hàng đòi hỏi để có năng suất cao cần phải có diện tích lớn và cơ giới hóa). Nguợc lại, TQ tăng cường xuất khẩu rau quả, hoa màu và các sản phẩm rau quả có tỉ trọng lao động cao và cần ít đất đai hơn. Kế hoạch phát triển nông nghiệp chăn nuôi được tiến hành cùng với kế hoạch phát triển trồng trọt và những nỗ lực này sẽ phát triển ngành này ở trên diện rộng nhất có thể. Trung Quốc cũng tập trung vào làm vườn, nuôi trồng thủy sản, đậu nành, chăn nuôi bò sữa, lương thực và các nguồn thực phẩm khác. Nghề chăn nuôi, trừ các sản phẩm từ sữa và len, là ngành thu lợi nhiều nhất từ việc gia nhập WTO.

“Nông sản nhập khẩu quả thực không dễ dàng xâm nhập vào thị trường Trung Quốc”

Sang năm thứ hai tác động của việc gia nhập WTO đến nền nông nghiệp Trung Quốc đã không còn đáng lo ngại như ban đầu. Không như dự đoán của các chuyên gia kinh tế Trung Quốc, lo ngại rằng “sản phẩm nông nghiệp sẽ tràn ngập thị trường Trung Quốc” do giá của nhiều nông sản Trung Quốc cao hơn nhiều lần so với thế giới. Sau một năm gia nhập, tình trạng nhập khẩu ồ ạt đã không diễn ra như nhận định như trên. Theo ông Chen Xiwen, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển nhà nước nhận xét: “Nông sản nhập khẩu quả thực không dễ dàng xâm nhập vào thị trường Trung Quốc”.

Những dấu hiệu đáng mừng cho nông nghiệp Trung Quốc

Trung Quốc từ một nước có nền nông nghiệp kém cạnh tranh đã khắc phục dần những bất lợi do WTO đem lại và có tham vọng trở thành “nông trại của thế giới”. Thương mại nông sản của Trung Quốc đã có dấu hiệu thắng thế. Sản xuất ngũ cốc giảm nên Trung Quốc ngày càng nhập khẩu nhiều ngũ cốc. Năm 2003, Trung Quốc đã nhập hơn 21 triệu tấn hột đậu nành, so với chỉ 4 triệu tấn năm 1998. Ngược lại, sản xuất rau quả và thịt tăng nhanh. Từ nhiều năm đã là một trong những nước sản xuất lớn nhất cho các mặt hàng như thịt heo (46% sản lượng thế giới), bông sợi (24%), trà (23%). Trung Quốc đã chiếm hạng đầu cho lê (70%), táo (48%), đào (32%), cà chua (30%), tỏi, và rau quả đóng hộp. Trong năm 2003, trị giá xuất khẩu rau quả đã tăng 43% cho rau và 80% cho quả. Trung Quốc hiện đứng đầu thế giới về xuất khẩu rau khô và rau đông lạnh, nấm chế biến, tỏi và quả đóng hộp. Cùng lúc, sản xuất thủy hải sản tăng gấp ba trong 10 năm, đạt 45 triệu tấn năm 2002, một phần ba của sản lượng thế giới. Từ đó đến nay, Trung Quốc đứng đầu về xuất khẩu thuỷ hải sản với 4,5 tỉ đô-la.

Hiện nay Trung Quốc đứng thứ 8 trên thế giới về xuất khẩu nông sản và đứng đầu ở Châu á, cung cấp 15% tất cả các nông sản nhập vào Nhật.

Những vấn đề

Mặc dù đã đạt được nhiều thành công, nhưng nông nghiệp Trung Quốc cũng phải đối mặt với một số vấn đề.

Từ một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) dựa trên khảo sát 84.000 hộ gia đình Trung Quốc cho thấy 90% hộ gia đình có mức thu nhập và tiêu dùng gia tăng, nhưng một số không nhỏ các hộ gia đình nông dân lại bị giảm thu nhập (mức giảm là 0,7%). Trong đó, nếu tính theo lượng tiêu dùng, mức sống của những hộ nghèo nhất giảm đến 6%. Nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng trên là do giá tiêu dùng tăng cao trong khi mức thu nhập hầu như không tăng tương ứng.

Diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp. Với sự phát triển của các đô thị, hệ thống vận chuyển, xây cất đường xá, phi trường, và cả các sân golf, trò chơi của giai cấp trưởng giả mới, diện tích canh nông ngày càng thu hẹp. Từ 1999 đến 2003, đã mất đi 7,6 triệu héc-ta đất nông nghiệp.

Tốc độ đô thị hóa nhanh dẫn đến tình trạng thất nghiệp ở nông thôn. Theo tính toán, dân số nông thôn ước tính khoảng 900 triệu người. Số người trong lực lượng lao động năm 2003 là khoảng 490 triệu người, chiếm 70% sức lao động cả nước. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 180 triệu người có việc làm khá ổn định, còn trên 300 triệu người ở trong tình trạng bán thất nghiệp.

Kinh nghiệm cho Việt Nam

Từ thực tiễn của Trung Quốc sau 5 năm gia nhập WTO có thể rút ra bài học cho Việt Nam như sau :

Một là, cần đánh giá đúng mức độ tác động đối với các lĩnh vực sản xuất và tránh gây tâm trạng hoang mang cho nông dân. Đồng thời, cũng cần tăng cường hỗ trợ thông tin theo hướng cung cấp cập nhật, chính xác thông tin về thị trường nông sản cho nông dân.

Hai là, chính sách phát triển nông nghiệp nên hướng vào sản xuất những nông sản Việt Nam có lợi thế so sánh. Khi không còn bảo hộ sản xuất cho một nông sản nào, cách tồn tại và phát triển là phải phát huy những ngành có lợi thế so sánh hoặc ngay từ bây giờ chúng ta phải tạo ra lợi thế so sánh để tồn tại và phát triển.

Ba là, coi trọng hơn nữa tới hỗ trợ cho việc phát triển công nghiệp chế biến.

Phát triển công nghiệp chế biến tạo ra giá trị gia tăng cao, và tạo đầu ra ổn định hơn cho ngành trồng trọt và chăn nuôi. Hơn nữa việc chế biến nông sản đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng đang thay đổi của thế giới sẽ giúp ta giành được thị phần cho hàng hóa của mình trên thị trường quốc tế.

Bốn là, hệ thống chính sách và quản lý liên quan tới nông nghiệp cũng cần có những thay đổi kịp thời, định hướng cho nông nghiệp chuyển đổi cơ cấu sản xuất, xuất khẩu ….

Năm là, tăng cường năng lực của các Hiệp hội ngành hàng. Đây là đơn vị tập hợp và tăng cường liên kết các doanh nghiệp kinh doanh nông sản nhằm gia tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế


Đinh Thị Kim Phượng

Tin khác