Hội thảo Tìm hiểu sơ bộ về tình trạng nghèo của người dân tộc thiểu số ở Việt Nam

11/04/2007

Agroinfo - Ngày 6 tháng 4 năm 2007, tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới đã tổ chức Hội thảo Tìm hiểu sơ bộ về tình trạng nghèo của người dân tộc thiểu số ở Việt Nam.

Theo nghiên cứu của bà Nina Bhatt (Ngân hàng Thế giới), trong những năm qua Việt Nam đã có những cố gắng lớn trong giảm tỷ lệ nghèo đói từ xấp xỉ 60% dân số vào năm 1993 xuống còn dưới 20% vào năm 2004. Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả chung, người dân tộc thiểu số vẫn có tỷ lệ giảm nghèo thấp hơn so với bộ phận dân cư nói chung.

Năm 2004, người dân tộc thiểu số chỉ chiếm khoảng 12,6% tổng dân cư, nhưng họ lại chiếm tới 39,3% trong tổng số dân nghèo của cả nước. Lý giải cho tình trạng này, nghiên cứu cho rằng các đồng bào dân tộc thiểu số thường có trình độ học vấn thấp, thiếu đất đai màu mỡ, khả năng tiếp cận với hoạt động thương mại kém, ít nguồn tín dụng do vậy bị phụ thuộc vào lao động nông nghiệp và lao động có thu nhập thấp. Bên cạnh đó, năng suất làm việc lại kém hiệu quả, ít có sản phẩm bán ra thị trường nên thu nhập thấp, không có khả năng đầu tư sang các lĩnh vực khác...

Hội thảo cũng được nghe đại diện của Uỷ Ban Dân tộc, ông Lê Ngọc Thắng, trình bày kết quả nghiên cứu Tác động và khuyến nghị dựa trên nghiên cứu phân tích xã hội quốc gia ở Việt Nam.

Theo các đại biểu, nhìn chung các kết quả nghiên cứu chưa phát hiện được nhiều điểm mới. Một số điểm cần lưu ý khi tiến hành nghiên cứu các chủ đề liên quan đến người dân tộc thiểu số nói chung và vấn đề nghèo đói của các dân tộc thiểu số nói riêng là:

Sự du nhập những giá trị và lối sống của người Kinh có nguy cơ làm phá vỡ các giá trị và lối sống văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc bản địa. Những kiến thức bản địa đang dần biến mất. Đây là điều rất đáng tiếc vì trên thực tế hơn ai hết đồng bào các dân tộc thiểu số hiểu rất rõ các điều kiện tự nhiên-xã hội và văn hóa ở nơi họ sinh sống. Những kiến thức này cần phải được sử dụng một cách hợp lý trong phát triển kinh tế-xã hội và giảm nghèo.

Các nghiên cứu cần phải nhìn thẳng vào thực tế để có được những giải pháp chính sách hữu ích. Chẳng hạn, vấn đề chênh lệch giàu nghèo giữa dân di cư và các dân tộc bản địa tại Tây Nguyên và một số địa phương khác nên được nhìn nhận thứ thế nào? Phải chăng chỉ đơn giản là do trình độ của người dân tộc tại đây quá thấp hay không?

Cuối cùng, điểm quan trọng là cần phải tránh nguy cơ nhìn nhận, đánh giá các vấn đề nghiên cứu theo nhãn quan của người Kinh thay vì đúng ra phải theo cách nhìn nhận, đánh giá của bản thân người dân tộc thiểu số. Nếu không, những kết quả nghiên cứu và khuyến nghị chính sách có thể không phản ánh được tiếng nói và lợi ích thực sự của các dân tộc thiểu số, do đó không mại lại hiệu quả thiết thực trong công cuộc xóa đói giảm nghèo cho họ.


Trần Lan Phương

Tin khác