Bài 2: Một đề tài 9 chữ ký.

30/05/2007

Đó là thực tế trong công tác quản lý khoa học nông nghiệp hiện nay. Tại hội nghị triển khai kế hoạch khoa học – công nghệ năm 2007 của ngành NN – PTNT, hàng loạt yêu cầu đã được đưa ra đối với các nhà khoa học . Trong đó, vấn đề sống còn là phải trả lời được câu hỏi: Chúng ta làm được gì cho nông dân khi tiêu cả trăm tỉ đồng mỗi năm.

Bài 1: Bó chân, bó tay

Rõ ràng để có lời giải không đơn giản. Làm khoa học là cả một quá trình, không thể cân đo hiệu quả theo từng năm, từng tháng. Thế nhưng, theo một số bậc “lão thành”, cơ chế vận hành của bộ máy khoa học nông nghiệp còn rất cồng kềnh, làm chậm quá trình tự chủ, tự chịu trách nhiệm, khó phát huy hiệu quả từng đơn vị. Đơn cử là việc vận hành của các viện trực thuộc viện khoa học nông nghiệp việt Nam (Vietnamese Academy of Agricultural Sciences, viết tắt là (VAAS). Mục tiêu lớn nhất khi thành lập VAAS là xây dựng một viện khoa học hàn lâm (Academy) hàng đầu trong ngành NN- PTNT. Vị trí chức năng của VAAS được xác định là nghiên cứu cơ bản có định hướng, nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ, đào tạo sau đại học trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Ý tưởng của những người thiết kế là VAAS phải xây dựng được các tổ bộ môn mạnh, quy tụ được các nhà khoa học nông nghiệp hàng đầu cả nước về làm việc. Thế nhưng hiện nay VAAS mới chỉ là phép cộng của 10 đơn vị khoa học thành viên.

Điều quan ngại lớn nhất là sau một thời gian vận hành trong việc thực hiện các đề tài khoa học đã thấy bộc lộ những trục trặc liên quan đến cơ chế không dễ vượt qua. Trên thực tế, VAAS như là một “vụ khoa học thứ hai” quản lý mảng trồng trọt của các tỉnh từ Duyên Hải NamTrung bộ trở ra phía Bắc. Chính vì vậy mà việc thẩm định một đề tài phải qua rất nhiều khâu. Cùng một đề tài trong chương trình mục tiêu quốc gia về VSATTP ngành nông nghiệp năm 2007 - đề tài “xây dựng vùng sản xuất cam an toàn, nhãn an toàn tại Tiền Giang” do Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam thực hiện chỉ cần 4 chữ ký là: Thủ trưởng cơ quan, chủ trì đề tài, chủ nhiệm đề tài, Vụ khoa học – công nghệ, Vụ tài chính. Thế nhưng đề tài “xây dựng vùng sản xuất rau an toàn hàng hoá quy mô huyện hoặc liên xã tại Hưng Yên” của Viện nghên cứu rau quả (trực thuộc VAAS) lại cần tới con số kỷ lục …9 chữ ký gồm: 4 chữ ký của đơn vị thực hiện: chủ nhiệm đề tài, trưởng phòng khoa học, Kế toán trưởng, Thủ trưởng đơn vị, 3 chữ ký của cơ quan chủ trì: Ban Khoa học và Hợp tác quốc tế, Ban tài chính, Thủ trưởng cơ quan chủ trì; 2 chữ ký của cơ quan chủ quản: Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ Tài chính. Chỉ qua một ví dụ nhỏ này để thấy, nếu vận hành theo quy mô hiện nay các viện và cụ thể từng chủ nhiệm đề tài phải “chạy đà” thêm khá nhiều bước trước khi đề tài được thông qua.

Ngoài ra cũng đang có sự chồng chéo các đề tài nghiên cứu khoa học giữa cấp nhà nước với cấp ngành. Ví dụ: Chương trình KC 06/06 về: “Nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất các sản phẩm xuất khẩu chủ lực”. GS, TS Nguyễn Ngọc Kính (nguyên Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và CLSP) cho rằng, đang có tình trạng hội đồng tư vấn chỉ thẩm định nội dung còn quy mô và kinh phí lại do một hội đồng khác xét duyệt, dẫn đến sự vênh nhau khá lớn về mức đầu tư kinh phí. Có đề tài thực hiện xuất sắc cấp cơ sở với kinh phí thực hiện cả tỉ đồng nhưng lên cấp Bộ, chính là đề tài đó lại triển khai mở rộng với kinh phí cả chục tỉ đồng vì quy mô đề tài thử nghiệm trên diện tích cả trăm hecta. Thực tế, quy mô đề tài không cần một diện tích lớn như vậy, gây lãng phí. Hội đồng thẩm định chỉ nhìn nội dung còn bên tài chính thì cứ căn cứ vào diện tích rồi nhân ra tiền. Một vấn đề cũng làm kém hiệu quả nghiên cứu là phần lớn các đề tài đều đề xuất lãnh đạo của cơ quan làm chủ nhiệm để nộp đơn đấu thầu. Song đến khi trúng thầu thì chủ nhiệm đề tài do bận công việc nên giao cho người khác làm, thậm chí báo cáo tổng kết cũng không đọc trước khi nộp cho cơ quan quản lý. Cùng với đó, cơ chế thẩm định, nghiệm thu cũng còn nhiều tồn tại. GS. Kính đặt ra hàng loạt câu hỏi: Có hay không “Hội đồng gật gù”? Câu trả lời có vì một số hội đồng được lựa chọn trước với những thành viên “hợp ý” . Có hay không sự nể nang trong các hội đồng? Câu trả lời cũng là có. Đây là hậu quả của cơ chế tuyển chọn chủ nhiệm đề tài, bởi chủ nhệm đề tài là lãnh đạo đơn vị, là GS, TS đầu ngành… thì đương nhiên là tốt.

Đức Cường

Thứ ba 22/5/2007 - số 102 (2687) nông nghiệp


Tin khác