Giảm thuế, DN thức ăn chăn nuôi vẫn kêu ca

30/10/2007

Sáng ngày 25/10, các thành viên phía Bắc của Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam (TACN) tiếp tục kiến nghị giảm thuế VAT bằng không, bởi Hiệp hội này nhận định giá nguyên liệu làm TACN thế giới sẽ tăng cao từ nay đến hết năm.

Hiệp hội TACN dự tính, tổng nhu cầu TACN năm nay khoảng 17 triệu tấn, khả năng nguyên liệu sản xuất trong nước chỉ đạt 13,4 triệu tấn, số còn lại phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu. Điển hình, cần nhập khô dầu đậu tương và số ít đậu tương (1,78 triệu tấn), ngô 700.000 tấn, cám ép 680.000 tấn, khoáng và thức ăn bổ sung 255.000 tấn, bột cá 100.000 tấn...

Hiệp hội này cho rằng, sau khi gia nhập WTO từ 8/8/2007 giá nhập khẩu một số nguyên liệu TACN có giảm (như ngô từ 5% xuống 2%, mới đây nhất tại QĐ 86 của Bộ Tài chính ngày 22/10 giảm còn 0%), nhưng giá nguyên liệu từ nay đến cuối năm vẫn tăng ở mức cao.

Theo ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội, 9 tháng đầu năm, bình quân giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng 25%. Thậm chí, 3 tháng cuối năm, giá nguyên liệu TACN sẽ bị đẩy lên mặt bằng mới cao hơn (30-40% so với đầu năm).

Lý giải vì sao thuế nhập khẩu giảm từ tháng 8/2007 mà giá TACN vẫn tăng, Hiệp hội này cho rằng, giảm thuế mới chỉ là giải pháp tình thế khi giá nguyên liệu TACN trong nước và quốc tế đã tăng lên đáng kể. Ví dụ sơ bộ một công ty sản xuất TACN, giảm thuế đã giảm được 4,4% so với chênh lệch giá nguyên liệu, giá trị tăng do giá nguyên liệu tăng vẫn còn 95,6%. Vì vậy, giảm một phần thuế nhập khẩu chưa đủ ảnh hưởng làm giảm giá thức ăn.

Trước tình trạng này, các DN đã thống nhất đề nghị Nhà nước phải bỏ thuế VAT. Bà Đỗ Kim Chi, Giám đốc Kinh doanh Công ty New Hope, giải thích, đối với những DN lớn, khi mua nguyên liệu phải có hóa đơn VAT. Nếu bỏ được khoản thuế này thì không cần mua hàng qua DN thương mại để lấy hóa đơn mà có thể mua hàng trực tiếp từ nông dân. Khi đó, giá thức ăn chăn nuôi có thể sẽ giảm.

Ngoài ra, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Thương mại VIC Nguyễn Hữu Lợi đề xuất, để tránh tình trạng giá nguyên liệu tăng đột biến, Nhà nước cần dự trữ mỗi năm khoảng 20% số nguyên liệu nhập khẩu, sau đó cho DN đấu thầu lại với phương châm: lỗ Nhà nước chịu, lãi Nhà nước hưởng.

Hiệp hội khuyến khích các DN xây dựng kho hàng, song, theo ông Đoàn Trọng Lý, Giám đốc Công ty Aprosimex, DN làm gì có kho mà dự trữ nguyên liệu. Chính vì thế, giá thế giới lên thì trong nước cũng lên theo. Điển hình như năm nay, khi Gia Lai, Đắk Lắk mới vào đầu vụ sắn mà đã không còn kho để thuê.

Bên cạnh đó, Hiệp hội TACN cũng đề nghị Nhà nước tổ chức tốt kênh thông tin tổng hợp đề giúp DN có thể dự báo về giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên thế giới; có quy hoạch vùng nguyên liệu; hạn chế đi đến cấm xuất khẩu tiểu ngạch nguyên liệu thức ăn chăn nuôi; ưu tiên kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư sản xuất vùng nguyên liệu TACN tại Việt Nam.

Nguồn: Vietnamnet


Tin khác