Sẵn sàng giải thể các DN nông nghiệp yếu kém

11/12/2007

Theo Bộ NN-PTNT, đến thời điểm này ngành nông nghiệp vẫn còn 19 DN và 11 tổng công ty không thể thực hiện được cổ phần hoá (CPH). Thứ trưởng NN-PTNT Diệp Kỉnh Tần thừa nhận, kế hoạch CPH năm 2007 mà Bộ đề ra đã thất bại.

Ngành nông nghiệp đã không hoàn thành kế hoạch CPH năm 2007.

Báo cáo tại Hội nghị sơ kết về Kết quả sắp xếp đổi mới các DN nông nghiệp, do Bộ NN-PTTN tổ chức hôm 6/12, cho thấy, trong năm 2007, ngành nông nghiệp sẽ CPH toàn bộ 17 tổng công ty lớn của Bộ và 329 DN trực thuộc. Song, đến nay, vẫn còn 19 DN và 11 tổng công ty không thể hoàn thành việc này.

Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần nói rằng, như vậy, kế hoạch CPH các DN nông nghiệp năm 2007 đã không hoàn thành.

Ông Tần đánh giá, việc CPH các DN nông nghiệp sở dĩ chậm là do hầu hết các DN vốn ít, công nghệ lạc hậu. Trong số 329 DN và 17 tổng công ty, chỉ có số vốn là 6.050 tỷ đồng, bình quân mỗi DN chỉ có 17,5 tỷ đồng. Thậm chí, có 15% DN có vốn chưa đến 1 tỷ đồng. Số DN ít vốn chủ yếu thuộc về các tổng công ty xây dựng, rau quả, chè, bình quân chỉ 100-200 tỷ đồng.

Trái lại, một số tổng công ty lại có số vốn rất lớn như Tổng Công ty Lương thực, Tập đoàn Cao su, Tổng Công ty Lâm nghiêp... có đơn vị thành viên nắm số vốn trên 500 tỷ đến vài nghìn tỷ đồng. Chính điều này cũng đã tạo nên sự chênh lệch rất lớn giữa các tổng công ty, dẫn đến quá trình CPH không thể diễn ra đồng đều.

Ngoài ra, theo Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần, đối với các tổng công ty, cái khó hiện nay là cơ cấu lại công ty mẹ, tức là các đơn vị phụ thuộc cũng phải sắp xếp lại.

"Chúng tôi cũng đã có chủ trương, các DN nào quá yếu sẽ buộc phải giải thể để giảm bớt gánh nặng cho các công ty mẹ. Trước mắt, có một số công ty chè buộc phải giải thể. Việc giải thể các DN quá yếu sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty mẹ tập trung nhân lực, nguồn vốn dồn cho các đơn vị còn lại trong công ty mẹ lớn hơn, mạnh hơn. Điều này có nghĩa là, phải sắp xếp công ty mẹ cho ổn thì mới tiến hành CPH được", ông Tần nói.

Ngoài ra, khó khăn chung trong quá trình CPH doanh nghiệp định giá tài sản. Với ngành nông nghiệp, bài toán này vô cùng hóc búa. Theo Thứ trưởng Tần, việc chuyển đổi, sắp xếp nông, lâm trường cũng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là lâm trường. Các lâm trường không được tự chủ trong sản xuất kinh doanh, phải khai thác gỗ theo chỉ tiêu. Bộ NN-PTNT đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng về vấn đề này.

Chưa kể, việc định giá đất, cây rừng cũng hết sức phức tạp. Phương pháp xác định cây cà phê, cao su, chè… đã có, nhưng cây rừng thì vẫn phải chờ. Chính Bộ NN-PTNT cũng đang lúng túng, chưa thể ban hành hướng dẫn các địa phương.

Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Lâm nghiệp Trần Đức Sinh cho biết, trở ngại lớn nhất đối với các nông, lâm trường hiện nay là vấn đề đất đai. Gần như địa phương nào cũng nảy sinh tranh chấp về đất rừng. Trong khi đó, Nhà nước chưa có cơ chế, tiêu chí rõ ràng để phân loại, xác định giá trị rừng.

Thứ trưởng Tần nói rằng, trong quý I/2008 ngành nông nghiệp sẽ cơ bản sắp xếp xong hết các DN. Ngành sẽ tập trung CPH 15 tổng công ty trong năm tới.

Theo Ban Đổi mới DN (Bộ NN-PTNT), từ năm 2002 đến nay, Bộ đã sắp xếp, đổi mới 310/329 DN trực thuộc, trong đó có 236 DN đã CPH.

Nhờ quá trình này, các DN đã huy động được 160 tỷ đồng từ người lao động, nhà đầu tư để phát triển sản xuất, kinh doanh. Đáng mừng là có 137/144 DN cổ phần từ 1 năm trở lên có lãi, mà trước đó nhiều DN thua lỗ triền miên. Duy chỉ có 7/144 DN lỗ, song đều tập trung vào những DN trước thua lỗ nặng và chưa xác định được hướng phát triển hữu hiệu.


Tin khác