Bất bình đẳng ở Việt Nam - Khoảng cách lớn như thế nào?

27/12/2007

Phân tầng xã hội là vấn đề thu hút sự quan tâm, chú ý của nhiều nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách. Để trả lời câu hỏi về mức độ bất bình đẳng ở Việt Nam, trước hết chúng ta cần có hướng tiếp cận nhằm đo lường bất bình đẳng. Một cách khái quát, có 2 phương pháp đo lường về bất bình đẳng: Thứ nhất, đo lường bất bình đẳng nói chung thông qua hệ số Gini – được sử dụng rộng rãi trong nhiều nghiên cứu; Thứ hai, đo bất bình đẳng về cơ hội thông qua khoảng cách chênh lệch về đầu ra giữa các nhóm xã hội. Trong hai phương pháp này, bất bình đẳng cơ hội mô tả rõ nét về sự bất bình đẳng xã hội hơn và chỉ ra “cái bẫy bất bình đẳng” tồn tại dai dẳng từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Theo cách tiếp cận thứ nhất, hệ số Gini của Việt Nam vào thời điểm năm 1998 là 0,35 và năm 2004 là 0,423 , trong khi đối với hầu hết các nước đang phát triển, hệ số Gini chi tiêu hoặc thu nhập nằm trong khoảng từ 0,3 đến 0,6. Như vậy theo cách tiếp cận này, trong sự so sánh với các nước có điều kiện tương tự trong khu vực và trên thế giới, bất bình đẳng ở Việt Nam ở mức vừa phải. Như vậy, cách tiếp cận này cho chúng ta một cái nhìn khá lạc quan về mức độ bình đẳng ở Việt Nam.

Tuy nhiên, dưới góc độ bất bình đẳng cơ hội, chúng ta lại có một cái nhìn khác về khoảng cách giàu nghèo của Việt Nam. Căn cứ vào các chỉ số về bất bình đẳng cơ hội (giữa nhóm giàu và nhóm nghèo, giữa nông thôn và đô thị, giữa nam và nữ) trong những lĩnh vực (như thu nhập, tỉ lệ đói nghèo, chi tiêu công cộng cho y tế, tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh) đều cho thấy có sự chênh lệch giữa các nhóm xã hội khác nhau. Đặc biệt, khoảng cách giàu nghèo ngày càng mở rộng: chênh lệch về tỉ lệ nghèo giữa nông thôn và đô thị ngày càng doãng ra từ 2,65 lần (1993) lên 4,95 lần (1998), 5,4 lần (2002) và lên đến 6,94 lần (2004). Đặt trong sự so sánh với các nước trong khu vực và trên thế giới, bất bình đẳng về cơ hội của Việt Nam không ở mức vừa phải, mà thuộc loại cao hơn. Sự khác biệt này được thể hiện rõ trong sự so sánh giữa nông thôn – đô thị, giữa nhóm người Kinh/Hoa và các dân tộc thiểu số. Trong đó, khoảng cách chênh lệch tuyệt đối về mức sống giữa người dân tộc thiểu số với người Kinh/Hoa ngày càng mở rộng hơn so với khoảng cách chênh lệch tuyệt đối về mức sống giữa nông thôn và đô thị.

Như vậy, ở Việt Nam hiện nay đang diễn ra xu hướng dịch chuyển từ sự bất bình đẳng giữa nông thôn và đô thị (1993-1998) sang sự bất bình đẳng giữa người dân tộc thiểu số và người Kinh/Hoa (2004). Tức là vấn đề nghèo đói ở Việt Nam trong tương lai gần là vấn đề nghèo đói ở nông thôn miền núi và là nghèo đói của người dân tộc thiểu số. Có thể thấy, hai cách tiếp cận đã cho chúng ta hai bức tranh tương phản về bất bình đẳng tại Việt Nam. Nên chăng chúng ta nên có cái nhìn mới về bất bình đẳng? Vì khi bất bình đẳng tăng lên, nó sẽ làm cho sự gắn kết xã hội yếu đi và chứa đựng những yếu tố “tiềm ẩn” của xung đột xã hội. Các chính sách cần hướng tới phát triển các vùng nông thôn và vùng dân tộc thiểu số để giữ sự chện lệch giữa các nhóm xã hội ở mức độ có thể chấp nhận được.

TS. Đỗ Thiên Kính (Viện Xã hội học)


Tin khác