Trường Chinh - Tổng Bí thư của đổi mới

09/01/2008

Ba lần làm Tổng Bí thư Đảng, từng đứng ra nhận kỷ luật trước Đảng vì chỉ đạo cải cách ruộng đất, Tổng Bí thư Trường Chinh trong ký ức của nhiều người vẫn được coi là nhà lãnh đạo "hết sức cứng" như nhận xét của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Nhưng chính ông lại là chủ biên của Đổi Mới, người đã "chú ý nghe từ nhiều phía, và đặc biệt là đã coi trọng ý kiến của những cán bộ có tư duy, dám nói thật, nói rõ quan điểm của mình".

Những kỷ niệm thuở ban đầu

Nguyên Tổng Bí thư Trường Chinh
Thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp, tôi hoạt động ở miền Nam. Khi đó, chúng tôi chỉ biết tên các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và thường hình dung diện mạo, phong thái qua cương vị công tác của từng đồng chí. Tới cuối năm 1950, ra chiến khu Việt Bắc dự Đại hội Đảng lần II, tôi mới được gặp các đồng chí: Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp…

Tôi còn nhớ, ấn tượng đầu tiên của tôi là thấy đồng chí Trường Chinh và đồng chí Võ Nguyên Giáp có gương mặt hao hao giống nhau. Trong đầu tôi nảy ra một ý nghĩ khá thú vị: Trong số 3 người học trò yêu của Bác Hồ, ba trụ cột về Đảng, Chính phủ, Quân đội thì dường như đồng chí phụ trách công tác Đảng và đồng chí quân sự là một cặp.

Hồi đó, anh em trong đoàn đại biểu Nam bộ chúng tôi thường hay “làm nũng” Bác Tôn và đôi khi cả Bác Hồ để vòi vĩnh bánh kẹo, thuốc lá. Riêng với đồng chí Trường Chinh, chúng tôi không dám vì thấy đồng chí luôn nghiêm nghị. Từ đồng chí toát ra cái gì đó vượt lên trên đời thường, người thường và mang phong thái của một lãnh tụ. Đứng trước đồng chí, tôi có cảm giác mình thật nhỏ bé và dường như những hiểu biết, suy nghĩ đều bị đọc ra cả.

Sau Đại hội Đảng lần thứ II, tôi được học lớp “Hoa Nam” ở trường Nguyễn Ái Quốc III, khoá 6 tháng, trước khi đi đường bộ vào lại chiến trường Nam bộ. Một lần, trường tổ chức liên hoan văn nghệ, tôi tham gia tiết mục đóng kịch, vào vai một địa chủ. Khi biết có đồng chí Trường Chinh tới dự, coi biểu diễn, mặc dù được liệt vào loại “gan to”, nhưng tôi cũng thấy “ớn”. Trước khi bắt đầu, tôi phải xung phong làm một màn múa lân cho nóng người để lấy can đảm.

Hết vở kịch, các đồng chí là khách mời đều khen, động viên. Đồng chí Trường Chinh bắt tay tôi: “Đồng chí diễn khá lắm, nhưng đây là địa chủ Nam bộ, chứ không giống địa chủ Bắc bộ”. Mãi tới lúc này, tôi vẫn thấm thía lời nhận xét vừa mang tính khích lệ, vừa mang tính nhắc nhở: Làm bất cứ việc gì cũng phải nghiên cứu, đào sâu suy nghĩ.

Một điều đặc biệt là, dù tiếp xúc với đồng chí Trường Chinh ít so với các đồng chí lãnh đạo cao cấp khác, nhưng trong thời gian ở chiến khu Việt Bắc cũng như trong suốt kháng chiến chống Pháp, tôi thường nhớ tới đồng chí với tất cả sự kính trọng và lòng tin vững chắc.

Hồi đó, sách vở hiếm lắm. Tôi có cuốn “Kháng chiến nhất định thắng lợi” của đồng chí Trường Chinh và coi đó là cuốn sách gối đầu. Mỗi khi đọc tôi lại thấy hiện lên hình ảnh đồng chí Tổng Bí thư nghiêm trang, trí tuệ.

Người Tổng Bí thư nhận kỷ luật trước Đảng

Tôi được nghe kể về Vua Quang Trung và rất ấn tượng với hình ảnh “Sĩ phu Bắc Hà”. Tôi có cảm giác đồng chí Trường Chinh như một sự hoà quyện giữa tính cách của một sĩ phu với phẩm chất của người cách mạng.

Từ phải sang trái: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Chí Thanh, Tổng Bí thư Trường Chinh, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng tại Việt Bắc

Càng về sau này, tôi càng thấy cảm nhận đó của mình không sai và thấy ở được những đặc trưng đáng kính của một nhà Nho “tu thân, tề gia, trị quốc...”.

Đồng chí Trường Chinh tự nghiêm khắc với mình từ cử chỉ, lời nói trong giao tiếp hàng ngày cũng như trên các diễn đàn, hội nghị. Chính sự nghiêm khắc ấy truyền cho mọi người không khí nghiêm trang, sự đòi hỏi trách nhiệm và tôn trọng người khác.

Ngay trong các buổi họp Bộ Chính trị, tôi chú ý thấy các đồng chí lãnh đạo cao cấp khác có thể nói đùa với nhau nhưng khi nói với đồng chí Trường Chinh thì luôn giữ thái độ nghiêm chỉnh. Tôi cho rằng sự nghiêm nghị, mực thước của đồng chí Trường Chinh đã góp phần giữ gìn kỷ cương trong Đảng.

Điều này, rất cần thiết vì cũng có một số đồng chí lãnh đạo có thói quen xuề xoà, gia đình.

Lúc ngoài Bắc làm cải cách ruộng đất, tôi chỉ được nghe tình hình do một số đồng chí có dịp ra công tác nói lại trong nội bộ. Hồi đó, đồng chí Lê Duẩn mới từ miền Bắc trở vào, nói với chúng tôi: Cải cách ruộng đất có gì đó không ổn. Ở nhiều vùng, trước đó cơ quan tỉnh, huyện đóng tại nhà dân. Tới cải cách, vẫn những đồng chí đó không ai dám nhận người đã cho mình chung sống dưới một mái nhà như người trong gia đình. Thậm chí các cháu nhỏ hết sức vô tư, theo thói quen chạy lại vồ vập chào hỏi thì quay mặt đi, coi như không quen biết.

Chua xót quá!

Việc đồng chí Tổng Bí thư đứng ra nhận khuyết điểm, nhận kỷ luật trước Đảng về chỉ đạo cải cách ruộng đất giúp tôi nhận thức sâu sắc thêm về nguyên tắc Đảng. Là người Đảng viên, dù ở cương vị nào cũng luôn nghiêm chỉnh chấp hành kỷ luật Đảng.

Sau này khi ra Trung ương công tác, có dịp được trực tiếp chứng kiến sự cộng tác trên tinh thần đồng chí, rất mực tôn trọng nhau giữa đồng chí Lê Duẩn và đồng chí Trường Chinh, tôi càng kính trọng đồng chí và tự nhủ: đồng chí thực sự là tấm gương mẫu mực về tính nguyên tắc và nghị lực cộng sản.

Hết sức “cứng”, nhưng có công lớn trong việc khởi xướng Đổi Mới

Sau giải phóng, tôi làm Chủ tịch Uỷ ban nhân dân, Bí thư Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh. Khó khăn chồng chất, vướng mắc đủ bề, chúng tôi ngược xuôi mò mẫm đủ cách để tháo gỡ khó khăn. Đồng chí Phạm Văn Đồng hay gọi đùa tôi là “Chủ tịch gạo, chủ tịch heo”. Có đồng chí gán cho tôi cái tên “Tướng vượt rào”.

Mỗi năm vài lần tôi ra Hà Nội báo cáo công việc. Trong những cuộc hội nghị như vậy, không ít đồng chí không đồng tình với những giải pháp do Thành phố đề xuất.

Đồng chí Trường Chinh thường lắng nghe rất chăm chú. Những câu hỏi, ánh mắt của đồng chí mách bảo tôi rằng, đồng chí ý thức được có nhiều vấn đề mới mà thực tiễn đang đặt ra, dù có điều trái ngược với những gì vẫn được coi là đúng và chính thống từ trước tới nay.

Đối với chủ trương cải cách công thương nghiệp miền Nam, đồng chí Trường Chinh cũng không bộc lộ thái độ quyết liệt như một số đồng chí khác. Thái độ của đồng chí Trường Chinh khi đó động viên, khích lệ tôi rất nhiều vì tôi hiểu rằng đồng chí vốn là cây “lý luận” và là người hết sức chặt chẽ, nghiêm khắc (ngay với vấn đề khoán nông nghiệp, dù đã quyết như đa số, đồng chí vẫn bảo lưu ý kiến không đồng tình của mình).

Lần nào vào Thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí cũng hỏi thăm, tìm hiểu những cơ sở đi đầu trong tháo gỡ khó khăn. Một kỳ hè, đồng chí tới Đà Lạt và cho tìm lãnh đạo các điển hình dệt, bột giặt, thuốc lá… của thành phố đến trình bày kỹ tình hình. Khi đó, tôi cảm nhận là đồng chí đã bắt trúng mạch, bước đầu dò ra con bệnh và đang suy ngẫm tìm thuốc trị. Cũng từ đó, dù đồng chí vẫn luôn nguyên tắc, nghiêm khắc như vậy, nhưng dường như tôi thấy đồng chí gần gũi hơn.

Năm 1982, tôi ra Hà Nội phụ trách Uỷ ban Kế hoạch nhà nước. Những lần Bộ Chính trị họp bàn về kinh tế, đồng chí Trường Chinh thường khuyến khích tôi phát biểu, và tôi thấy càng về sau, đồng chí càng quan tâm tới những ý kiến khác nhau.

Đồng chí Lê Duẩn qua đời, đồng chí Trường Chinh được Ban Chấp hành Trung ương bầu làm Tổng Bí thư và bắt tay chuẩn bị Đại hội VI. Phải nói rằng, vào thời điểm đó, chỉ có đồng chí Trường Chinh với hiểu biết sâu sắc về lý luận và hình ảnh một đồng chí hết sức nguyên tắc, có phần cứng theo kiểu chính thống mới có thể chỉ đạo thành công Đại hội VI - Đại hội của Đổi Mới.

Điều tôi thấy hết sức thú vị là “tác giả” - nói chính xác hơn là chủ biên của Đổi Mới lại là một người được coi là hết sức “cứng” như đồng chí Trường Chinh. Tôi hiểu rằng, đồng chí đã chú ý nghe từ nhiều phía, và đặc biệt là đã coi trọng ý kiến của những cán bộ có tư duy, dám nói thật, nói rõ quan điểm của mình. Đồng chí là người rất kiên trì đấu tranh với mọi ý tưởng, mọi sự việc và theo đồng chí là không đúng và cũng rất quyết đoán đối với những điều mà đồng chí cho là đúng đắn, đủ cơ sở.

Đóng góp lớn cho việc gìn giữ kỷ cương trong Đảng

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Trường Chinh.

Tôi cũng có điều kiện tham gia ở mức nhất định vào quá trình chuẩn bị văn kiện Đại hội VI. Đồng chí Trường Chinh trực tiếp chỉ đạo soạn thảo, và đích thân sửa chữa từng câu, chữ trong dự thảo văn kiện.

Qua thực tiễn công việc sau này, tôi càng thấy chi tiết có vẻ mang tính kỹ thuật đó rất quan trọng, cần thiết. Đối với những tài liệu liên quan tới các chủ trương lớn, nếu người lãnh đạo không trực tiếp cho định hướng rõ ràng mà “giao khoán” cho anh em biên tập, thì sau này dù có sửa đi, sửa lại cũng khó đạt đúng tầm cần thiết, mong muốn. Cuối giai đoạn chuẩn bị, cần dành thời gian xem xét tỉ mỉ tới từng câu chữ để bảo đảm mọi ý tứ đều được thể hiện.

Trong số các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, đồng chí Trường Chinh nổi tiếng là người rất kỹ tính trong việc sử dụng câu chữ. Tôi có một kỷ niệm khó quên, quãng đầu năm 1976, trong một buổi họp với lãnh đạo Thành phố, đồng chí Trường Chinh nói riêng với tôi cần lưu ý tới một nhân vật đang sống ở Thành phố. Tôi giở sổ ghi tên nhân vật này. Do thói quen, tôi ghi nhân vật này thành “Nguyển” thay vì “Nguyễn”. Ngồi cạnh tôi, đồng chí Trường Chinh nói qua và bảo: "Đồng chí viết lộn rồi, dẫu ngã chứ không phải dấu hỏi".

Không chỉ riêng tôi, nhiều đồng chí lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh cũng ớn sự chặt chẽ, nguyên tắc của đồng chí Trường Chinh. Ngay sau ngày giải phóng miền Nam, trên thực tế, kể cả trong bài hát, tác phẩm văn thơ, mọi người đã gọi Sài Gòn là thành phố Hồ Chí Minh. Nhân dân Thành phố coi đó là niềm tự hào lớn.

Năm 1976, trước khi Quốc hội “Cả nước thống nhất” họp, Thành uỷ báo cáo xin ý kiến của đồng chí lãnh đạo chủ chốt phương án đề nghị Quốc hội công nhận tên gọi của Thành phố là Thành phố Hồ Chí Minh. Nhiều đồng chí tỏ thái độ chấp thuận phương án này. Riêng đồng chí Trường Chinh không đồng ý. Đồng chí nói, lịch sử phải thành văn. Chưa có văn bản có giá trị pháp lý nào đặt tên mới cho Sài Gòn là thành phố Hồ Chí Minh. Vì vậy, Quốc hội phải quyết định đặt tên mới cho thành phố chứ không chỉ công nhận tên gọi đó. Vấn đề càng lớn càng phải làm đúng hiến pháp, pháp luật.

Đồng chí Trường Chinh không trực tiếp có mặt ở chiến trường miền Nam như các đồng chí Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Lê Đức Thọ… Nếp sinh hoạt, phong cách của đồng chí cũng có phần khác so với các đồng chí đó. Vì vậy, một thực tế là có một số đồng chí Nam Bộ dù kính trọng nhưng ít gần gũi, thân mật đối với đồng chí.

Tuy nhiên, với những gì đồng chí đã làm để đưa Đảng ta, đất nước ta bước vào công cuộc Đổi Mới, tất cả đều rất mực quý mến và tin tưởng đồng chí. Tôi được biết, trong thời gian chuẩn bị nhân sự Đại hội VI, một số đồng chí lặn lội từ miền Nam ra, tới xin gặp đồng chí Trường Chinh để “năn nỉ” đồng chí tiếp tục làm Tổng Bí thư thêm một nhiệm kỳ nữa. Điều đó thật không ai có thể hình dung được trước đó.

Trong ký ức tôi, đồng chí Trường Chinh luôn là một nhà lãnh đạo uyên thâm, đáng kính. Đồng chí là tấm gương lớn về nghị lực, nguyên tắc. Đồng chí chẳng những là người có công lớn trong việc khởi xướng Đổi Mới mà còn đóng góp lớn cho việc gìn giữ kỷ cương trong Đảng.

Những cống hiến to lớn của đồng chí cho sự nghiệp của Đảng, của dân tộc mãi được trân trọng và những bài học quý báu đồng chí để lại cho chúng ta vẫn còn nguyên giá trị, đặc biệt là vào thời điểm toàn Đảng ta đang nỗ lực thực hiện nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế và nhiệm vụ then chốt là chỉnh đốn, xây dựng Đảng nhằm đáp ứng yêu cầu của thời kỳ phát triển mới.

(Võ Văn Kiệt)


Tin khác