Hợp tác quốc tế về đào tạo nguồn nhân lực - Giải pháp để hội nhập thành công

25/01/2008

Việt Nam được đánh giá là nước có nền kinh tế phát triển năng động của châu á với tốc độ phát triển cao, đạt được nhiều thành tựu to lớn trong xây dựng và phát triển đất nước sau 20 năm đổi mới. Đóng góp vào thành tựu chung đó của đất nước không thể không nhắc tới vai trò cực kỳ quan trọng của yếu tố con người. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay cho thấy, cơ cấu nguồn nhân lực ở nước ta còn bất hợp lý, trình độ và chất lượng của nguồn nhân lực còn ở mức thấp, công nhân lành nghề còn thiếu, đội ngũ cán bộ trình độ cao còn chưa bắt kịp khu vực. Đây là một khó khăn khi Việt Nam muốn hội nhập thành công vào sân chơi quốc tế. Để giải quyết vấn đề này, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ trong nước, bắt kịp trình độ khu vực và thế giới, cần có các giải pháp hiệu quả, trong đó cần đặc biệt quan tâm đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế về đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực trình độ cao.

Thực trạng nguồn nhân lực nước ta

Nguồn nhân lực là nhân tố hàng đầu quyết định sự phát triển của mọi nền kinh tế. ở nước ta, đồng thời với sự phát triển kinh tế - xã hội, nguồn nhân lực ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng, tuy nhiên, cơ cấu của nguồn nhân lực còn nhiều bất hợp lý. Bậc đào tạo càng cao càng có xu hướng phát triển lệch thiên về các ngành sản xuất phi vật chất. Số lượng nhân lực có trình độ trên đại học trong lĩnh vực KH &CN - một lĩnh vực quan trọng, được xác định là nền tảng, động lực của sự phát triển - chỉ chiếm khoảng 10%.

Chất lượng của cán bộ KH &CN cũng còn nhiều vấn đề, tỷ lệ cán bộ khoa học phát huy tốt chỉ chiếm khoảng 34-35%, tỷ lệ phát huy yếu lên tới 27-28%. Điều tra tiềm lực KH &CN tại 233 đơn vị thuộc các bộ, ngành trung ương (theo điều tra năm 2006 của Bộ KH &CN), nơi tập trung đội ngũ cán bộ KH &CN cao nhất cho thấy, tuổi đời của cán bộ có chức danh khoa học khá cao, bình quân chung 57, 2 tuổi, trong đó giáo sư là 59, 5 tuổi, phó giáo sư là 56, 4 tuổi. Số cán bộ có chức danh khoa học ở tuổi dưới 50 chỉ có 12%, riêng giáo sư là 7,2% và phó giáo sư là 13,5%. Những số liệu này cho thấy nguy cơ hẫng hụt trong đội ngũ cán bộ KH &CN ở nước ta thời gian tới, khi lớp cán bộ có trình độ cao (hầu hết hiện đã lớn tuổi) về nghỉ hưu. Đội ngũ khoa học Việt Nam có năng lực ngoại ngữ và hiểu biết về văn hoá ứng xử, giao lưu quốc tế còn hạn chế. Năng lực ngoại ngữ (tiếng Anh và tiếng Pháp) của cán bộ khoa học trong các tổ chức KH &CN là rất thấp (chỉ có <25% số cán bộ khoa học trong tổ chức KH &CN là có thể sử dụng thành thạo tiếng Anh /Pháp). Chính điều đó ảnh hưởng rất nhiều trong việc hội nhập quốc tế và tìm kiếm thông tin KH &CN quốc tế. Kết quả điều tra cũng cho thấy, chỉ có dưới 50% số cán bộ khoa học trong tổ chức KH &CN có tham dự các hội nghị KH &CN quốc tế, có quan hệ thường xuyên với cộng đồng khoa học quốc tế. Điều này cho thấy năng lực để tham gia hội nhập quốc tế của các nhà khoa học Việt Nam gặp nhiều khó khăn.

Hiện tại, Việt Nam có hơn 10.000 tiến sỹ. Tuy nhiên theo đánh giá của một số chuyên gia, số lượng tiến sỹ có trình độ, đạt chuẩn quốc tế là rất thấp. Số lượng còn lại, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, chỉ đạt trình độ thấp, không đạt chuẩn mực quốc tế.

Một điểm nữa là khả năng chuyên môn của đội ngũ cán bộ quản lý còn rất hạn chế. Theo kết quả điều tra của đề tài KX.07.14, có tới 20-25% số cán bộ quản lý chưa đáp ứng yêu cầu công việc, chỉ có 8% được đào tạo về quản trị kinh doanh, 12,2% được đào tạo về khoa học quản lý nói chung. Vấn đề đào tạo lại và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, kinh doanh, cán bộ các ngành trọng điểm là rất bức thiết, cần được xúc tiến ngay để nước ta có đủ năng lực thực hiện cải tổ nền kinh tế, phát huy tối đa thế và lực trong tiến trình hội nhập với nền kinh tế thế giới.

Thời đại nào cũng cần đến người tài. Việt Nam đi lên từ một nước nông nghiệp lạc hậu lại bị chiến tranh tàn phá kéo dài, thì việc đào tạo người tài càng trở nên cần thiết vì đó là nhân tố quan trọng bảo đảm cho sự nghiệp xây dựng đất nước và công cuộc hội nhập kinh tế thắng lợi. Hợp tác quốc tế trong giáo dục - đào tạo đã và đang chứng minh được vai trò của mình trong việc góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam. Do đó, trong thời gian tới, việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này vừa là yêu cầu, vừa là sự tất yếu đối với chúng ta.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua hợp tác quốc tế

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là yêu cầu cấp thiết đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế. Do vậy, trong giai đoạn hiện nay, chúng ta phải tạo được nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đặt ra, trong đó cần chú trọng đào tạo nhân lực KH &CN trình độ cao, cán bộ quản lý, kinh doanh giỏi và công nhân kỹ thuật lành nghề trực tiếp góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Hợp tác quốc tế trong giáo dục và đào tạo là một phương cách hữu hiệu để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Vậy chúng ta cần làm gì để phát huy tối đa nội lực, đồng thời tranh thủ được sự giúp đỡ của các quốc gia, các tổ chức quốc tế trong vấn đề này? Xin đưa ra một số giải pháp chủ quan, cụ thể như sau:

Một là, ban hành bổ sung nhằm hướng tới việc hoàn chỉnh hệ thống chính sách của Nhà nước về vấn đề hợp tác quốc tế trong đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực trình độ cao trong các lĩnh vực KH &CN theo hướng đơn giản hóa các thủ tục hành chính; nâng cao tính công bằng, khách quan trong tuyển chọn, đào tạo và sử dụng theo đúng yêu cầu thực tế của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời với việc cử đi đào tạo ở nước ngoài, cần xây dựng chiến lược và lộ trình đầy đủ cho việc hội nhập quốc tế ngay trong từng tổ chức khoa học, thông qua liên kết đào tạo, hợp tác nghiên cứu với các tổ chức quốc tế và chuyên gia nước ngoài. Nâng cao khả năng hội nhập cho các nhà khoa học bằng việc tham gia các hội thảo và chương trình hợp tác nghiên cứu ở tầm quốc tế, đồng thời chuẩn bị đủ năng lực và trình độ để thu hút, tổ chức các diễn đàn trao đổi với các nhà khoa học, viện nghiên cứu hàng đầu của các nước.

Hai là, đổi mới theo hướng hội nhập hệ thống chương trình đào tạo của Việt Nam với chương trình đào tạo hiện đại của thế giới. Tiếp cận các chương trình đào tạo mới theo tiêu chẩn quốc tế bằng việc cải cách các chương trình sẵn có sao cho phù hợp với đặc thù Việt Nam. Mở rộng các hình thức liên kết đào tạo quốc tế tại Việt Nam, để vừa giảm gánh nặng kinh phí, vừa đạt được hiệu quả trong điều kiện thực tế. Đồng thời, tổ chức các lớp chuyên đề, mời các chuyên gia nước ngoài tới giảng bài cũng như giới thiệu các công nghệ mới cho các nhà khoa học Việt Nam. Tạo mối quan hệ hợp tác hữu hiệu với các trường đại học, viện nghiên cứu của các nước có nền khoa học mạnh hoặc những nơi có công nghệ mà chúng ta cần để từ đó có thể phát triển khoa học, đẩy mạnh hội nhập quốc tế theo từng hướng trọng điểm mà đất nước đang cần.

Ba là, thực hiện các chính sách thu hút chất xám thông qua kêu gọi các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài về xây dựng đất nước hoặc có những đóng góp về khoa học cho đất nước. Họ sẽ là đầu mối liên hệ giữa các nhà khoa học trong nước với các nhà khoa học quốc tế, giúp chúng ta có thể nắm bắt được các trào lưu khoa học mới, bắt kịp trình độ quốc tế. Đây là nguồn nhân lực đáng kể, cần có chính sách thoả đáng để thu hút nhằm phục vụ đắc lực cho công cuộc hội nhập trong lĩnh vực KH &CN.

(Theo Tạp chí hoạt động Khoa học)


Tin khác