"Nếu có trách nhiệm thì ngồi ghế nào cũng nóng cả"

29/01/2008

"Những việc làm trong năm qua chưa đủ tầm để chứng tỏ Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã vào cuộc một cách đúng mức. Một số vụ việc liên quan rõ ràng đến tham nhũng nhưng khi kết luận, mình vẫn né tránh từ "tham nhũng", Tổng TTCP Trần Văn Truyền thẳng thắn thừa nhận khi trò chuyện với VietNamNet.

Ít nhất phải làm được một số cuộc "ra trò"

Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền: Có trách nhiệm thì ghế nào cũng nóng.

- Trong các cuộc trả lời phỏng vấn từ khi đảm nhận chức Tổng TTCP, "tham nhũng" dường như là từ được ông nói đến nhiều nhất. Ông có cảm thấy mình bị ám ảnh bởi từ đó hay thực tế công việc tạo nên điều này?

Thực ra tham nhũng và chống tham nhũng đang là vấn đề rất thời sự. Đảng và Nhà nước coi đây là quốc nạn, ảnh hưởng đến sự phát triển, đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ. Vì thế, ai có trách nhiệm cũng đều phải suy nghĩ, tâm huyết về việc này.

Với tôi, việc này trở thành như một vấn đề máu thịt, tức là mình luôn phải trăn trở, suy nghĩ. Mình làm không tốt sẽ ảnh hưởng đến cái chung, làm người dân thất vọng rằng thanh tra chống tham nhũng bằng lời nói chứ không phải bằng việc làm.

Kết thúc năm 2007, tôi cũng kiểm điểm lại hơn một năm qua đã làm được việc gì. Chúng ta đã làm được một số việc, nhưng theo tôi vẫn chưa đủ tầm, chưa đủ để chứng tỏ TTCP đã vào cuộc một cách đúng mức. Đủ tầm là phải quán xuyến tình hình chặt chẽ hơn, phát hiện kịp thời hơn chỗ nào làm không tốt và khi vào cuộc, ít nhất phải làm một số cuộc ra trò.

Vừa qua cũng đã làm công tác thanh tra, kiểm tra các địa phương nhưng chưa được nhiều, với những nơi làm chưa tốt cũng chưa có sự phê phán đúng mức. Lẽ ra phải kiểm điểm trách nhiệm nhưng đằng này, mỗi cuộc thanh tra về thì anh cũng có nêu mấy mặt tốt, mấy mặt thiếu sót. Thế thôi.

Làm như vậy thì chưa thúc đẩy được trách nhiệm của các tổ chức. Có những vụ liên quan đến tham nhũng rất rõ, nhưng khi kết luận mình cứ nói sai nọ sai kia mà né tránh từ tham nhũng.

Có ý kiến cho rằng khi chưa công khai minh bạch tài sản thì chống tham nhũng sẽ rất nan giải, là người trong cuộc, ông nghĩ gì về vấn đề này?

Dù có công khai minh bạch tài sản thì cũng chỉ là một biện pháp chứ không phải là tất cả. Kiểm soát thu nhập mới là gốc. Có những loại tài sản anh công khai nhưng tài sản ngầm thì không, thế thì làm sao gọi là kiểm soát được và không đúng bản chất. Có người có 5 - 7 cái nhà, 5 - 7 miếng đất nhưng người khác đứng tên hết thì mắc gì người ta phải kê khai?

Có những con đường thu nhập không chính thức, bất chính thì làm gì để kiểm soát thu nhập? Phải kiểm soát thu nhập của cả xã hội rồi mới gắn thu nhập của cán bộ, chứ tách cán bộ ra thì họ còn biết bao mối quan hệ trong xã hội, quan hệ nổi quan hệ chìm, nếu chỉ kiểm soát cái nổi thì cũng coi như không kiểm soát.

Nhưng dù sao tôi thấy việc này cũng cần phải làm. Làm từ từ rồi bổ sung, chấn chỉnh qua thực tiễn, không nôn nóng. Chuyện chống tham nhũng theo tôi là còn dài dài. Hình như dư luận xã hội cũng như báo chí có lúc hơi sốt ruột, tôi thì nói là phải có ý thức tự giác. Có tự giác thì dù kỷ luật thấp nhưng vẫn thấy rất đau, nếu không thì kỷ luật cách mấy cũng bằng thừa. Muốn có tự giác cũng không thể một sớm một chiều. Nhiều nước họ đã làm như thế này: Đi đâu họ cũng nói, chỗ nào cũng nói, thậm chí giáo dục để cả trẻ em thấy việc này là xấu, như thế mới có sự tự giác được.

"Có người mang đến tôi cả trăm ngàn đôla..."

Nhiều người nói ghế của Tổng TTCP là một chiếc ghế "nóng". Đến thời điểm này, ông có cảm thấy "nóng" nữa không?

"Mấy tháng đầu sang TTCP, tôi cảm thấy hụt hẫng hẳn. Tình hình ở đây đang căng thẳng, phức tạp, có nhiều vấn đề ảnh hưởng đến uy tín. Thậm chí, có ý kiến cho rằng nên bỏ quách cơ quan TTCP này đi.

Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang đã động viên tôi: “Ông sang đó ráng làm cho tốt để cho Đảng của mình tốt, dân của mình được nhờ”.

Tôi nghĩ hiện nay, trên tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước, nếu làm có trách nhiệm thì chỗ nào cũng nóng cả, bởi đất nước đang phát triển với tốc độ nhanh. Nhân dân cũng đang còn rất nhiều điều mong mỏi ở Đảng và Nhà nước.

Điện thoại của ông luôn mở. Vậy trong lúc tiến hành các cuộc thanh tra, chắc ông nhận được rất nhiều cuộc gọi?

Vâng, sau mấy chục năm công tác, có lẽ vị trí Tổng TTCP được nhiều người quan tâm nhất. Thậm chí, có khi nửa đêm cũng có người gọi, phản hồi thông tin hoặc nhắn tin đến mức bà xã tôi phải hỏi ai mà quan tâm nhắn tin lúc này, bật dậy coi thì hóa ra người ta nhắn chuyện khiếu kiện. Rồi cả những cuộc gọi đe dọa, xin xỏ nữa.

Ông có nhận được lời đề nghị hối lộ nào không?

Từ khi về đây đến giờ, nhận một lời đề nghị hối lộ thì không có nhưng người ta mang tiền đến cho thì ít nhất tôi cũng đã 3 - 4 lần trả lại tiền, số tiền cũng rất lớn. Trả lại ở đây là vì người ta không đặt yêu cầu gì với mình hết, không phải đặt vấn đề xử lý theo pháp luật. Ví dụ, người ta đến nhà nói có chút quà cho anh và khi mở ra thì tôi thấy số tiền người ta mang đến rất lớn, thậm chí có lúc cả trăm ngàn đôla. Tôi nói ngay, trong quan hệ anh em bạn bè, tôi không có lý do gì mà nhận tiền của anh chị thế này. Vì vậy, nếu thực sự tình nghĩa thì anh chị mang về.

Rồi cũng có người trong lúc đang thanh tra thì mang quà đến, không trực tiếp đưa tôi mà để dưới gầm bàn, khi dọn dẹp mình thấy thì buộc phải mời đến cảnh cáo.

Có lần ông nói với báo chí là phải trông coi cả vợ con?

Tôi đã từng nói rồi, làm thanh tra phải biết tự giữ mình. Giữ mình không phải là "đóng khung", "đóng hộp" lại không quan hệ với ai. Giữ ở đây là phải tỉnh táo, biết được mối quan hệ nào là bình thường, tình nghĩa, mối quan hệ nào là không bình thường và thậm chí là gây ra nguy hiểm, phức tạp, nhất là sẽ ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của ngành cũng như của mình.

Cho nên tôi luôn luôn nói với vợ, con, quà biếu gì, ở đâu, không có ý kiến của tôi là kiên quyết không được nhận. Bà xã tôi nếu có người lạ đến nhà, bà không biết hoặc bà ấy hỏi tôi mà tôi chưa có ý kiến thì bà ấy cũng không tiếp. Con cái cũng vậy, phải nhắc nhở. Thấy con có biểu hiện gì đó không bình thường thì phải kiểm tra ngay.

2008: "Phúc tra" tất cả các vụ thanh tra

Quay trở lại với vấn đề chống tham nhũng, những bất cập mà chúng ta cần quan tâm khắc phục là gì, thưa ông?

Hai cuộc thanh tra khiến tôi mệt nhất: Vietnam Airlines và Ngân hàng Nhà nước.

"Cuộc thanh tra Tổng Công ty Hàng không kéo dài, áp lực rất lớn. Tôi phải chỉ đạo anh em rất chặt chẽ, tận tâm tận lực nhưng đồng thời phải nghe ngóng dư luận, phải chỉ đạo đối thoại, đối chứng với nhiều loại thông tin để đi đến được một kết luận chính xác, khách quan.

Cuộc thanh tra ở Ngân hàng Nhà nước cũng rất căng, đến mức làm mình mất ăn mất ngủ. Lĩnh vực này nhạy cảm, đụng chạm tới rất nhiều người. Nhiều lúc mình cảm thấy nếu dấn nữa thì mình nhất định phải đương đầu, mà nếu không dấn cho đến nơi đến chốn thì xem như mình bỏ cuộc giữa chừng".

Trong hội nghị tổng kết năm của ngành thanh tra, tôi phát biểu như thế này: Có hai vấn đề lớn cần quan tâm. Thứ nhất là thiếu trách nhiệm dẫn đến quan liêu, có những việc xảy ra ngay trong đơn vị, trong địa phương, ngay chỗ mình đứng mà anh mặc nhiên không biết, như việc xây dựng các khu công nghiệp nhưng để đất hoang hóa, dân không có đất sản xuất thì rõ ràng nằm ngay trước mắt mấy vị lãnh đạo. Bây giờ qua kiểm tra mới thấy, rõ là quan liêu. Có những việc dân khiếu kiện hàng năm trời, anh tiếp dân hàng trăm lần rồi nhưng hỏi cụ thể đất của người ta như thế nào anh không biết, thì là thiếu trách nhiệm, quan liêu chứ còn gì.

Thứ hai là kỷ cương không nghiêm, nói một đằng làm một nẻo. Có địa phương xin Thủ tướng làm khu công nghiệp 200 ha nhưng ở dưới quy hoạch 700ha, 900ha, thậm chí 1.000 ha. Hoặc có những việc Thủ tướng kết luận 3 năm nay rồi, nay quay lại chưa thấy thi hành. Đó là điều không chấp nhận được. Tôi đang đề nghị xử lý trách nhiệm, chứ không thể để cấp trên nói cấp dưới không nghe.

Có phải chính vì thế, TTCP đặt ra một nhiệm vụ trọng tâm năm 2008 là công tác hậu thanh tra?

Tôi nghĩ bây giờ thanh tra phải làm ít mà hiệu quả nhiều, làm cho trúng, làm một việc tác động đến nhiều việc. Thứ hai, đừng phí công làm mà gẩy ra đó, làm đến đâu phải xong đến đó, phải làm việc mà tôi gọi là "phúc tra". Phúc tra tất cả những vụ thanh tra, kết luận rồi thì xem họ có thực hiện không.

Từ ngày làm Tổng TTCP, ông thấy mình được gì, mất gì nhiều nhất?

(Cười). Cái được lớn nhất tôi cho rằng bước đầu củng cố được toàn ngành, nhất là TTCP có sự phấn chấn vững vàng hơn. Cá nhân tôi cũng tự thấy được anh em tin tưởng, tôn trọng, những chỉ đạo, kết luận của tôi có thể nói là chính xác và xử lý các mối quan hệ trong quá trình này được hài hòa. Tôi thấy rất hạnh phúc.

Nhưng tổn thất cũng có nhiều, có lẽ rõ nhất là về mặt tình cảm. Mình quan sát thấy những đổi thay, ngày xưa anh em gặp mình thì tay bắt mặt mừng, bây giờ tuy anh em không nói gì nhưng có khi thấy không được vui, có phần giữ kẽ hơn, thậm chí nghĩ sâu xa thì chắc cũng phải trả giá, nếu trong cuộc nào đó, mức độ tín nhiệm trong dân thì tăng lên nhưng trong nội bộ thì có phần sứt mẻ. Cái đó tôi nghĩ mình phải chấp nhận thôi bởi nói cho cùng mình làm vì sự nghiệp của Đảng, của nhân dân.

Tôi từng nói với anh em là tôi cũng chẳng thích gì ngồi đây mà đấu, mà cãi với anh em, tôi cũng muốn nói thế nào để mấy anh mấy chị vui chứ đâu thích đương đầu mãi. Nhưng công việc là công việc, đúng phải nói đúng, sai phải nói sai, cứ dung hòa nửa đúng, nửa sai rồi vui với nhau thì không được.


Tin khác