Xé rào ưu đãi đầu tư của các tỉnh trong bối cảnh mở rộng phân cấp ở Việt Nam” “Sáng kiến” hay “lợi bất cập hại”?

01/02/2008

Từ năm 2001 đến năm 2005, các chính quyền địa phương ở 32 tỉnh thành trong số 64 tỉnh thành của Việt Nam đã bị báo cáo là vi phạm chính sách đầu tư của chính quyền trung ương vì đã có những ưu đãi đầu tư trái quy định dành cho các nhà đầu tư nước ngoài. Sự khác nhau rất lớn về bản chất của những vi phạm đó, mà trong báo cáo này gọi là “xé rào trong ưu đãi đầu tư”, đã tạo ra một sự xung đột giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương, và dẫn đến sự cạnh tranh giữa bản thân các tỉnh trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Hiện tượng này lảm nảy sinh ý tưởng nghiên cứu về những yếu tố quyết định địa điểm đầu tư ở Việt Nam.

Tác giả:  UNDP Việt Nam: Vũ Thành Tự Anh, Lê Viết Thái, Võ Tất Thắng

Ngày xuất bản: 2007-12-05

Nghiên cứu này là nỗ lực đầu tiên trong việc sử dụng các phương pháp kinh tế lượng (có nghĩa là kỹ thuật phân tích sai biến) để giải quyết hai vấn đề có quan hệ với nhau: (i) Những nhân tố chủ yếu nào ảnh hưởng mạnh đến hiệu quả thu hút FDI của các tỉnh? Và (ii) Liệu những ưu đãi đầu tư trái quy định đã giúp cho các tỉnh thu hút nhiều FDI hơn hay không? Những điểm sau tóm tắt những phát hiện và khuyến nghị chính sách của chúng tôi:

1. Những yếu tố căn bản, tức là tài nguyên, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, và chất lượng quản lý nhà nước của tỉnh, tất cả đều góp phần đáng kể vào việc thu hút FDI đăng lý cũng như thực hiện.

2. Về vai trò của hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, mặc dù hạ tầng kỹ thuật giúp các tỉnh thu hút vốn FDI đăng ký, nhưng chính hạ tầng xã hội mới quyết định việc thực hiện FDI.

3. Sau khi đã tính đến các yếu tố căn bản, các ưu đãi đầu tư trái quy định mà 32 tỉnh thành đưa ra không những đã không iúp cho họ thu hút them FDI, mà còn làm tăng thêm gánh nặng tài khoá của họ. Do vậy, sự cạnh tranh giữa các tỉnh thành này đã dẫn đến một “điều lợi bất cập hại” trong khi lại không đạt được mục tiêu thu hút thêm vốn FDI.

4. So với những tỉnh không “xé rào”, những tỉnh xé rào đều nghèo hơn, kém phát triển hơn, và ít có điều kiện hơn. Với mức FDI, mức đầu tư trong nước và viện trợ phát triển chính thức trên đầu người ở các tỉnh khá hơn cũng có xu hướng cao hơn, điều này có nghĩa là sự chênh lệch giữa các tỉnh giàu và nghèo sẽ ngày càng lớn hơn.

5. Một số yếu tố đã dẫn đến việc phá rào gần đây. Việc mở rộng phân cấp tài khoá ngày càng tăng từ năm 1996 đã buộc chính quyền các tỉnh phải đảm nhận thêm nhiều trách nhiệm về chi tiêu hơn, trong khi một số nguồn thu truyền thống lại giảm sút. Ngoài ra, số người tìm việc làm ngày càng tăng do sự bùng nổ dân số từ năm 1975 và xu hướng đô thị hoá gần đây đã đặt ra những thách thức đối với các chính quyền địa phương. Tất cả những yếu tố này góp phần giải thích tại sao các chính quyền địa phương lại thích đưa ra những ưu đãi rộng rãi để thu hút đầu tư với hi vọng giải quyết được cả hai vấn đề về ngân sách và tạo công ăn việc làm. Tuy nhiên, có thể lập luận rằng việc xé rào này có thể đã không xảy ra nếu không có việc mở rộng phân cấp trong quản lý FDI đi cùng với xu hướng trên. Trên một góc độ nào đó, việc mở rộng phân cấp chính thức đã góp phần làm cho việc mở rộng phân cấp thực sự diễn ra.

6. Hiện tượng xé rào tràn lan đã chứng tỏ những nỗ lực mạnh mẽ và quyết tâm của các tỉnh nghèo hơn trong việc thu hút FDI để tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh mình. Để có thể giúp các tỉnh này một cách hiệu quả, chính quyền trung ương nên hỗ trợ các tỉnh này bằng việc cấp vốn xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, và bảo hiểm chống lại những rủi ro ngoại sinh. Hơn nữa, để có hiệu quả, các dự án cơ sở hạ tầng được trung ương cấp vốn phải có cách tiếp cận vùng và không nên được sử dụng làm phương tiện để đem lại ưu đãi không hợp lý cho một vài cá nhân tỉnh nào đó.

7. Các tỉnh khó khăn nên chủ động tự giúp mình bằng cách xây dựng nguồn nhân lực, cải thiện chất lượng quản lý nhà nước của tỉnh, tạo ra một môi trường đầu tư tốt ở tỉnh, và tạo điều kiện cho việc phát triển khu vực tư nhân.

8. Việc gần một nửa số tỉnh trên cả nước có hiện tượng xé rào làm nảy sinh một câu hỏi nghiêm túc về tính hợp lý của khuôn khổ quy định về FDI cho đến năm 2005 và bản chất của mở rộng phân cấp. Do đó, thay vì đơn giản là xử lý các tỉnh có vi phạm, chính phủ nên cân nhắc cẩn thận những lý do khiến các tỉnh có động cơ để xé rào. Có thể là vấn đề này không liên quan gì đến hành động xé rào mà đến chính bản thân cái hàng rào đó. Hơn nữa, việc hiểu rõ những khía cạnh tích cực (hay tiêu cực) của các hoạt động xé rào có thể giúp chúng ta xác định được những chính sách hiệu quả (hay không hiệu quả) mà nên được khuyến khích (hay không khuyến khích) ở các tỉnh khác.

9. Tóm lại, một tỉnh được gọi là xé rào nếu tỉnh này được nêu tên trong Quyết định số 1387 ngày 29 tháng 12 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ. Do đó , hành động “xé rào” như được sử dụng trong báo cáo này không nhất thiết phải có nghĩa tiêu cực. Nói cho cùng, hiện tượng xé rào tràn lan từ đầu thời kỳ Đổi mới trong những năm 1980 đã tạo ra một số các đổi mới chính sách rất thành công. Hơn nữa, khi một tỉnh được coi là không xé rào, thì điều đó chỉ có nghĩa là tỉnh đó chưa chính thức ban hành những quy định ngoài pháp luật; tất nhiên rất có thể là tỉnh đó đã vi phạm nhưng chưa bị phát hiện mà thôi.


Tin khác