Cuộc cách mạng của J.M. Keynes

19/02/2008

Cùng với Adam Smith và Karl Marx, John Maynard Keynes được coi là một trong ba người khổng lồ trong lịch sử kinh tế học. Keynes có thể được xem như vị cứu tinh theo chủ nghĩa thực dụng của chủ nghĩa tư bản. Nhận ra lợi ích và cả những khiếm khuyết của chủ nghĩa tư bản, Keynes viện tới các chính sách kinh tế như là một phương tiện làm dịu bớt các vấn đề của chủ nghĩa tư bản.

1. Cuộc đời và sự nghiệp

J.M. Keynes sinh ngày 05 tháng 6 năm 1883 tại Cambridge (Anh) trong một gia đình có văn hoá. Bố ông là John Neville Keynes, làm giảng viên trường đại học Cambridge, dạy môn logic và kinh tế chính trị học. Mẹ ông là Florence Ada, một trong những người phụ nữ đầu tiên tốt nghiệp trường đại học Newham. Bà cũng là người phụ nữ đầu tiên trở thành cố vấn cho thị trưởng Cambridge. Năm 1932, bà được bầu làm thị trưởng và nổi tiếng về chủ nghĩa nữ quyền.

Năm 14 tuổi, ông vào trường đại học Eton - trường chuyên đào tạo ra những nhân vật ưu tú của nước Anh. Khi học ở đây, ông đạt toàn điểm ưu nên năm 1902, ông được chuyển về học tại Học viện Hoàng gia thuộc trường Đại học Cambridge và học chuyên về môn toán. Sau khi tốt nghiệp, ông tiếp tục ở lại trường Cambridge học thêm triết học và kinh tế học.

Năm 1908, ông nhận lời mời của A. Marshall về làm việc tại Học viện hoàng gia thuộc trường đại học Cambridge, giảng dạy nguyên lý kinh tế chính trị học và lý luận về tiền tệ, cùng năm đó, ông biên soạn cuốn sách: "Bàn về sắc suất", nhờ đó ông trở thành cán bộ nghiên cứu của Học viện hoàng gia của trường. Từ đó về sau, ông vừa giảng dạy ở trường Đại học Cambridge, vừa làm việc cho Chính phủ hoặc giới tài chính tiền tệ cho đến năm 1942.

Năm 1909, ông sáng lập ra câu lạc bộ kinh tế chính trị học và đạt giải thưởng Adam Smith do viết cuốn "Phương pháp xây dựng chỉ số". Trong suốt thời gian dài từ năm 1911 đến 1944, ông kiêm chức chủ nhiệm "Tạp chí kinh tế" của Hiệp hội kinh tế Hoàng gia. Từ năm 1913 đến 1914, ông giữ chức thư ký uỷ ban tiền tệ và tài chính Ấn Độ của hoàng gia. Năm 1914, nước Anh bước vào cuộc chiến, ông trở thành một chuyên gia tin cậy của Sở kho bạc, ông đã hoạt động cuồng nhiệt đến kiệt sức để giải quyết vấn đề cấp tài chính cho chiến tranh.

John Maynard Keynes (bên phải) và Harry Dexter White tại Hội Nghị Bretton Woods

Sau chiến tranh thế giới thứ nhất, ông chuyển từ Cambridge về Bộ Tài chính, ông luôn luôn được trọng dụng và đề bạt. Năm 1919 là trưởng đoàn đại biểu tài chính tham dự Hội nghị Hoà ước Versailles ở Paris, nhưng do ý kiến bất đồng, nên ông tách khỏi đoàn đại biểu Anh. Sau khi về Cambridge, với nỗ lực bản thân, ông thành lập "Hệ kinh tế học đo lường". Từ năm 1921 đến năm 1938, ông hoạt động đầu tư tiền tệ và trở thành thương gia giàu có, đồng thời kiêm chức Hội đồng quản trị Công ty Hỗ trợ bảo hiểm nhân thọ toàn quốc. Năm 1930, ông giữ chức vụ Chủ tịch Uỷ ban cố vấn kinh tế nội các.

Từ năm 1941 trở đi, ông công tác tại Ngân hàng Anh. Năm 1944, ông dẫn đầu đoàn đại biểu của Anh đến Mỹ tham dự Hội nghị tài chính tiền tệ quốc tế, trong hội nghị này, ông đã tích cực vạch kế hoạch lập hai tổ chức là Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới về tái thiết và phát triển (tức Ngân hàng thế giới - WB ngày nay) do ông làm thống đốc. Ông mất năm 1946 do bệnh tim, thọ 63 tuổi.

2. Tác phẩm

J.M. Keynes viết nhiều tác phẩm, tác phẩm đầu tiên "Tiền tệ và tài chính Ấn Độ", "Hậu quả kinh tế của hoà ước" năm 1919, "Thuyết cải cách tiền tệ" năm 1923, "Hậu quả kinh tế của ngài Churchill" năm 1925, "Thuyết tiền tệ" năm 1930. Năm 1926, ông phát biểu bài "Sự kết thúc của chủ nghĩa tự do thả nổi". Năm 1933, ông phát biểu bài "Con đường đi tới phồn vinh". Năm 1936, ông xuất bản cuốn "Lý thuyết tổng quát về việc làm, lãi suất và tiền tệ". Sau khi tác phẩm được công bố đã diễn ra một cuộc tranh luận kịch liệt, những người tranh luận đều công nhận phương pháp tư tưởng mới của ông. "Lý thuyết tổng quát về việc làm, lãi suất và tiền tệ" diễn đạt toàn diện nhất tư tưởng kinh tế của Keynes. Giới kinh tế học phương Tây đánh giá quyển sách đã dẫn đến một cuộc cách mạng của Keynes trong kinh tế học.

3. Cuộc cách mạng của Keynes

J.M. Keynes được các học giả phương Tây coi là người có tính sáng tạo, ông là nhà kinh tế học cả ảnh hưởng lớn nhất đối với kinh tế học phương Tây hiện đại và chính sách kinh tế của các Chính phủ.

Lý thuyết tổng quát về việc làm, lãi suất và tiền tệ đã gây tiếng vang mạnh mẽ bởi sự mới mẻ trong tư tưởng kinh tế cũng như bởi sự quan tâm tới tính khả thi của các chính sách kinh tế và sự can thiệp vào tổng cầu.. Người ta hay gọi đây là "Cuộc cách mạng của Keynes".

Cuộc Đại Khủng hoảng (1929-1933) đã ảnh hưởng sâu sắc tới suy nghĩ của Keynes về kinh tế học. Trước đó, các nhà kinh tế cho rằng, mỗi khi có khủng hoảng kinh tế, giá cả và tiền công sẽ giảm đi; các nhà sản xuất sẽ có động lực đẩy mạnh thuê mướn lao động và mở rộng sản xuất, nhờ đó nền kinh tế sẽ phục hồi. Nhưng Keynes lại quan sát cuộc Đại Khủng hoảng và thấy: tiền công không hề giảm, việc làm cũng không tăng, và sản xuất mãi không hồi phục nổi. Từ đó, Keynes cho rằng thị trường không hoàn hảo như các nhà kinh tế học cổ điển nghĩ.

Một số luận điểm chính mà Keynes trình bày trong cuốn Lý thuyết tổng quát gồm:

- Tiền công có tính cứng nhắc. Mức tiền công được thỏa thuận giữa chủ và thợ là tiền công danh nghĩa chứ không phải tiền công thực tế và mức tiền công này được ghi trong hợp đồng, được công đoàn và được luật pháp bảo vệ. Do đó, mức tiền công không phải là linh hoạt như giới học thuật kinh tế vẫn giả định. Giới chủ chỉ tăng thuê mướn lao động khi tiền công thực tế giảm; mà muốn thế thì tiền công danh nghĩa phải giảm nhiều hơn mức giá chung của nền kinh tế. Song nếu vậy, thì cầu tiêu dùng sẽ giảm, kéo theo tổng cầu giảm. Đến lượt nó, tổng cầu giảm lại làm tổng doanh số giảm, lợi nhuận giảm làm triệt tiêu động lực đầu tư mở rộng sản xuất- việc cần thiết để thoát khỏi suy thoái.

- Kỳ vọng về giảm tiền công và giá cả sẽ khiến người ta giảm chi tiêu do nghĩ rằng tiền trong túi của mình đang tăng giá trị. Cầu tiêu dùng và tổng cầu giảm. Cứ thế, vòng xoáy đi xuống của nền kinh tế hình thành.

- Lãi suất giảm không nhất thiết dẫn tới đầu tư tăng. Lãi suất giảm, nhưng tiết kiệm chưa chắc đã giảm theo do hiệu ứng thu nhập và hiệu ứng thay thế của giảm lãi suất triệt tiêu lẫn nhau. Và khi tiết kiệm không giảm, thì đầu tư không tăng. Thêm vào đó, đầu tư cố định là đầu tư có kế hoạch dựa vào những dự tính dài hạn; nên không vì lãi suất giảm mà đầu tư tăng.

- Cái quy định lãi suất, nhất là trong ngắn hạn, chính là cung và cầu về tiền.

- Lãi suất không nên xuống thấp hơn một mức nào đó, vì ở mức thấp đó, các nhà đầu tư không còn muốn giữ trái phiếu mà chuyển sang giữ tiền mặt, tạo nên tình trạng tiết kiệm quá mức trong khi đầu tư lại thiếu. Cầu đầu tư giảm sẽ khiến tổng cầu giảm theo.

- Có thể đạt được mức cân bằng ngay cả khi có thất nghiệp.

- Thắt chặt chi tiêu trong thời kỳ khủng hoảng chỉ làm cho khủng hoảng thêm trầm trọng. Khi kinh tế suy thoái, chính phủ nên đẩy mạnh chi tiêu nhằm tăng tổng cầu như một chính sách chống suy thoái. Và nói chung, chính phủ nên tích cực sử dụng các chính sách chống chu kỳ, chứ đừng nên trông mong vào sự tự điều chỉnh của thị trường.

Những tư tưởng nêu ra trong tác phẩm này trở thành hòn đá tảng trong kinh tế học Keynes. Nó phê phán kinh tế học cổ điển và tân cổ điển. Nó đưa ra các lý luận quan trọng về hàm tiêu dùng, về nguyên lý số nhân, về hiệu suất biên của vốn và về sự ưa thích tính thanh khoản.

Sau khi Keynes mất, làm thế nào để kế thừa và phát triển tư tưởng của Keynes, các nhà kinh tế học theo học thuyết Keynes đều đưa ra sự kiến giải của mình, đặc biệt là sau khi áp dụng rộng rãi học thuyết Keynes đã nảy sinh hàng hoạt vấn đề mới, nạn thất nghiệp và lạm phát xảy ra cùng một lúc, mỗi người một ý, tranh cãi liên miên và hình thành cái gọi là "học thuyết hậu Keynes", "học thuyết Keynes mới", "học thuyết Keynes hiện đại". Việc sửa đổi, bổ sung lý thuyết của Keynes chủ yếu biểu hiện: Phát triển việc phân tích trạng thái tĩnh, ngắn hạn sang phân tích trạng thái động, dài hạn; lấy phân tích quá trình bổ sung cho việc phân tích bình quân; lấy nguyên lý gia tốc bổ sung cho nguyên lý số nhân; đưa ra các loại thuyết giao động kinh tế và tăng trưởng kinh tế, cụ thể hoá các chính sách kinh tế; phác hoạ ra con đường tăng trưởng ổn định.

Học thuyết Hậu Keynes đại thể chia làm hai phái:

- Thứ nhất , "Trường phái chính sau Keynes", đại biểu là nhà kinh tế học Mỹ Paul A. Samuelson. Đầu năm 1950, ông dùng tập hợp từ "Trường phái cổ điển tổng hợp mới", sau đó được thay bằng "Dòng kinh tế học chính sau Keynes" để nói họ không những là học thuyết Keynes mà còn là dòng chính của nó, hiện nay gọi là trường phái chính hiện đại.

- Thứ hai , "Trường phái Cambridge mới" hay "Trường phái Keynes cánh tả" hình thành vào những năm 50, 60, mà đại biểu là nhà kinh tế học Anh Joan Robinson. Trường phái này xuất phát từ nguyên lý cầu có hiệu quả của Keynes, nhấn mạnh về lý luận phân phối, đồng thời tiếp thu một số quan điểm của nhà kinh tế học Ba Lan Karaiski, mở rộng phân tích ngắn hạn của Keynes thành phân tích dài hạn, phát triển phân tích trạng thái tĩnh thành phân tích trạng thái động.

Tóm lại, học thuyết của Keynes đã ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế học phương Tây cả về sau nay. Ông được coi là "Copernicus trong kinh tế học". Keynes là một trong một trăm người được tạp chí Time bầu chọn là những người làm nên thế kỷ 20.


Tin khác