Chống rét: "Phải cầm tay chỉ việc cho bà con"

21/02/2008

Ông Phan Huy Thông, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho rằng, trong những tình huống đặc biệt như đợt rét kỷ lục này, nơi nào mà lãnh đạo đôn đốc, kiểm tra, giám sát, cầm tay chỉ việc thì cho kết quả cao. Ông nói, việc chỉ đạo nếu chỉ dừng ở cấp tỉnh, cấp huyện với việc ra vài văn bản thì không hiệu quả.

"Cấy cho xong để yên tâm ăn Tết!"

- Sau chuyến đi thực tế 4 tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Giang, ông đánh giá như thế nào về mức độ thiệt hại mà bà con nông dân phải gánh chịu do giá rét gây ra?

- Do là đợt rét kỷ lục 30-40 năm lại đây nên đến thời điểm này, Bộ NN-PTNT vẫn chưa thống kê một cách chính xác về thiệt hại song con số này là tương đối nặng, tuỳ từng vùng khác nhau. Ví như, Bắc Trung Bộ (chủ yếu là Thanh Hoá, Nghệ An) mất mát nặng nề về diện tích lúa đã cấy; ĐBSH và miền núi phía Bắc thiệt hại cả lúa chết và mạ; còn nơi nào cấy lúa muộn như Nam Định, Hà Nam, Hà Tây... mạ bị chết là chủ yếu.

Đã có gần 150.000ha lúa bị chết do giá lạnh (ảnh nongnghiep.vn)

Nói như thế nhưng ngay tại một địa phương, một huyện, một xã, mức độ thiệt hại cũng không giống nhau. Thống kê là có bao nhiêu hecta mạ, lúa chết đấy nhưng không phải chết toàn bộ diện tích đó, mà chỉ chết ở một tỷ lệ nhất định nên chúng tôi đang yêu cầu rà soát lại, phân loại rõ.

Trước Tết bắt đầu có rét đậm, Cục Trồng trọt đã có hai công điện chỉ đạo (ngày 26/1 và 29/1), sau đó đến 13/2 Bộ NN-PTNT và Cục tiếp tục có công điện yêu cầu chống rét cho mạ và yêu cầu bà con dừng cấy. Ngay sau đó, các tỉnh cũng có công văn chỉ đạo các huyện, huyện chỉ đạo về xã.

Một số tỉnh ngay khi mạ có biểu hiện chết rét đã chỉ đạo dừng cấy, yêu cầu các công ty phải lo nguồn giống từ trước Tết. Cả 4 tỉnh chúng tôi đi khảo sát gồm Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Giang, gần như tất cả các cán bộ nông nghiệp, khuyến nông của tỉnh đã xuống huyện. Khi chúng tôi xuống huyện cũng đi cùng cán bộ xuống xã hoặc phải chờ đến tối cán bộ mới về.

- Thưa ông, chỉ đạo thì cương quyết như vậy nhưng tại sao diện tích lúa và mạ vẫn chết quá nhiều và bà con nông dân luôn là người phải hứng chịu thiệt hại?

- Có nhiều nguyên nhân. Một là do thời tiết quá rét, kỷ lục từ trước đến nay, trong khi đó diện tích lúa đã cấy vào đúng khung thời vụ và cái rét đậm đe dọa cả diện tích lúa ở khu vực trống gió như Thái Bình, Nam Định, Thanh Hoá...

Hai là một bộ phận nông dân thực sự chủ quan. Mặc dù có văn bản chỉ đạo đấy, truyền hình, loa phát thanh nói ra rả nhưng trong những ngày rét nhất, kể cả khi nhiệt độ xuống dưới 12-13oC, nông dân một số địa phương vẫn ra đồng do tâm lý muốn cấy xong để yên tâm ăn Tết. Chúng tôi hỏi bà con có được phổ biến kỹ thuật không, họ bảo có nhưng vẫn cấy vì lo ra Tết sẽ rét mãi và hiện tại lúa đâu có chết ?!

Một số huyện như Trấn Yên (Yên Bái), Yên Sơn (Tuyên Quang), Vị Xuyên (Hà Giang)... có xã những ngày cuối tháng 1/2008 nhiệt độ xuống còn 10oC, bà con vẫn cấy. Chính quyền địa phương phải ra đồng lập biên bản yêu cầu nông dân dừng lại thì họ mới thôi. Hơn nữa, có một bộ phận nông dân thiếu thông tin do không có hệ thống truyền thanh và huyện chưa phổ biến đầy đủ.

Lo ngại rét đậm tháng 3

- Việc cấy muộn diện tích lúa lớn như vậy liệu năng suất có ảnh hưởng do thời tiết nắng nóng và sâu bệnh? Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) đã lên kế hoạch đối phó với vấn đề này?

- Bây giờ chưa phải là lúc nói đến cái đó. Chỉ đạo của Bộ là đi từng việc một. Tất nhiên, thời vụ năm nay sẽ kéo dài hơn mọi năm, từng vùng chúng tôi có khuyến cáo riêng. Song, trước hết cần tập trung cho Bắc Trung Bộ vì thời vụ rất ngắn, nay phải cấy lại và cố gắng xong trong tháng 2. Miền núi không làm vụ đông thì có thể du di đến tháng 3.

Riêng vùng ĐBSH, chúng tôi đang rất băn khoăn vì còn đợt rét nữa (dự báo là từ 27/2 đến đầu tháng 3 là rét đậm) nên từ nay đến đó phải tập trung gieo và bảo vệ cây mạ. Thời gian này, các tỉnh ĐBSH cũng chưa thể cấy được mà phải đợi qua đợt rét.

Chăm sóc lúa là chỉ đạo bước sau, nhưng trong thời gian này, nơi nào đã cấy phải giữ nước và bón bổ sung lân, NPK khi ấm lên, chưa bón đạm. Qua đợt rét cuối tháng 2 mới bón thúc. Những diện tích thiếu nước, thiếu giống không nhất thiết phải cấy lúa mà chuyển sang trồng ngô, đậu tương và cây cỏ làm thức ăn cho gia súc.

TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển NNNT:

Rõ ràng, có thể coi thiên tai, như đợt rét vừa rồi, là những cuộc tập dượt để từ đó Việt Nam có chính sách đối phó cơ bản, lâu dài.

Trước kia, vùng nào an toàn mới sản xuất, đủ điều kiện mới phát triển. Bây giờ phát triển ra khắp mọi nơi, chỗ nào cũng nhạy cảm cả mà càng phát triển, rủi ro càng lên cao. Sự nghiệp CNH-HĐH ở nước ta không hẳn không thay đổi bộ mặt nông nghiệp, nông thôn mà quá trình này diễn ra không đồng đều, có chỗ đã công nghiệp và phát triển, có chỗ vẫn con trâu đi trước cái cày theo sau.

Chúng tôi đã yêu cầu các địa phương huy động toàn bộ lực lượng trực tiếp xuống cơ sở để hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc với tinh thần mỗi xã có ít nhất 1 cán bộ nằm vùng. Nếu cán bộ khuyến nông không đủ thì huy động lực lượng sinh viên các trường cao đẳng, đại học nông nghiệp trực tiếp giúp nông dân về kỹ thuật gieo mạ, chăm sóc mạ và cấy lúa.

Trong khi làm, vẫn phải đề phòng tình trạng rét đậm có khả năng kéo dài, nhất là trong tháng 3. Khi đó, thiệt hại sẽ nặng nề hơn rất nhiều.

Ngày 22/2 tới, Bộ NN-PTNT sẽ họp với lãnh đạo các sở để tiếp tục đôn đốc và thống nhất các biện pháp tiếp theo, nhất là trước đợt rét bổ sung tới để gieo cấy nhanh mà đảm bảo diện tích chết ít. Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng đã yêu cầu các cục, vụ chức năng của Bộ hoãn các cuộc họp, hội thảo không cần thiết để tập trung chỉ đạo chống rét.

- Sau đợt rét kỷ lục này, chúng ta có thể rút ra bài học kinh nghiệm gì cho những lần đối phó sau?

- Trong tư tưởng chỉ đạo lâu nay, vào những thập kỷ 80 về trước, nông nghiệp Việt Nam luôn đặt vấn đề chống rét là số 1. Hiện nay, với tiến bộ kỹ thuật và việc đẩy trà xuân muộn lên nên trong điều kiện rét như mọi năm, việc bảo vệ mạ không bị chết rét thuận lợi hơn nhiều.

Qua đợt rét có tính lịch sử như thế này, có thể nói là rét đậm kéo dài ngoài sức tưởng tượng, chỉ đạo từ TW xuống tỉnh, huyện thì cương quyết, song làm sao để người dân không chủ quan, thực hiện đúng khuyến cáo là rất vô cùng quan trọng và khó khăn.

Tôi thấy nơi nào mà lãnh đạo đôn đốc, kiểm tra, giám sát, cầm tay chỉ việc thì kết quả cao hơn. Nếu chỉ đạo chỉ dừng ở cấp tỉnh, cấp huyện với việc ra vài văn bản thì không hiệu quả. Thời điểm rét đậm kéo dài thế này là tình huống đặc biệt, việc chỉ đạo cũng phải đặc biệt, cương quyết, nhất là khi nhận thức của nông dân còn hạn chế và không phải bà con nào cũng tự giác.

Ngoài ra, cần sử dụng triệt để hệ thống tuyên truyền, đặc biệt là ở truyền hình, phát thanh địa phương, loa đài ở xã. Cứ 3 lần/ngày hệ thống loa ở thôn, xã phát bản tin thờit tiết, phổ biến kỹ thuật thì bà con sẽ sốt ruột mà ra đồng kiểm tra cây mạ, cây lúa.


Tin khác