Xuất nhập khẩu: Đón đầu cơ hội thế giới thiếu lương thực

19/03/2008

"Cho dù đồng đô la xuống giá bất lợi cho xuất khẩu nhưng tình hình chung của thị trường thế giới lại đang có lợi cho xuất khẩu hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam", PSG.TS Phạm Tất Thắng - Nghiên cứu viên cao cấp của Bộ Công thương cho biết.

Thận trọng với việc đô la tụt dốc

Mô tả ảnh.
PGS. TS Phạm Tất Thắng
Theo ông Thắng, đây là đợt giảm giá lớn nhất, nghiêm trọng nhất của đồng đô la từ trước đến nay. Đô la xuống như vậy sẽ đẩy nhiều nước vào tình trạng bất lợi cho xuất khẩu, trong đó có Việt Nam. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến điều này, chẳng hạn do nền kinh tế Mỹ bị sụt giảm và tốc độ tăng trưởng của kinh tế thế giới không được như mong đợi.

Theo dự đoán giá đô la Mỹ trong thời gian tới sẽ biến thiên như thế nào?

- Đồng đô la sụt giảm không hoàn toàn phụ thuộc vào ý muốn của chúng ta. Mỹ cũng cho rằng cần xử lý kịp thời vấn đề này ngay trong thời gian tới. Vì vậy có lẽ giá đồng đô la chỉ sụt giảm trong một thời gian ngắn nữa và sẽ được cải thiện. Điều này cũng cần thiết cho tình hình xuất khẩu của chúng ta.

Nhưng cũng cần lưu ý rằng, dưới thời Tổng thống B.Clinton, Mỹ đã chủ động làm giảm giá đồng đô la, sau đó thực hiện phương châm nhận tiền gửi bằng đô la với lãi xuất thấp. Cả thế giới khi đó đã dồn đô la có giá trị thấp vào ngân hàng của Mỹ để gửi.

Việt Nam thời đó cũng gửi 2 tỷ. Khi đã thu được những đồng đô la rẻ trên toàn thế giới rồi thì Mỹ chủ động nâng giá đồng đô la lên và họ trở thành một nguồn cung tiền cho toàn thế giới.

Có ý kiến cho rằng, khi giá đồng đô la giảm mạnh, các nhà xuất khẩu mua hàng trong nước bằng VN đồng với giá cao, nhưng xuất khẩu bán được USD lại giá thấp sẽ rất bất lợi cho họ, đặc biệt là các hợp đồng đã ký từ trước. Ông nghĩ sao?

Vụ trưởng Vụ XNK Bộ Công Thương Phạm Thế Dũng: Chỉ trong chưa đầy một tháng, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu (KNXK) giảm từ 29% (hai tháng đầu năm) xuống còn 23% (ước trong tháng 3). “Nếu trừ dầu thô, KNXK thực chất chỉ tăng khoảng 15%”.
- Thông thường người ta sẽ thoả thuận thiệt hại do nguyên liệu đầu vào. Mỗi bên chịu 1 nửa để giảm thiểu rủi ro. Nhưng các doanh nghiệp của chúng ta chưa chú ý đến chuyện này.

Nhiều doanh nghiệp đang kêu rằng, tất cả đều lên, trừ giá bán ra. Trong trường hợp đó, chúng ta cần đề nghị thương thảo lại. Nếu nhà nhập khẩu nước ngoài muốn có quan hệ làm ăn lâu dài thì họ sẽ thiện chí. Điều này đòi hỏi sự khôn khéo trong cách hành xử. Vì mục đích làm bạn hàng lâu dài của nhau, các doanh nghiệp trên thế giới đều thông hiểu điều này. Biết chia sẻ cùng đối tác là một trong những nguyên tắc của kinh doanh quốc tế hiện nay.

Các Bộ quản lý chỉ đóng vai trò tạo nên môi trường để cho các doanh nghiệp hợp tác với nhau. Bộ Công thương và các cơ quan quản lý khác đã cảnh báo rất nhiều về việc tăng giá từ giữa năm 2007 rồi. Quan trọng nhất là các doanh nghiệp phải biết sử dụng dịch vụ thông tin một cách có hệ thống và nhạy cảm hơn.

Đón đầu cơ hội thị trường thiếu lương thực

Mô tả ảnh.

Thưa ông, trong bối cảnh hiện nay, thị trường thế giới đang rơi vào tình trạng thiếu cung về lương thực. Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này thế nào?

- Đúng là cho dù đồng đô la xuống giá bất lợi cho xuất khẩu nhưng tình hình chung của thị trường thế giới thì lại đang có lợi cho xuất khẩu mặt hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam. Có thể thấy, ở phía Nam vào cuối năm 2007, đầu năm 2008 được mùa lớn. Còn phía Bắc, cuối năm 2007 gặp phải một đợt rét đậm rét hại bất lợi. Nhưng theo kinh nghiệm truyền thống, sau đợt rét đậm kéo dài như vậy, dịch bệnh, sâu bọ, chuột… phá hoại mùa màng bị tiêu diệt gần hết. Chính điều này đã tạo cơ hội cho vụ mùa sau bội thu.

Trong khi thị trường thế giới đang rơi vào tình trạng thiếu cung về lương thực, thực phẩm, nhiều chuyên gia nhận định rằng giá nông sản trên thế giới năm 2008 sẽ tăng cao. Như vậy, đây là cơ hội cho Việt Nam xuất khẩu nông sản, thực phẩm của mình với giá tốt hơn, tạo giá trị gia tăng lớn.

TIN LIÊN QUAN
Nhưng thưa ông, tại hội nghị giao ban xuất khẩu thường kỳ diễn ra hôm qua (14/3) ở TP.HCM các doanh nghiệp đều kêu "lỗ đang chồng lên lỗ". Như vậy, chúng ta biến cái bất lợi thành có lợi như thế nào?

- Vấn đề ở đây là phải điều hành vĩ mô sao cho tốt và có lợi nhất cho quốc gia, trên cơ sở phân chia hài hoà giữa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và đặc biệt là của người nông dân. Khi đó chúng ta sẽ biến cái bất lợi trở thành có lợi cho nền kinh tế. Như vậy sẽ có đóng góp nhiều trong việc tăng trưởng kinh tế và chống lạm phát, nâng cao đời sống người dân.

Trong cơ chế thị trường, không có cái gì chỉ là bất lợi và không cũng có cái gì chỉ là thuận lợi. Vấn đề của nó là anh phải biết hành xử sao cho phù hợp giữa năng lực của anh với tình hình chung để hạn chế thấp nhất cái bất lợi hoặc thậm chí là biến cái bất lợi thành cái có lợi cho mình.

Vậy, hiện nay Bộ Công thương đã có những biện pháp nào để đón đầu cơ hội này?

- Bộ Công thương đang có những chỉ đạo rất cụ thể. Chẳng hạn, chống lạm phát chủ yếu bằng đẩy mạnh xuất khẩu, chứ không phải bằng việc giảm nhập khẩu. Có thể nhập khẩu sẽ không giảm về số lượng nhưng sẽ điều chỉnh cơ cấu của nó, không để nhập ô tô hay những hàng xa xỉ phẩm, hoặc hàng cho tiêu dùng quá nhiều, mà tập trung nhập khẩu nguyên vật liệu để phục vụ sản xuất.

Thứ hai, Bộ Công thương đã triệu tập tất cả tham tán của các vùng và giao nhiệm vụ cho từng tham tán phải giúp đỡ cho các doanh nghiệp và khai thông thị trường mình phụ trách để đưa hàng hoá một cách tốt nhất vào thị trường đó.

Thứ ba, gia tăng thêm một số dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ logistic để giảm chi phí xuất khẩu cho doanh nghiệp. Ngoài ra, Bộ cũng chủ trương tập trung phát triển nguyên phụ liệu cho sản xuất, tạo thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm trong nước.

(Nguồn: Vietnamnet)


Tin khác