Doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc khu vực dân doanh sau một năm gia nhập WTO

19/03/2008

Phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ là một chủ trương lớn của Đảng. Sau một năm gia nhập WTO, bên cạnh những thuận lợi chưa từng có, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũ ng đang đứng trước những thách thức to lớn. Để tiếp tục phát triển, cần nhận rõ các ưu thế lẫn các lực cản.

Theo tài liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đến 10-2007, Việt Nam có khoảng 280.000 doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động, trong đó có 8.500 dự án FDI, trên 2.000 doanh nghiệp nhà nước, còn lại là khu vực kinh tế tư nhân. Chính phủ Việt Nam dự kiến đến năm 2010 sẽ phát triển thêm 220.000 doanh nghiệp chủ yếu ở khu vực kinh tế tư nhân. Đánh giá chính xác được sự tác động tích cực và hạn chế của WTO đến doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ giúp đề xuất các giải pháp nhằm đạt được mục tiêu phát triển về số lượng, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp.

Việt Nam gia nhập WTO đã có những tác động tích cực đến doanh nghiệp vừa và nhỏ

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ có hành lang pháp lý đầy đủ và thuận lợi hơn để phát triển. Thật vậy, năm 2000, Luật Doanh nghiệp ra đời (thực chất là luật dành cho kinh tế tư nhân). Từ đó đến nay, dưới sức ép của tiến trình gia nhập WTO, Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành nhiều nghị định mang tính pháp lý dành riêng cho sự hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển.

Hội nhập WTO tạo môi trường kinh doanh bình đẳng hơn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ ở khu vực kinh tế tư nhân phát triển. Nhìn lại thời kỳ bao cấp, quản lý nền kinh tế theo phương thức kế hoạch hóa tập trung, khu vực kinh tế tư nhân không những không có luật chính thức để điều tiết sự hoạt động, mà còn bị sự "kỳ thị" của xã hội. Đến nay, các doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc khu vực kinh tế tư nhân được hoạt động bình đẳng trong một môi trường pháp lý chung: kể từ năm 2006 các khu vực kinh tế của Việt Nam, không kể quy mô đều chịu sự điều tiết chung của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, các Bộ luật về thuế... Ngoài ra, vai trò của doanh nghiệp tư nhân ngày càng được nâng cao, doanh nhân làm ăn có hiệu quả, thành đạt được xã hội coi trọng.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ có điều kiện thuận lợi tiếp cận với thị trường thế giới. Từ năm 2002 trở lại đây, mọi doanh nghiệp không phân biệt thành phần kinh tế, kể cả hộ cá thể có đăng ký kinh doanh hợp pháp đều có quyền xuất - nhập khẩu trực tiếp với nước ngoài. Các rào cản về giấy phép, hạn ngạch xuất - nhập khẩu giảm rất nhiều; việc đi lại của các cá nhân Việt Nam ra nước ngoài hết sức dễ dàng, khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ có điều kiện thuận lợi tiếp cận với thị trường thế giới.

Môi trường kinh doanh minh bạch và công khai. Nếu trước đây các thông tin về cơ chế chính sách, thủ tục hành chính có liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp chưa được công khai đầy đủ, thường thay đổi, khiến cho các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận không kịp thời, tốn nhiều thời gian và tiền bạc thì nay từ trung ương đến địa phương, các cơ quan của nhà nước đều công khai công bố dưới nhiều hình thức các cơ chế chính sách có liên quan đến doanh nghiệp. Môi trường kinh doanh minh bạch, rõ ràng đã ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Thủ tục hành chính thuận lợi hơn – cơ hội tốt để loại trừ tham nhũng. Chương trình cải cách thủ tục hành chính đang từng bước đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Cơ chế "một cửa" ở các ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất; hoàn thiện cơ chế đăng ký kinh doanh; hoàn thiện thủ tục hải quan, thủ tục nộp thuế... đã giúp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ giảm chi phí thời gian và tiền bạc, nhờđó mà tăng năng lực cạnh tranh.

Nhờ có hội nhập, tính tự chủ của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng lên. Ở thời kỳ đóng cửa nền kinh tế, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đều hoạt động dưới sự quản lý và can thiệp khá sâu của Nhà nước: mua nguyên vật liệu ở đâu, bán cho ai đều có địa chỉ cụ thể. Nay mọi hoạt động của các doanh nghiệp đều do chủ đầu tư quyết định.

Cùng với tiến trình hội nhập, thuế nhập khẩu và các rào cản phi thuế quan giảm. Giá nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu phục vụ đầu vào của doanh nghiệp giảm, dẫn đến chi phí sản xuất hàng hóa tại Việt Nam giảm, điều này rất có ý nghĩa đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi nền sản xuất hàng hóa Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu; giúp các doanh nghiệp Việt Nam thuận lợi hơn trong việc đưa hàng hóa thâm nhập vào thị trường thế giới. Việt Nam được hưởng Quy chế Tối huệ quốc tại 164 nước trên thế giới nên nhiều ngành hàng, mặt hàng được miễn giảm thuế, xóa bỏ hạn ngạch. Đây chính là nguyên nhân cơ bản tác động tích cực đến hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ; sự cạnh tranh trên thị trường tăng, tạo động lực thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ chi phí để nâng cao sức cạnh tranh... Nhiều doanh nghiệp nhỏ, vừa như: Bitis, Kinh Đô... trước đây chỉ là tổ hợp, nay trở thành các tập đoàn kinh tế có hàng hóa xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.

Những hạn chế của tiến trình hội nhập WTO đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam

Sự chuẩn bị hội nhập kinh tế quốc tế ở tất cả các cấp chưa đáp ứng yêu cầu. Hiện tại, các ngành, các bộ đang trong quá trình xây dựng chương trình kế hoạch hội nhập quốc tế. Nhiều nơi chưa nhận diện rõ hội nhập mang lại cơ hội gì, thách thức gì một cách cụ thể. Vấn đề này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến xây dựng cơ chế chính sách đáp ứng yêu cầu hội nhập, gây khó khăn cho các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bởi các doanh nghiệp này chưa nhận diện rõ cơ hội và thách thức do hội nhập kinh tế quốc tế và WTO mang lại, do vậy chưa xây dựng cho mình chiến lược kinh doanh phù hợp.

Môi trường kinh doanh của Việt Nam đã cải thiện nhiều, nhưng chưa nhanh, chưa thực sự mang tính cách mạng. Theo xếp hạng của "Doing Business - 2007" - một tổ chức có uy tín, Việt Nam xếp hạng 104/175 nước tham gia khảo sát, tụt 6 bậc so với năm 2006; ở hàng năng lực cạnh tranh tụt 3 bậc, đứng thứ 132 trên thế giới. Ngày 15-12-2007, tại Thành phố Hồ Chí Minh, ở hội thảo về "Đánh giá sự tác động của WTO đến nền kinh tế Việt Nam sau một năm gia nhập", đa số các chuyên gia cho rằng, sự thay đổi cơ chế quản lý chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập WTO, do đó chưa tác động mạnh nhằm mang lại những thay đổi lớn cho sự phát triển của nền kinh tế nói chung và cho khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ nói riêng.

Nguồn vốn đầu tư trong nước tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn hạn chế, điều kiện nâng cấp và hiện đại hóa cơ sở vật chất rất thấp, khó có khả năng hội nhập sâu rộng trong điều kiện cạnh tranh gay gắt.

Thiếu thông tin về thị trường, trình độ quản lý doanh nghiệp yếu. Đa số các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa có chiến lược kinh doanh, chưa xây dựng chương trình hội nhập khi Việt Nam đã gia nhập WTO. Theo số liệu khảo sát các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, trên 50% số giám đốc các công ty chưa tham gia các lớp đào tạo quản trị kinh doanh, nhiều người trong số họ chưa tốt nghiệp phổ thông, trình độ tiếng Anh, sử dụng công nghệ thông tin kém, khiến tỷ lệ doanh nghiệp bị đóng cửa khá cao, bình quân trên 10%/năm.

Theo cam kết WTO, Việt Nam bỏ tài trợ trực tiếp đối với hoạt động xuất khẩu (tài trợ đèn đỏ). Điều này sẽ ảnh hưởng nhất định đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi tham gia xuất khẩu hàng hóa ra thị trường khu vực và thế giới.

Những quy định, chuẩn mực kinh doanh mới như: bảo hộ quyền sở hữu tài sản trí tuệ; vấn đề rào cản kỹ thuật trong hoạt động kinh doanh quốc tế, quản lý tiêu chuẩn hóa quốc tế, chuẩn mực nâng cao tính cạnh tranh cho doanh nghiệp... đã tác động không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ mới được thành lập, kinh nghiệm kinh doanh còn nhiều hạn chế.

Việc Việt Nam chưa được thừa nhận có nền kinh tế thị trường. Theo cam kết khi gia nhập WTO, nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường cho đến năm 2018. Điều này đã tác động đến khả năng tự vệ, chống bị kiện phá giá của các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam trong hoạt động thương mại quốc tế. Bên cạnh đó, nền công nghiệp phụ trợ của Việt Nam chưa phát triển, vì vậy, đa số các doanh nghiệp vừa và nhỏ bị lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu; nhập siêu ở Việt Nam gia tăng. Năm 2007, nhập siêu có thể lên tới 9 - 10 tỉ USD. Nhập khẩu nhiều dẫn tới chi phí và rủi ro kinh doanh tăng, tác động hạn chế đến khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở trong nước cũng như thị trường quốc tế.

Từ những thuận lợi và thách thức trên, việc đề xuất các giải pháp để doanh nghiệp vừa và nhỏ nắm bắt cơ hội, hạn chế thách thức sẽ mang ý nghĩa thực tiễn lớn lao, góp phần phát triển khu vực kinh tế năng động này.

Một số định hướng đề xuất

- Thay đổi tư duy về vai trò, vị trí của khu vực kinh tế ngoài Nhà nước có quy mô vừa và nhỏ. Cần nhận thức nhất quán đây là khu vực kinh tế quan trọng, đóng góp lớn cho sự tăng trưởng kinh tế, đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh và bền vững. Bởi vì, đây là khu vực kinh tế năng động, trẻ, lực lượng đông, đang phát triển nhanh, dễ thay đổi, phù hợp với môi trường kinh doanh mới.

- Mỗi ngành, địa phương phải xây dựng chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ là khu vực kinh tế năng động nhưng cũng dễ bị tác động nhất trong các khu vực kinh tế trong tiến trình hội nhập. Do đó, mỗi địa phương cần chủ động xây dựng chiến lược phát triển phù hợp với điều kiện đặc thù của địa phương mình.

- Khuyến khích xây dựng các quỹ đầu tư. Việc xây dựng quỹ đầu tư cho doanh nghiệp vừa và nhỏ là mục tiêu rất quan trọng để phát triển vì vậy cần lôi kéo các nhà tài trợ cùng tham gia. Đồng thời, tìm cách tuyên truyền về quy chế hoạt động của các loại quỹ này. Giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ có điều kiện tiếp cận tốt nhất các nguồn vốn.

- Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng các hiệp hội ngành hàng tăng cường hoạt động tư vấn và tổ chức các lớp đào tạo bồi dưỡng các kiến thức nâng cao năng lực của các nhà quản trị doanh nghiệp vừa và nhỏ

- Khuyến khích phát triển các dịch vụ, nhất là dịch vụ thương mại, dịch vụ tư vấn, dịch vụ quản trị doanh nghiệp, dịch vụ pháp lý nhằm hỗ trợ phát triển cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

- Đẩy mạnh các hoạt động kinh tế đối ngoại cùng với đẩy mạnh cải tổ nền kinh tế theo các cam kết song phương và đa phương để các nước sớm thừa nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam bình đẳng kinh doanh trên thị trường quốc tế.

(Nguồn: Tạp chí Cộng sản)


Tin khác