Sản xuất lúa vụ ba ở ĐBSCL: Giải pháp tăng lượng gạo xuất khẩu

17/06/2008

Trong bối cảnh giá lương thực tăng cao do nguồn cung ngày càng hạn chế, việc khuyến khích nông dân Đồng bằng sông Cửu Long sản xuất lúa vụ ba là rất cần thiết. Tuy nhiên, theo TS. Phạm Văn Dư, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), nông dân không thể "xé rào" xuống giống tuỳ ý mà phải tuân thủ đúng lịch thời vụ để né rầy nâu và áp dụng chương trình "3 giảm, 3 tăng".

Hoàn toàn có thể sản xuất lúa vụ ba

ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), ngoài 2 vụ lúa chính là đông xuân và hè thu, bà con còn làm thêm lúa vụ ba (xuân hè hoặc thu đông). Mấy năm trước, do dịch rầy nâu, bệnh vàng lùn – lùn xoắn lá hoành hành, các ngành chức năng khuyến cáo nông dân không sản xuất lúa vụ ba. Tuy nhiên, trong tình hình đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp do chuyển đổi mục đích sử dụng, chỉ canh tác 2 vụ lúa (1,5 - 1, 6 triệu hecta/vụ), mà không làm 3 vụ lúa /năm thì khó đạt diện tích gieo trồng 3, 8 triệu hecta lúa/năm như kế hoạch đề ra.

Có một thực tế là, dù chỉ là “làm thêm” nhưng năng suất lúa vụ xuân hè thường đạt xấp xỉ vụ hè thu, vụ thu đông có thể cao hơn. Vấn đề cần quan tâm là xác định nơi nào có điều kiện thuận lợi về nước và đất cho vụ xuân hè, nơi nào lý tưởng cho vụ thu đông. Nếu điều kiện làm lúa vụ ba được cải thiện, chúng ta có thể tăng diện tích gieo trồng lên 4 - 4, 5 triệu hecta/năm.

Trong vòng mấy thập kỷ qua, ĐBSCL đã chứng kiến bước tiến thần kỳ cả về năng suất, chất lượng trong sản xuất lúa gạo. Diện tích canh tác ngày càng tăng nhờ điều kiện tưới tiêu được cải thiện; các giống lúa cổ truyền, năng suất thấp được thay bằng những giống ngắn ngày, cao sản. Đây chính là tiền đề để nông dân tiến hành sản xuất lúa vụ ba.

Khảo sát của Viện Lúa ĐBSCL ở Long An, Tiền Giang, Hậu Giang, những nơi có truyền thống làm 3 vụ lúa và 2 năm 7 vụ cho thấy, phần lớn diện tích đều cho năng suất cao, chất lượng gạo thơm ngon. Như vậy, kinh nghiệm tăng vụ lúa ở ĐBSCL đã được áp dụng và tích lũy, bổ sung qua nhiều năm.

Cần áp dụng triệt để kỹ thuật được khuyến cáo

Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), vụ đông xuân 2008, ĐBSCL lại trúng mùa lớn, sản lượng lúa đạt trên 10 triệu tấn, tăng hơn vụ đông xuân năm 2007 gần nửa triệu tấn. Nếu làm cả lúa vụ ba, dự kiến tổng sản lượng lúa năm 2008 sẽ đạt trên 21 triệu tấn, tăng gần 1 triệu tấn. Ngành trồng trọt và bảo vệ thực vật đã có những đóng góp rất ấn tượng trong việc giúp nông dân dập dịch rầy nâu, bệnh vàng lùn -lùn xoắn lá; làm cho chu kỳ dịch xuất hiện chậm, cường độ giảm và kết thúc sớm hơn.

Không thể phủ nhận là, sản xuất lúa liên tục có thể làm giảm độ màu mỡ của đất; đặc biệt ở những nơi làm bờ bao ngăn cách nước lũ để tăng vụ lúa. Nhiều nông dân cho biết, sau khi có bờ bao ngăn lũ, tuy chủ động thực hiện được 3 vụ lúa, nhưng sau nhiều vụ, năng suất giảm dần, muốn đạt năng suất như trước phải tăng lượng phân urê. Vì vậy, để sản xuất lúa vụ ba hiệu quả, cần chọn địa điểm phù hợp, thuận tiện, những nơi không làm được lúa vụ ba có thể luân canh các cây trồng khác.

Với tất cả những cứ liệu khoa học trên, việc sản xuất 3 vụ lúa ở ĐBSCL là có thể và cần thiết để tăng sản lượng lúa, góp phần đảm bảo an ninh lương thực và tăng lượng gạo xuất khẩu. Tuy nhiên, để giữ độ phì nhiêu của đất, hạn chế dịch bệnh, cần quy hoạch cụ thể cho từng tiểu vùng sinh thái, đồng thời nghiên cứu xác định giống và kỹ thuật thích hợp; xác định hiệu quả kinh tế trước mắt cũng như lâu dài. Đơn cử như tại An Giang, lúa vụ ba hàng năm đã góp thêm 350.000 - 400.000 tấn lúa, đưa tỉnh này dẫn đầu cả nước về sản lượng lương thực. Phong trào sản xuất lúa vụ ba ở An Giang bắt đầu từ năm 1990 tại huyện cù lao Chợ Mới với hơn 1.000ha. Do giá lúa trên thị trường ngày càng tăng khiến nông dân liên tục gieo trồng lúa vụ ba; trong đó các huyện Thoại Sơn, Phú Tân và Chợ Mới từ năm 2005 đã đưa toàn bộ diện tích sản xuất lúa hiện có vào sản xuất vụ ba. Theo tính toán của bà con nông dân, hiệu quả của vụ ba không thua kém các vụ chính trong năm, năng suất đạt 4,7 - 4, 9 tấn/ha. Nếu gặp thời tiết thuận lợi, lúa vụ ba có chi phí thấp hơn 500.000 đồng - 1 triệu đồng /ha so với vụ đông xuân và 200.000 - 400.000 đồng /ha so với vụ hè thu.

Về giống và biện pháp kỹ thuật canh tác, ngoài tiêu chuẩn giống lúa đạt năng suất cao, chất lượng tốt, kháng sâu bệnh, cần đặc biệt quan tâm giải pháp rút ngắn thời gian vụ lúa chiếm ruộng bằng giống ngắn ngày như OMCS1490, OMCS 2000... Kỹ thuật canh tác không khác biệt 2 vụ lúa chính là đông xuân và hè thu. Tuy nhiên, bà con cần thay đổi nhận thức như không phun xịt thuốc trừ sâu trước 40 ngày sau sạ; phòng trừ sâu bệnh cho lúa cần quan tâm ngay từ khâu xử lý hạt giống. Nếu áp dụng đầy đủ các biện pháp kỹ thuật theo khuyến cáo, chắc chắn sản xuất lúa vụ ba ở ĐBSCL sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao.

(GS.TS Nguyễn Văn Luật)

Theo Kinh tế Nông thôn


Tin khác