Những chuyện lạ nơi vùng cao Ý Tý

26/07/2009

(LĐCT) - Có một dải đất nằm chênh vênh trên những triền núi đá giáp biên giới Việt-Trung, có những ngôi nhà đắp bằng đất nom như những chiếc nấm khổng lồ, nơi giá rét và mây mù nhiều hơn nắng, nơi quanh năm không mấy khi nhìn rõ mặt người...

Đấy là những xã vùng cao phía bắc huyện Bát Xát (Lào Cai). Nơi đang cất giữ những điều kỳ lạ...

Bản đồ huyện Bát Xát nom giống như chiếc rìu đá đặt nghiêng, lưỡi rìu là những xã vùng cao, với đỉnh chót cùng là A Mú Sung, nhọn hoắt như chiếc sừng trâu. Từ cánh rừng nguyên sinh Ý Tý vượt lên thấy 3 ngọn núi, người Hà Nhì gọi là Nhìu Cồ San, nghĩa là ba ngọn núi to hay là núi Sừng Trâu. Mảnh đất dưới chân núi Sừng Trâu đang cất giữ những báu vật ngàn đời về những phong tục, tập quán cũng như cuộc sống lạ kỳ ở nơi miền cao này.

Hàm lợn - những tờ lịch của ngôi nhà trình tường

Người Dao xã Dền Sáng trình tường ngôi nhà mới.

Các dân tộc: Mông, Dao, Hà Nhì sinh sống trên mảnh đất này từ bao đời nay đều sống trong những ngôi nhà trình tường. Nhà trình tường là một lối kiến trúc vô cùng độc đáo của các dân tộc vùng cao cực bắc. Nhà của người Dao, Mông có hình chữ nhật, còn nhà người Hà Nhì gần vuông, chiều rộng 4 sải tay, chiều dài 4,5 sải tay của gia chủ, cao 5m, chỉ có một cửa ra vào chiều cao không quá đầu người, rộng chừng 80cm.

Khi bước qua cửa gặp một bức tường phụ cao hơn 2m, tạo ra một hành lang rộng khoảng 2m, rẽ phải là nhà kho để vật dụng lao động và cũng là nơi đặt chuồng gà, rẽ trái là giường của người con trai hoặc gái đã trưởng thành, nơi đó cũng là nơi dành cho khách ngủ.

Trong nhà chia thành hai buồng, buồng lớn nằm ở chính giữa, giường ngủ của chủ nhà đặt trên một chiếc sạp bằng gỗ cao chừng ba gang tay, cạnh đó đặt một bếp lửa, phía dưới là bếp lò vừa để nấu cám lợn và thức ăn. Cạnh bếp lửa có một hòn đá thờ thần Lửa, kế đó là bàn thờ tổ tiên.

Mọi sinh hoạt của người Hà Nhì đều diễn ra ở đây, như: Tiếp khách, cầu cúng tổ tiên, bàn chuyện làm ăn, chuyện dựng vợ gả chồng cho con cái..., cạnh bếp lửa không lúc nào nguội lạnh. Buồng nhỏ hơn dành cho vợ chồng con cái, hoặc những đứa con gái sắp đến tuổi lấy chồng.

Những mái nhà trình tường

Người ta trình tường làm nhà sau khi vụ mùa đã gặt hái xong, thời gian đó ở vùng cao ít mưa, đây cũng thời gian ít việc nhất trong năm, họ làm nhà để ăn Tết và đón năm mới. Nhà của họ dựng trên các sườn núi khuất gió, nơi gần nguồn nước, phía trên cao là rừng.

Họ chọn mảnh đất tương đối bằng phẳng, mặt hướng về phía dốc thoáng đãng, có nhiều ánh sáng. Sau khi chọn được ngày tốt chủ nhà làm lễ động thổ, họ thả 3 hạt thóc xuống đất để cầu xin thần linh, tổ tiên cho họ có nhiều con cháu, chăn nuôi đầy đàn trâu bò, lợn dê, lúa ngô, thảo quả được mùa.

Ván trình tường đóng thành khuôn, rộng từ 45-60cm, dài 2,5-3m, đất trình tường đào gần đó được đổ vào khuôn gỗ, họ dùng cây gỗ dài đầm từng lớp. Mỗi ngày chỉ đầm một lớp, khi đất khô mới tiếp tục trình. Làm được một ngôi nhà trình tường phải mất 3-4 tháng, nam giới có sức khoẻ đào đất, chặt cây trên rừng, nữ giới cắt cỏ phụ giúp những việc vặt.

Khi ngôi nhà làm xong, việc đầu tiên là họ rước thần Lửa về để gìn giữ cho ngọn lửa trong ngôi nhà của họ không bao giờ tắt. Thần Lửa là một hòn đá được chọn ở trên núi cao. Theo quan niệm của người Hà Nhì, lửa sinh ra từ đá, nên thần Lửa được đặt ngay cạnh bếp. Người ta rất tôn kính Thần lửa, không ai được bước qua hay gõ cây que lên đầu thần Lửa, ngày lễ, ngày Tết đến họ cho thần Lửa uống rượu và ăn bánh.

Ở trên núi cao lạnh giá quanh năm, nhưng người trong những ngôi nhà trình tường luôn có lửa cháy nên rất ấm áp. Khi về nhà mới, gia chủ mổ một con lợn to để cúng tổ tiên và mời anh em, họ hàng đến uống rượu. Tết đến, gia đình nào cũng mổ lợn đón mừng năm mới, hàm lợn được treo lên gác bếp, khi có ai hỏi ngôi nhà này đã dựng được bao nhiêu năm rồi, họ đếm số hàm lợn, những chiếc hàm lợn bắt khói đen nhánh, đó là những tờ lịch chứng chỉ tuổi của ngôi nhà.

Những người già không nhớ tên tuổi

Người sống ở trên núi rất thọ, nhiều người không còn nhớ nổi tên tuổi mình, con cháu và những người hàng xóm cũng không biết tên tuổi họ. Bởi từ lâu rồi họ quen gọi người ấy là cụ già. Tình cờ tôi gặp một cụ già ở thôn Chỏn Thẻn sống trong ngôi nhà trình tường phía sau nhà Chu Khởi Có. Cụ là người Hà Nhì, tóc đã bạc hết, mảnh như tơ chuối, răng không còn một chiếc, gương mặt nhăn nheo, da khô đét như quả bầu khô để lâu ngày trên gác bếp.

Những người già không nhớ tên tuổi

Cụ đang bó rơm, đón tôi bằng nụ cười móm mém và thân thiện. Hỏi mãi cụ bó rơm này để làm gì, cụ lắc đầu. Tôi hỏi. Cụ đáp. Cả hai, chẳng ai hiểu được tiếng nói của nhau. Qua điệu bộ của cụ, tôi đoán cụ phơi những bó rơm này để làm đệm ngủ chống rét.

Tôi hỏi Chu Khởi Có là con cháu của cụ, sống gần cụ gần 50 năm nay, Có ngẫm nghĩ một lúc rồi lắc đầu: Không biết cụ tên gì, cụ già lắm rồi, khi mình lớn lên đã thấy cụ già như thế này rồi. Cha mẹ mình và những người ở đây gọi cụ là cụ già thôi.

Tôi hỏi Sần Dì Lúy 46 tuổi, Sần Dì Có 48 tuổi, cùng thôn Chỏn Thẻn, hai người này đều lắc đầu không biết tên cụ già là gì, bao nhiêu tuổi. Sần Dì Luý nói tiếng Kinh khá sõi, hoá ra một thời Luý là công an, nhưng đã bỏ về vì chuyện gia đình, anh bảo: "Ô, mình cũng không biết, mọi người ở đây chắc cũng thế thôi, không biết cụ tên gì, năm nay bao nhiêu tuổi đâu. Mọi người quen gọi là cụ già...".

Bí quyết sống lâu của những người ở trên núi nơi đây, có lẽ chỉ họ mới biết. Tôi gặp thêm mấy cụ già ở thôn Lao Chải, một cụ đang ngồi sưởi nắng thêu áo cho con cháu, đeo đôi kính mắt dày như đít chai, nặng trĩu. Gương mặt cụ cũng già lắm, nom cũ kỹ như chính ngôi nhà trình tường lợp cỏ, địa y mọc xanh rờn trên mái.

Tôi hỏi cụ tên gì, bao nhiêu tuổi. Cụ đáp. Nhưng chẳng ai biết được tiếng ai. Tôi hỏi lũ trẻ con thau tháu học lớp ba, lớp bốn chạy theo tôi xem chụp ảnh. Tất cả đều lắc đầu: "Không biết!".

Áo móc, tóc giả

Tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy một vài người mặc những chiếc áo dệt bằng sợi cây móc ở rừng. Chiếc áo đẹp tuyệt vời, được kết bằng những bẹ cây móc, phía trên rộng bằng vai, còn phía dưới xòe ra dài tới tận khoeo chân. Các sợi móc được tuốt ra làm chỉ khâu ba phía: trên vai và hai bên sườn. Sống ở trên núi giá lạnh và có nhiều mây mù, nên người ta mặc chiếc áo móc này như thể mặc áo khoác vừa che sương nhưng rất ấm.

Áo móc

Cuộc sống của những người dân nơi vùng cao dưới chân núi Sừng Trâu còn khá nhiều những chiếc áo khoác làm bằng sợi cây móc, dài ngắn khác nhau. Tuy nhiên lũ trẻ bây giờ ít người mặc, chỉ những người trung tuổi và những người già thì vẫn mặc, họ mặc đi rừng, làm đồng, đi chợ...

Áo móc không chỉ che mưa che gió, áo móc còn giúp họ chống lại cái rét khắc nghiệt trên núi cao và cũng là đệm ngủ, chăn đắp cho họ vào những ngày mùa đông buốt giá.

Tóc giả

Người phụ nữ Hà Nhì khi lập gia đình đều sắm cho mình một mớ tóc giả bằng sợi màu đen. Trước đây họ mua sợi vải bông rồi nhuộn đen, nhưng bây giờ họ mua bên chợ Trung Quốc bằng sợi pha len, nên vừa nhẹ lại rất ấm. Tóc giả được tết lại, to bằng bắp tay, dài khoảng 2m, đuôi buộc thành búi bằng sợi màu xanh.

Theo Phú A Sì - trưởng thôn Xín Chải, xã Nậm Pung: Phụ nữ Hà Nhì đội tóc giả làm đẹp và giữ ấm cái đầu, tối ngủ làm gối hay quàng cổ cho ấm...Được biết phụ nữ Hà Nhì đội tóc giả còn nhiều lý do về phong tục tập quán mà tôi chưa kịp tìm hiểu...

Theo Lao Động (Thái Sinh)

Tin khác