Điều hành xuất khẩu nông sản: Cần thống nhất điều phối từng ngành hàng

08/09/2009

AGROINFO - Nguyên Bộ trưởng Lê Huy Ngọ trả lời phỏng vấn Thời báo Kinh tế Việt Nam về vấn đề điều hành xuất khẩu nông sản...

Ở nước ta, các hiệp hội chủ yếu mới chỉ tập hợp các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu, chứ chưa quan tâm đến đội ngũ nông dân trực tiếp canh tác làm ra nông sản. Nên hầu hết các hiệp hội mới chỉ đóng vai trò điều hành xuất khẩu, mà chưa điều hành được sản xuất sao cho sản lượng nguồn cung phù hợp với nhu cầu. Điều hành mỗi một ngành hàng nông sản ở nước ta hiện nay quá chồng chéo, nhiều bộ ngành chủ quản, nhưng lại dường như không có cơ quan nào làm “nhạc trưởng”: Chỉ đạo sản xuất là trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản là trách nhiệm của Bộ Công Thương, kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm lại thuộc về Bộ Y tế… Chính bởi vậy, mối liên kết giữa các khâu trong ngành hàng thường rời rạc, luôn gặp phải nhiều điều bất cập.

Làm tốt công tác điều hành xuất khẩu sẽ bảo vệ lợi ích của người sản xuất lẫn doanh nghiệp

Để mỗi ngành hàng nông sản phát triển bền vững, phải thống nhất quản lý theo ngành hàng, có thể giao quyền điều hành cho Hiệp hội hoặc Liên đoàn ngành hàng. Hiệp hội phải mang tính chuyên nghiệp chứ không thể mang tính phong trào, có quyền lực điều tiết trong tất cả các khâu: từ sản xuất, tiêu thụ, giám sát chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiệp hội không thể chỉ là của các doanh nghiệp, mà phải đại diện cho rất nhiều thành phần: Doanh nghiệp tiêu thụ nông sản, các cơ sở chế biến hàng nông sản, nông dân canh tác để tạo ra nông sản, các tổ chức làm dịch vụ tư vấn kỹ thuật canh tác, các hợp tác xã cung cấp vật tư và dịch vụ nông nghiệp, thương lái, thu gom, và đại diện chuyên trách ngành hàng của các bộ, ngành liên quan. Tức là, Hiệp hội phải có nhiệm vụ bảo vệ lợi ích cho cả người sản xuất, người chế biến, người kinh doanh, vì vậy phải hội đủ cả bốn nhà: Nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học. Hiệp hội là nơi nắm rất chắc về dự báo thị trường (cả trong nước và thế giới) từ đó khuyến cáo nông dân sản xuất với sản lượng phù hợp, tránh được tình trạng cung vượt quá cầu và ngược lại. Muốn vậy, Hiệp hội phải có đội ngũ chuyên gia không chỉ về thị trường mà còn có các chuyên gia trong các lĩnh vực: sản xuất, khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật để điều tiết quy mô sản xuất đạt hiệu quả cao. Mỗi khi có những xung đột xẩy ra trên thị trường tiêu thụ, thì Hiệp hội phải đứng ra bảo vệ lợi ích cho người sản xuất và người kinh doanh nước ta trên cơ sở pháp luật.

Tuy nhiên, Hiệp hội cũng không nên can thiệp quá sâu vào hoạt động của từng doanh nghiệp, nông dân, không nên áp đặt về sản lượng tiêu thụ cũng như giá cho từng doanh nghiệp. Các chỉ tiêu đưa ra để điều hành cho sản xuất, xuất khẩu chỉ nên là định hướng. Ở nước ta, một số hiệp hội do Nhà nước đặt ra, cử người của Nhà nước vào để lãnh đạo hiệp hội, nên nhiều khi vẫn xẩy ra tình trạng áp đặt như vậy, hoặc xẩy ra tình trạng quan liêu trong chỉ đạo ngành hàng. Nhà nước cần có chính sách khuyến khích thúc đẩy quyền tự chủ của hiệp hội, cũng như nông dân và các doanh nghiệp, sao cho sản xuất kinh doanh phải sát với cơ chế thị trường. Dĩ nhiên, ngành hàng vãn chịu sự kiểm soát của Nhà nước, điều tiết hoạt động xuất khẩu bằng chính sách thuế. Bên cạnh mục tiêu sản xuất kinh doanh, hiệp hội phải có trách nhiệm với Nhà nước và xã hội, như đảm bảo an ninh lương thực, ổn định cung cầu trong nước… Khi cần thiết, Nhà nước có thể yêu cầu các hiệp hội chỉ đạo dự trữ nông sản. Mỗi hiệp hội cần xây dựng một hệ thống dự trữ nông sản của ngành, vừa đảm bảo an ninh lương thực trong nước, vừa đảm bảo ổn định giá cả trên thị trường.

AGROINFO (Theo TBKTVN)


Tin khác