Đắk Nông: Doanh nghiệp thuê đất để ... mất gần 2.000 ha rừng

03/11/2008

Sau khi Lâm trường giải thể, UBND tỉnh đã ra quyết định thu hồi toàn bộ diện tích đất, rừng này giao cho 2 doanh nghiệp (DN) thuê đầu tư, triển khai dự án trồng rừng, cây công nghiệp và bảo vệ rừng. Tuy nhiên, chỉ gần 2 năm sau, toàn bộ diện tích rừng trong dự án thuê đất đã… biến mất. Và đến nay vẫn còn khoảng 2.000ha đất rừng “chết” vì chưa có hướng xử lý. Hai năm, biến mất... gần 2.000 ha rừng.

Qua tìm hiểu, chuyện phá rừng, lấn chiếm đất rừng làm rẫy đã “nóng” từ rất lâu tại các tiểu khu thuộc Lâm trường Quảng Thành quản lý, nhất là những điểm gần thị xã Gia Nghĩa, nơi giá đất nông nghiệp đang “sốt” lên từng ngày. Đặc biệt, ngay sau khi có thông tin Lâm trường này giải thể thì tình trạng chặt, phá rừng lại càng diễn ra nghiêm trọng.

Trước tình hình trên, ngày 2/12/2005, UBND tỉnh ra Quyết định số 1818/QĐ-CTUBND, Quyết định số 1819/QĐ-CTUBND, tạm giao nguyên trạng diện tích đất, rừng hiện còn là tiểu khu 1723 cho Công ty cổ phần Chế biến lâm sản- Xuất khẩu Thăng Long và các tiểu khu 1724, 1725, 1742 để Công ty Mỹ Thịnh Phát quản lý. Tại các Quyết định có nêu, ngoài việc thoả thuận đền bù, liên kết với dân lập dự án trồng cao su (trên phần đất bị người dân lấn chiếm) thì DN còn có trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng (phần diện tích rừng còn lại).

Tuy nhiên, sau gần 2 năm, các DN này không hề đả động gì đến chuyện triển khai dự án và đến tháng 4/2007 tỉnh ra Quyết định 509/QĐ-CTUBND thu hồi toàn bộ diện tích đất, rừng. Ngay khi thu hồi đất của các dự án, tỉnh đã giao cho UBND thị xã Gia Nghĩa phối hợp với các ban, ngành kiểm tra, xác minh lại diện tích đất cho thuê trước đây... Ngay sau khi kiểm tra, toàn bộ gần 2.000ha rừng do các dự án nhận quản lý của hai DN giờ chỉ còn lại khoảng 50ha, phân bố rải rác ở khu vực suối, khe dốc...

Ông Nguyễn Quang Vinh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thị xã Gia Nghĩa nhớ lại: “Sau khi hai DN tiếp nhận dự án, thì các đơn vị này chỉ triển khai được một vài cán bộ giữ rừng. Trong khi đó, đối với ngành kiểm lâm hiện cũng chỉ có một cán bộ địa bàn cắm chốt nên diễn biến phá rừng luôn diễn ra nghiêm trọng. Vào lúc cao điểm phá rừng ở đây, chúng tôi thường huy động đầy đủ lực lượng, tuy nhiên nhiều khi liên hệ với chủ rừng (là hai DN) lại không được...”

Thực tế, hiện rừng đã mất, nhưng để xác định trách nhiệm và đưa ra giải pháp triển khai sản xuất trên diện tích đất này vẫn còn phải chờ ý kiến của các cơ quan chức năng?

Còn... đất, rừng, nhưng “bí” cách giải quyết

Trao đổi về việc sử dụng quỹ đất vừa được tỉnh giao sau khi thu hồi của hai DN, Ông Võ Văn Hân, Phó Chủ tịch UBND thị xã Gia Nghĩa cho biết: “Ngay sau khi nhận quyết định giao đất của tỉnh, thị xã đã phối hợp với xã Đăk R’moan tiến hành đo đạc, thống kê diện tích đất, rừng được giao. Như đối với diện tích bị người dân xâm chiếm trước năm 2004, thì thị xã đã thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hơn 900 hộ gia đình với tổng diện tích gần 2.000 ha. Ngoài ra, thị xã đã giao khoán 50 ha rừng còn lại cho các hộ gia đình trong xã Đăk R’moan chăm sóc và bảo vệ. Tuy vậy, hiện vẫn còn khoảng 2.000 ha đất rừng bị người dân xâm chiếm sau năm 2004 thì UBND thị xã vẫn chưa có hướng giải quyết”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện có nhiều ý kiến đưa ra, mong muốn các ngành chức năng tiếp tục tạo cơ chế để thị xã cấp quyền sử dụng đất cho hộ dân nơi đây (trên phần đất rừng bị người dân xâm chiếm sau năm 2004)... Tuy nhiên, như quy định của tỉnh Đăk Nông, các địa phương chỉ có thể cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho những trường hợp xâm chiếm đất rừng từ trước năm 2004. Theo đó, việc đưa ra các ý kiến trên là không phù hợp với chủ trương chung của tỉnh và vô tình tạo tiền lệ xấu để người dân tiếp tục xâm chiếm đất rừng.

Trong khi đó, nếu tiếp tục để trống gần 2.000 ha đất rừng sẽ rất lãng phí tài nguyên và địa phương lại thất thu một nguồn thuế không nhỏ từ việc kinh doanh, sản xuất... Hiện quyền đã được giao toàn bộ về phía UBND thị xã Gia Nghĩa. Do đó, việc có thể chủ động phối hợp với các ngành, sớm đưa ra những phương án đầu tư, sử dụng quỹ đất phù hợp thực tế, đạt hiệu quả cao là trách nhiệm của chính quyền sở tại


(Nguồn: www.daknongbusiness.gov.vn)

Tin khác