Cây cao su Điện Biên, những điều ngẫm ngợi

30/12/2008

Sau nhiều ý kiến thảo luận, đóng góp, kỳ họp thứ 15 HĐND tỉnh khóa XII đã thông qua Nghị quyết về quy hoạch phát triển cây cao su và chính sách hỗ trợ phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh (giai đoạn đến năm 2020), với 45 đại biểu tán thành/47 đại biểu có mặt. Ai cũng biết, cao su là loại cây trồng mới, lần đầu tiên đưa vào trồng trên địa bàn tỉnh lại trồng với diện tích lớn, có tác động trực tiếp tới đời sống của người dân nên việc thảo luận, làm rõ hơn những vấn đề còn vướng mắc, tồn tại để chủ trương, chính sách nhanh chóng đi vào cuộc sống, thực sự có lợi cho dân là rất cần thiết. Xin ghi lại một vài ý kiến, những nghĩ suy của đại biểu HĐND tỉnh bày tỏ tại kỳ họp về nghị quyết này.

Cả một thời gian dài qua, việc tìm cây mũi nhọn cho kinh tế nông nghiệp tỉnh nhà vẫn rất bế tắc. Từ dự án cây trẩu, cây ten rồi cây quế đều rơi vào ngõ cụt khi không loại cây trồng nào trở thành cây mũi nhọn bền vững, giúp xóa đói giảm nghèo cho bà con nông dân. Năm nay, khi ký kết với Tập đoàn Cao su Việt Nam về việc triển khai trồng cao su trên địa bàn, lãnh đạo tỉnh đặt rất nhiều hy vọng về loại cây đa chức năng này. Rất nhanh chóng, chủ trương được ban hành rồi đề án quy hoạch, chính sách về cây cao su cũng lần lượt nghiên cứu, ra đời. Đặt ra rất nhiều vấn đề về triển khai đề án này, đại biểu Hà Quý Văn nguyên là Giám đốc Sở NN-PTNT - người gắn bó và am hiểu nhiều về lĩnh vực nông lâm nghiệp, nêu ý kiến: Việc triển khai trồng cây cao su ngay từ bước đầu đã ở diện rộng mà chưa có thử nghiệm là có phần mạo hiểm. Việc thực hiện đề án này đã quan tâm tới phong tục, tập quán của người dân trong chăn nuôi chưa (vì bà con thường có tập quán chăn thả chứ không chăn dắt nên dễ bị ảnh hưởng tới diện tích trồng cao su)? Trong diện tích 72.900ha đất quy hoạch trồng cao su chưa thể hiện rõ lấy diện tích đất rừng sản xuất, đất nương rẫy là bao nhiêu và diện tích đất trống, đồi núi trọc chiếm bao nhiêu? Theo diện tích quy hoạch, khảo sát thì phần lớn diện tích trồng cao su có độ cao từ 600 - 800m (chiếm 43,7%), trong khi đây cũng là diện tích nương rẫy sản xuất của người dân nên cần có giải pháp về đời sống cho nhân dân. Việc xử lý giao đất trồng cao su do cơ quan nào phải rõ: vì hiện nay việc giao đất đang chồng chéo, ví dụ đất thực hiện dự án 327 do huyện giao, đất trồng rừng theo dự án 661 do tỉnh giao còn đất trồng cao su do Sở NN-PTNT giao. Về việc góp cổ phần bằng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong đề án là người đại diện của nhóm hộ, cộng đồng phải xem xét lại vì việc đứng tên cổ đông này còn liên quan đến người thừa kế tài sản, phân chia lợi tức... Từ ý kiến này, đại biểu đề xuất khi trồng cao su xong rồi mới giao cho người dân quản lý, trông nom.

Cùng cách suy nghĩ như trên, đại biểu Vừ A Phía, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng, việc khảo sát, quy hoạch đất trồng cao su đã xem xét, tính đến những quy hoạch, đề án khác chưa, đặc biệt là đề án phát triển đàn trâu, bò thịt trên địa bàn tỉnh? Vì diện tích khảo sát, quy hoạch trồng cao su đã bao gồm luôn cả diện tích đồng cỏ cho đề án chăn nuôi trâu, bò thịt; khi ấy người dân sẽ chăn thả ở đâu, lấy nguồn thức ăn từ đâu cho đàn trâu, bò? Ông cũng nêu thêm ý kiến về việc khảo sát kỹ diện tích trồng cao su, tránh việc lấy đất vừa trồng rừng (tốn công sức người dân, tiền bạc của Nhà nước vì sẽ phải đền bù); đồng thời phải lưu ý đối chiếu với quy hoạch về vùng nguyên liệu cho dự án nhà máy gỗ ván dăm ở Tuần Giáo. Đại biểu Nguyễn Quốc Tuân (TX Mường Lay) thì băn khoăn về chính sách đối với người dân khi bị thu hồi đất trồng cao su kể cả khi trở thành cổ đông của Công ty Cao su. Vì theo ông, không phải ai cũng có kỹ thuật chăm sóc và thu hoạch mủ khi cây cao su cho khai thác, nên chắc chắn sẽ có một bộ phận người dân không có việc làm, không có thu nhập trong khi không có đất sản xuất.

Còn đại biểu Nguyễn Văn Lực (huyện Điện Biên) và đại biểu Trần Quốc Phú (Sở Tài nguyên - Môi trường) lại đề cập đến đề án cây cao su ở khía cạnh về tác động tới môi trường. Ông Lực cho rằng, trong bản quy hoạch phát triển cây cao su chưa thấy đề cập tác động môi trường, trong khi Chính phủ quy định việc triển khai các dự án cây trồng từ 100ha trở lên phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường? Dưới góc độ một nhà chuyên môn, đại biểu Trần Quốc Phú đề nghị phải xem xét tác động tới môi trường của cây cao su, vì thực tế khi cây cao su phát triển, khép tán thì thảm thực vật dưới tán cao su rất khó phát triển, còn khi rừng cao su xanh tốt, trưởng thành lại không hề có chim muông đến làm tổ, sinh sống. Từ hiện tượng nêu ra, ông đề nghị phải nghiên cứu đến việc ảnh hưởng tới nguồn nước, môi trường của cây cao su. Nhiều ý kiến tham gia góp ý vào đề án trồng cao su như: việc xây dựng chính sách chưa cụ thể, cần phải thực hiện triệt để phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra khi triển khai dự án này...

Tất cả ý kiến của các vị đại biểu HĐND đều nhằm hoàn thiện hơn bản quy hoạch, làm rõ những chính sách với người dân sao cho mỗi nghị quyết mà HĐND tỉnh ban hành phải là những chính sách có lợi cho dân, đảm bảo đời sống người dân. Là một loại cây trồng mới và ảnh hưởng lớn tới đời sống người dân nên những băn khoăn, trăn trở của đại biểu cũng là điều dễ hiểu như vị chủ tọa kỳ họp đã kết luận và đề nghị đại biểu cũng cần có quyết tâm để thực hiện cho được chủ trương này.


(Báo Điện Biên Phủ)

Tin khác