Tiềm năng kinh tế và tác động xã hội của cây cao su ở Tây Bắc

16/10/2009

AGROINFO – Cây cao su thích hợp với khí hậu nóng ẩm, nhưng bước đầu thử nghiệm tại Tây Bắc Việt Nam đã có những kết quả đáng ghi nhận. Nghiên cứu của IPSARD cho thấy những tiềm năng kinh tế và tác động xã hội của loại cây trồng này ở Tây Bắc…

Bối cảnh nghiên cứu

Trong thời gian qua, sản lượng cao su thiên nhiên nước ta tăng liên tục, đưa Việt Nam trở thành một trong 5 nước đứng đầu thế giới về sản xuất cao su. Năm 2007 tổng diện tích cao su cả nước là 549,7 nghìn ha (trong đó diện tích cho khai thác 373,3 nghìn ha), sản lượng ước đạt 601,7 nghìn tấn mủ khô (Tổng cục Thống kê, 2008). Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm cao su cũng liên tục tăng trong những năm qua, năm 2006 đạt 1,27 tỷ USD, năm 2007 đạt 1,4 tỷ USD và 2008 đạt 1,57 tỷ USD.

Cây cao su mang lại nhiều hiệu quả kinh tế

Cây cao su có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới nên thích hợp với vùng đất có nhiệt độ cao, đều, có độ cao tương đối thấp (dưới 600m), càng lên cao trồng cao su càng bất lợi do nhiệt độ giảm và gió mạnh. Do đó, diện tích trồng cao su hiện nay tập trung chính tại vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và một phần thuộc các tỉnh Duyên Hải Miền Trung. Tuy nhiên, tại các vùng trồng cao su truyền thống, quỹ đất để mở rộng diện tích trồng cao su không nhiều, hơn nữa phải cạnh tranh với các cây trồng khác như cà phê, hồ tiêu, v.v. nên khả năng tăng thêm diện tích cao su càng khó khăn.

Cây cao su là cây đa chức năng vừa cho mủ vừa lấy gỗ, vừa góp phần bảo vệ đất, chống xói mòn. Hơn nữa, cao su có thể sử dụng để thay thế cây rừng. Ngày 17/09/2008, Bộ NN và PTNN đã ký Quyết định số 2855 QĐ/BNN – KHCN về việc “Công bố việc xác định cây cao su là cây đa mục đích”. Theo quyết định này, cây cao su có thể được sử dụng cho cả mục đích nông nghiệp và lâm nghiệp. Đây là một quyết định quan trọng, mở ra cơ hội tăng diện tích cho ngành cao su để thay thế cho diện tích đất lâm nghiệp không hiệu quả.

Phát triển cao su ở các tỉnh Tây Bắc đã có sự thống nhất cao trong Đảng và chính quyền địa phương với quyết tâm phát triển cây cao su để góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hoá, hiệu quả và bền vững góp phần xóa đói giảm nghèo cho nông dân. Nhờ có những tiến bộ mới trong nghiên cứu giống cao su, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc (NOMAFSI) đã trồng thử thành công một số giống cao su trong điều kiện của các tỉnh miền núi phía Bắc. Bên cạnh đó, việc thành công trong phát triển cao su tại địa hình có độ dốc cao tại Vân Nam – Trung Quốc, nơi có điều kiện tương đối giống với vùng Tây Bắc nước ta, sẽ đóng góp những kinh nghiệm quí báu cho sự phát triển cây cao su ở các tỉnh Tây Bắc.

Kết quả trồng cao su các tỉnh Tây Bắc đến tháng 9 năm 2008 như sau (NOMAFSI, 2008):

Tỉnh Sơn La: 2.182,9 ha: Trong đó trồng mới năm 2008 là 2.112,9 ha. Diện tích trồng tại các huyện: Quỳnh Nhai 735 ha, Thuận Châu 548,2 ha, Yên Châu: 479 ha, Mường La: 332 ha và Mai Sơn: 88,7 ha.

Tỉnh Điện Biên: 900 ha (trồng năm 2008, tại huyện Điện Biên).

Tỉnh Lai Châu: 1.397,5 ha, trong đó năm 2008 là 800 ha. Diện tích các huyện: Phong Thổ: 597,5 ha, Sìn Hồ: 800 ha.

Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu, đánh giá về hiệu quả kinh tế xã hội của việc trồng và phát triển cao su Tây Bắc còn chưa được tổng kết đánh giá. Bên cạnh đó việc phát triển cao su tại khu vực này cũng cần tính đến những hạn chế như:

Địa hình chia cắt, độ dốc lớn, quy mô diện tích không tập trung, cơ sở hạ tầng nhất là hệ thống giao thông còn rất yếu kém sẽ hạn chế phát triển sản xuất quy mô lớn, đồng thời làm tăng chi phí sản xuất

Cao su là cây công nghiệp dài ngày, thời gian kiến thiết cơ bản tối thiểu là 6 năm, vốn đầu tư lớn (60 – 70 triệu đồng/ha), yêu cầu kỹ thuật trồng và khai thác phức tạp sẽ là thách thức to lớn đối với đồng bào dân tộc thiểu số với nguồn vốn đầu tư ít, tư duy canh tác tự cung tự cấp và kỹ thuật canh tác cao su hầu như không có

Mặt khác, sau một thời gian giá cao su liên tục tăng và duy trì ở mức cao (từ năm 2004 – 7/2008), từ tháng 8/2008 đến nay giá cao su giảm mạnh và dự kiến sẽ diễn biến phức tạp trong thời gian tới. Đây sẽ là thách thức lớn đối với vùng Tây Bắc để duy trì phát triển bền vững cao su trong thời gian tới.

Vân Nam là một tỉnh cận nam của Trung Quốc, có đường biên giới giáp phía bắc của Việt Nam. Nếu xét về vị trí thì khu vực Cảnh Hồng (thuộc khu tự trị Tây Song Bản Nạp – Mười hai bản Thái), nơi đã trồng cao su thành công của Vân Nam - nằm ở khoảng 21 độ vĩ bắc, tương xứng với các tỉnh như Điện Biên, Lào Cai…của Việt Nam, nơi các dự án trồng cao su cũng đang được tiến hành. Tuy nhiên vùng này ở ven sông Mê kông, có độ cao thấp hơn Điện biên, Lào cai. Do vị trí địa lý của hai vùng trên có nhiều điểm tương đồng nên về cơ bản những kinh nghiệm thành công trong việc phát triển cao su của Vân Nam, đặc biệt là tại Cảnh Hồng và vùng tự trị Tây Song Bản Nạp có thể được áp dụng có chọn lọc tại Việt Nam.

Ngành công nghiệp cao su tại Vân Nam được đặt nền móng chính thức từ những năm 1948 và gặp rất nhiều khó khăn thử thách do đây là vùng địa hình đồi núi dốc và khí hậu rất khắc nghiệt đối với sinh trưởng và tạo mủ của cây cao su. Trong những năm đầu tiên, giống cao su được sử dụng là giống lai của Malaysia (RRIM 600, PB 86, GT 1, PR 107). Cao su chết hàng loạt do thời tiết lạnh và khô tại vùng này. Năm 1978 chính sách nông nghiệp đã cho phép quay về với hình thức kinh tế hộ gia đình. Các chính sách giao đất, hỗ trợ vốn, hỗ trợ cơ sở vật chất, đào tạo nghề cao su và cùng với các biện pháp kỹ thuật nhằm nâng cao thích nghi của cây cao su, Trung Quốc đã xây dựng thành công vùng nguyên liệu cao su Vân Nam.

Tính tới năm 1986 vùng cao su Vân Nam đã đóng góp một phần sáu sản lượng cao su tự nhiên của Trung Quốc (vùng nguyên liệu cao su tự nhiên chính vẫn là Quảng Đông, Hải Nam). Tính tới năm 2007, diện tích cao su của Vân Nam đã là 362.000 ha với 50% đã cho thu hoạch. Sản lượng cao su khô là 291.000 tấn (chiếm 49% sản lượng của toàn Trung Quốc). Năng suất trung bình của của cao su Vân Nam là khoảng hơn1,6 tấn mủ khô/ha. Cùng với Hải Nam, hai vùng nguyên liệu này đã đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu cao su tự nhiên nội địa của Trung Quốc, phần nào giúp cho quốc gia này giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cao su tự nhiên nhập khẩu. Cao su đã đóng góp vào tăng thu nhập đáng kể cho nông dân trong vùng.

Ngoài những khó khăn về điều kiện khí hậu khắc nghiệt ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, vùng cao su Vân Nam cũng đã phải đối mặt với nhiều khó khăn về kinh tế xã hội, do đây là vùng địa hình hiểm trở, cơ sở hạ tầng kém, lực lượng lao động thiếu và trình độ thấp do chủ yếu là người dân tộc địa phương. Sự hình thành nên một vùng nguyên liệu tập trung kéo theo sự di dân và nhiều vấn đề an sinh xã hội. Tuy nhiên các đồn điền cao su cần được tổ chức tập thể mới có hiệu quả. Hơn nữa do lợi ích kinh tế nên việc phá rừng nhiệt đới trồng cao su đã gây ra việc suy giảm đa dạng sinh học nghiêm trọng, nên gần đây chính phủ Trung Quốc đã không cho mở rộng thêm diên tích cao su. Ngoài ra một số ảnh hưởng tiêu cực về môi trường cũng cần phải tính đến như suy giảm nguồn nước, xói mòn đất, thay đổi khí hậu. Về vấn đề xã hội cũng có thách thức về phân hóa thu nhập mạnh và bất ổn định xã hội tại địa phương. Cách thức Trung Quốc xây dựng và điều hành vùng cao su Vân Nam trong hơn 50 năm qua là một điển hình để dự án phát triển cao su Tây Bắc của Việt nam tham khảo.

Ngay trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển cao su Tây Bắc, cần có một nghiên cứu toàn diện, đúc rút các kinh nghiệm quốc tế, kết hợp với những phân tích hiệu quả kinh tế - xã hội để đưa ra các phương án phát triển tối ưu cho cây cao su tại các tỉnh vùng Tây Bắc. Kết quả của nghiên cứu sẽ là cơ sở để đưa ra những khuyến nghị chính sách nhằm phát triển cao su đem lại hiệu quả cao nhất trên tất cả lĩnh vực kinh tế - xã hội, đảm bảo phát triển bền vững ngành cao su nước ta.

Mục tiêu nghiên cứu

Đồng thời tác động làm thay đổi tập quán sản xuất của người dân

Mục tiêu tổng quát của nghiên cứu là đánh giá tiềm năng kinh tế và tác động xã hội của việc phát triển cây cao su đến đời sống kinh tế - xã hội của người dân khu vực miền núi Tây Bắc. Để đạt được mục tiêu trên, nghiên cứu này hướng tới các mục tiêu cụ thể sau:

1. Tổng kết kinh nghiệm thành công, thất bại và thách thức trong sản xuất cao su vùng Vân Nam, Trung Quốc (bao gồm các đánh giá về tình hình giống, công nghệ và kỹ thuật canh tác, phương xen canh, khả năng thích ứng điều kiện tự nhiên, phương thức tổ chức sản xuất, hiệu quả sản xuất, thị trường…)

2. Tổng quan các chính sách hỗ trợ và quản lý phát triển cao su tại Vân Nam, Trung Quốc (bao gồm các chính sách hỗ trợ sản xuất của chính phủ, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, chính sách an sinh xã hội, chính sách phát triển vùng biên giới v.v.)

3. Rà soát các chính sách đầu tư và hỗ trợ phát triển cao su Việt Nam, đặc biệt chú trọng các chính sách dành riêng cho phát triển cao su vùng Tây Bắc

4. Đánh giá khả năng phát triển cây cao su trong điều kiện tự nhiên vùng Tây Bắc

5. Đánh giá tiềm năng kinh tế của các phương thức canh tác cao su vùng Tây Bắc, so sánh tiềm năng kinh tế của cây cao su với các cây trồng khác trong vùng

6. Đánh giá các tác động xã hội của việc phát triển cao su vùng Tây Bắc (tác động đến văn hóa bản địa, phương thức canh tác, tư duy sản xuất, tư duy kinh tế, v.v. của người dân tộc thiểu số tại khu vực; tác động của tình trạng thất nghiệp, di cư tự do đến địa bàn làm công nhân nông trường v.v.)

7. Mô phỏng trên bản đồ tiềm năng phát triển và khả năng tác động của phát triển cao su đến đời sống kinh tế - xã hội của các tỉnh Tây Bắc

8. Các đề xuất chính sách để phát huy tối đa hiệu quả của phát triển cao su đến đời sống kinh tế, xã hội các tỉnh miền núi Tây Bắc

AGROINFO (Trích đề cương nghiên cứu. TS Nguyễn Anh Phong chủ nhiệm đề tài)


Tin khác