Lao động nhập cư: thiếu việc làm, giảm thu nhập

19/10/2009

AGROINFO - Khảo sát nhanh này cho thấy người lao động nhập cư đang đối mặt với tình trạng giảm thu nhập, nhiều người lao động nhập cư tại các làng nghề và khu công nghiệp được khảo sát đang quay lại quê nhà.

Tin liên quan:

>> Tác động của khủng hoảng tài chính đối với doanh nghiệp và người lao động

Họ và làng quê họ, nơi đã từng hưởng lợi từ tiền gửi về do làm thuê, đang gánh chịu nhiều nhất những tác động trước mắt của khủng hoảng kinh tế. Xu thế và hướng đi của lao động di cư trong nước và mối liên kết nông thôn - thành thị là những chỉ số quan trọng cần được sử dụng để tiếp tục theo dõi tác động xã hội của khủng hoảng kinh tế trong thời gian tới.

Thu nhập của những người làm thuê theo ngày trong thành phố đang bị giảm sút, do có ít việc hơn so với 1 năm trước đây, nhất là công việc trong lĩnh vực xây dựng vốn trước đây là nguồn việc chính của họ. Hơn nữa, có thêm sự cạnh tranh từ các công ty dịch vụ làm các công việc vệ sinh nhà cửa, vận chuyển đồ đạc, bốc xếp hàng hóa cũng làm giảm cơ hội có việc làm của người lao động trong đó có phụ nữ.

Những người lao động đã làm ở các “chợ lao động” tại Hà Nội từ nhiều năm nay cho biết tiền công ngày tại thời điểm cuối 2008 đã tăng 10-20% so với thời điểm cuối 2007 do tăng giá cả sinh hoạt. Tuy nhiên, tính trung bình số ngày có việc làm trong tháng đã giảm khoảng 50% trong cùng giai đoạn. Người lao động được phỏng vấn cho biết nếu trong năm 2007 họ có thể có việc làm 20 ngày/tháng thì đến cuối 2008 họ chỉ có việc làm khoảng 10 ngày/tháng, trong đó số ngày làm các công việc xây dựng giảm khoảng 70%, các công việc khác như khuân vác, chuyển đồ, thu dọn vệ sinh… giảm khoảng 30%. Tiền tiết kiệm hàng tháng trung bình giảm khoảng 30-50% trong 1 năm qua. Một số người lao động cho biết từ sau Tết năm nay đến giờ họ không nhận được công việc xây dựng nào, do đó thiếu tiền để trả cho các chi phí cuộc sống tối thiểu tại thành phố.

Chợ đêm Long Biên, nơi kiếm cơm của nhiều lao động ngoại tỉnh. Nhưng trong cơn khủng hoảng, thiếu việc làm xẩy ra thường xuyên. Ảnh KG

Giảm thu nhập và giảm khoản tiền gửi về nhà, cộng thêm chi phí cuộc sống gia tăng, đã ảnh hưởng tiêu cực đến chi tiêu hàng ngày của gia đình họ, có nguy cơ ảnh hưởng đến việc học hành của con cái ở quê nhà. Một chị phụ nữ quê ở huyện Phúc Thọ (Hà Tây cũ, nay thuộc Hà Nội) đang đứng chờ việc cho biết “Đồng tiền bây giờ mất giá. Tết năm ngoái giá gạo chỉ 5 – 7 nghìn đồng mà nay đã tăng hơn 10.000 đồng/1 cân. Khó khăn nhất là tầm vừa ra Tết, không có tiền, ít việc… Bình thường thì một tháng mua thịt khoảng 3-4 lần. Nhưng ra Tết đến giờ không có việc mấy nên con cũng chưa được bữa thịt nào. Tiền đi làm về được ít chỉ đủ mua cho con ít đậu ăn, rồi mua thêm ít mỡ, đun lên lấy nước xào rau, rán đậu, còn tép mỡ để cho con ăn cũng được…”. Một phụ nữ khác quê ở Nghệ An, ra Hà Nội chờ việc cùng với chồng, giải thích thêm “Nếu hai vợ chồng không có dư tiền để gửi về gia đình như tình trạng từ ngày 10 Tết đến nay thì có nhiều khả năng đứa con thứ hai cũng phải nghỉ học để lên đây đi giúp việc cho hộ gia đình nào đó để cầm cự nuôi hai đứa nhỏ học tiếp”.

Mặc dù vậy, người lao động công nhật chưa bị thất nghiệp hoàn toàn, nhờ vào sự giúp đỡ nhau của những người cùng cảnh (nhờ có mối quan hệ xã hội rộng). Họ thường đi làm theo nhóm những người cùng quê, sẵn sàng nhận việc để nhiều người cùng làm và chia đều tiền công (kể cả khi thu nhập mỗi người sẽ ít đi). Họ có thể vay mượn nhau những khoản tiền nhỏ lúc khó khăn không có việc.

Trong giai đoạn khó khăn, việc phân biệt loại công việc theo giới tính không thể hiện rõ. Phụ nữ cũng tham gia làm một số việc ‘nặng’ thường do nam giới làm, và ngược lại. Trong một nhóm lao động thường có cả nam và nữ, và họ chia tiền đều nhau sau khi xong việc. Tuy nhiên, tác động giới khác nhau chưa được tìm hiểu kỹ do giới hạn của cuộc khảo sát nhanh.

Khảo sát tại 5 “chợ lao động” chính tại Hà nội cho thấy khoảng 70% người lao động là người đứng tuổi đã có gia đình đến từ những vùng nông thôn nghèo, học vấn và tay nghề thấp. Họ là người kiếm tiên chính cho gia đình. Làm công việc chân tay ở “chợ lao động” là lựa chọn chính của họ để kiếm thêm thu nhập trong thời gian nông nhàn. Do vậy, họ sẽ tiếp tục bám trụ lại thành phố, kể cả thu nhập và tiết kiệm giảm hơn trước do tác động của khủng hoảng kinh tế. Một bác nam giới đứng chờ việc ở chợ Bưởi cho biết ““Chúng tôi là thu nhập chính của gia đình, ở nhà vợ con chỉ chăn nuôi 2-3 con heo, bán được có vài trăm nghìn… còn chủ yếu vẫn phụ thuộc tiền của chồng gửi về nhà. Thế nên việc ít tiền hay nhiều tiền cũng phải làm thôi. Một số người có thể ở nhà một thời gian rồi lại ra thành phố tìm việc. Một nam lao động khác ở chợ Bưởi giải thích ““trình độ hạn chế, đất ruộng ít, không có nghề nghiệp thì chỉ còn cách bám vào công việc này thôi, chứ về nhà thì biết làm gì. Giờ về quê thì chỉ ngồi nhìn nhau, lấy tiền đâu để sống”.

Khoảng 30 % còn lại là thanh niên trẻ chưa lập gia đình (có một số sinh viên), họ làm công việc tạm thời này để kiếm một số tiền tiết kiệm đi tìm cơ hội học nghề, kiếm việc khác tốt hơn hoặc đi miền Nam. Tình hình khủng hoảng kinh tế hiện tại khiến cho chiến lược kiếm sống này có thể khó thực hiện được.

Một số lao động chờ việc có thể kiếm nhiều việc hơn những người khác trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay. Những người lao động tham gia thảo luận nhóm cho biết một số người đứng chờ việc “chuyên nghiệp” có mang theo xe máy và có cả điện thoại di động (dù là đồ cũ giá trị thấp) có cơ hội nhận nhiều việc hơn từ những mối khách hàng quen hoặc đến nhà chủ thuê việc nhanh hơn những người khác đi xe đạp hoặc đi bộ.

AGROINFO (Theo Báo cáo kết quả bước đầu khảo sát nhanh tác động của khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu đến người lao động và doanh nghiệp Việt Nam)


Tin khác