Những “gánh nặng” giáo dục miền núi!

20/10/2009

AGROINFO - Nhìn chung, mỗi xã có 1 trường tiểu học và trung học cơ sở. Một số xã có trường mầm non. Đa số trường tiểu học ở xã, bản miền núi còn rất thô sơ và thiếu thốn về cơ sở vật chất, đồ dùng giảng dạy và học tập, thiếu giáo viên.

Đến thăm 1 trường tiểu học của xã Mường Pồn, huyện Điện Biên cho thấy:

Trường có 3 gian lớp học, trong đó 2 gian được xây kiên cố nhờ nguồn vốn 135 giai đoạn I, vẫn còn 1 gian lớp học tạm bằng tranh tre, xiêu vẹo. Cả trường có khoảng 30 học sinh, trong đó lớp 1 và lớp 2 có11 học sinh, lớp 4 và 5 cũng có số học sinh tương tự. Nhưng lớp 3 chỉ có 7 học sinh.Trường không có ban giám hiệu, chỉ có 3 cô giáo, 1 cô giáo kiêm trưởng nhóm của trường.

Chỉ có 20% học sinh được phát không sách giáo khoa mới, còn lại là sử dụng sách giáo khoa cũ do cô giáo tự liên hệ xin từ các trường khác.

Học sinh thường xuyên nghỉ học vào ngày cuối tuần, ngày thứ sáu, sĩ số của cả 3 lớp chỉ có 24, vắng 6 em, lý do là nghỉ làm việc cho bố mẹ (làm nương rẫy, đi nhặt hạt dẻ để bán, đi làm thuê, bán hàng-giới thiệu cho khách du lịch ở các điểm du lịch). Những trường hợp này thường nghỉ học từ rất sớm, hầu hết chỉ học hết tiểu học. Bố mẹ các cháu cho biết, họ biết là không cho con học là đời nó sẽ khổ, nhưng do gia đình quá khó khăn, không có tiền cho con đi học.

Đối với các đối tượng là hộ nghèo nhất của bản mà chúng tôi có dịp trao đổi, thì vẫn phải nộp tiền đóng góp cho trường (ngay cả ở cấp tiểu học). Ngay khi xem xét trên hầu hết các sổ liên lạc giữa nhà trường và cha mẹ học sinh, các ý kiến cha mẹ đều phản ánh là xin hoãn nộp tiền, chưa có tiền nộp. Ngay cả đối với gia đình trưởng bản, là gia đình có khả năng kinh tế tốt nhất so với các hộ còn lại trong bản, thì bố mẹ và các cháu đều có lựa chọn là chỉ ưu tiên đầu tư nuôi cho 1 hoặc 2 đứa con đi học cấp 3 trên huyện, và học cấp cao hơn ở tỉnh, Còn lại là cố gắng chỉ học hết cấp 2 là tình nguyện ở nhà làm việc giúp bố mẹ kiếm tiền. Đối tượng có con đi học Đại học chỉ nằm trong nhóm con cái của các hộ cán bộ, hoặc các chủ doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn.

Ở huyện chỉ có một trường cấp 3. Gia đình nào có con học cấp 3 trên huyện ngoài lo gạo để ăn, còn phải lo tiền học phí, tiền ở trọ cho các cháu. Tiền ăn và tiền ở cho mỗi cháu ít nhất là 300.000 đồng/tháng. Đối với các hộ trung bình khá, đây đã là một khoản tiền tương đối nặng gánh, do đó hộ nghèo sẽ hầu như không có khả năng theo nổi.

Thanh niên đến tuổi lao động, do không có trình độ, địa phương không có nghề, nên hầu hết rơi vào tình trạng thất nghiệp, không có việc làm, bị kẻ xấu lôi kéo rơi vào nghiện ma túy (hít và tiêm chích heroin), rồi dần trở thành lực lượng buôn bán ma túy vận chuyển từ Lào sang. An ninh trật tự xã huyện bị ảnh hưởng.

Ý thức lao động địa phương rất hạn chế. Đa số bà con dân tộc sống và làm việc theo kiểu tự phát, không có thói quen tuân thủ thời gian làm việc, vì vậy không đáp ứng được các yêu cầu của các nhà máy sản xuất trong vùng. Lao động địa phương vẫn thất nghiệp, trong khi đó, các nhà máy vẫn phải chịu tốn kém để thuê lao động từ dưới xuôi lên làm việc.


Tin khác