Giám sát nông hộ: Thiếu vốn, thiếu chủ động nên nông dân thiệt thòi

26/10/2009

AGROINFO - Trong Hệ thống giám sát nông hộ được RUDEC/IPSARD thực hiện, các cán bộ nghiên cứu sẽ định kỳ thực hiện việc giám sát và thu thập số liệu từ các nông hộ. Chuyên gia Nguyễn Đình Chính (Bộ môn Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách) vừa thực hiện chuyến thực địa tại Đăk Lắk đã có buổi đối thoại cùng AGROINFO xung quanh chuyến đi này.

-Xin ông cho biết hiện nay hệ thống giám sát nông đang vận hành như thế nào?

- Hệ thống giám sát nông hộ được thực hiện thông qua các biểu mẫu có sẵn, ghi rõ các chỉ tiêu thu thập: về thu nhập của hộ trong ngày, các loại chi tiêu, mức độ, chi phí cho sản xuất nông nghiệp, rủi ro trong sản xuất….

Chúng tôi giao cho mỗi hộ gia đình mà dự án giám sát một cuốn sổ có các bảng biểu cụ thể. Hằng ngày họ sẽ ghi chép số liệu theo đúng các mục có sẵn và các thông tin bổ sung. Tại địa phương thực hiện giám sát, chúng tôi xây dựng hệ thống cộng tác viên, là những cán bộ cơ sở, cán bộ các đoàn thể xã hội. Những người này sẽ có trách nhiệm giám sát, hướng dẫn các hộ ghi chép số liệu.

Cứ 4 đến 6 tháng, cán bộ dự án sẽ đi thực địa 1 lần để thu thập và tập hợp số liệu từ nhiều hộ được giám sát. Số liệu này sẽ được nhập vào phần mềm và chuyển ra cho bộ phận xử lý, phân tích…

Chuyên gia Nguyễn Đình Chính

- Trong lần thực hiện việc giám sát và thu thập số liệu này, ông thấy hoạt động của nông hộ tại Đắk Lắk có gì thay đổi nổi bật?

- Nhìn chung thì các số liệu và chỉ tiêu thu thập biến động thường xuyên. Nhưng năm nay ở Đắk Lắk có điểm nổi bật là nông dân mất mùa “không đồng đều” do cơn bão vừa rồi. Nhìn chung sản lượng sẽ giảm ước chừng 15% đến 20%, có những gia đình mất trắng.

Nhưng cũng có những gia đình thu hoạch được lúa trước khi có bão, mùa màng ổn định. Đó là do họ chủ động được nước tốt hơn, vào vụ lúa sớm hơn và tránh được bão. Trong khi đó, những người phải đợi và gieo cấy muộn thì bão vào mà chưa kịp thu hoạch.

Ở đây, tuy thiếu nước tưới cho trồng trọt nhưng lại là vùng trũng. Vì thế, đến khi lũ về, nước sông dâng cao thì không thể thoát nước được. Nước được cung cấp bởi những hồ thủy lợi nhỏ, rất khan hiếm. Còn việc tưới tiêu cho chủ yếu chỉ tập trung cho cây cà phê, không thể dành cho cây lúa….

- Vậy việc mất mùa như thế có ảnh hưởng đến đời sống, chi tiêu, thu nhập… của nông hộ được giám sát.

- Điều này đã ảnh hưởng đến các nông hộ ngay trong năm nay, đồng thời sẽ ảnh hưởng đến cả năm sau. Đắk Lắk chỉ sản xuất được 50% nhu cầu lúa gạo. Mỗi vụ, người dân phải dự trữ ăn cho đến vụ sau. Như vậy, năm nay sẽ có nhiều hộ không tự sản xuất được gạo, phải chờ vào nguồn khác.

Đợt mưa vừa rồi rất tốt cho cà phê phát triển. Tuy nhiên, nếu đến tháng 12, cà phê có hoa mà gặp mưa thì lại tiếp tục hứng chịu mất mát.

- Trong điều kiện thiên tai như thế, người nông dân ở đây có được hỗ trợ gì không thưa ông?

- Dù là có thiên tai, thiệt hại, nhưng nó chỉ ở trên diện hẹp, nên không có chính sách hỗ trợ nào riêng. Nhưng các chính sách chung ở đây cũng không phát huy hiệu quả. Đơn cử chính sách cho vay hỗ trợ lãi suất trong gói kích cầu, chính sách chung là vậy, nhưng trên thực tế người dân rất khó tiếp cận nguồn vốn ưu đãi này. Đơn giản là ngân hàng không mặn mà với việc cho nông dân vay, vì khó thu hồi vốn. Vì thế, có những hộ gia đình muốn đầu tư mua máy gặt đập liên hợp để đi làm dịch vụ, nhưng không tiếp cận được vốn vay, họ không thể làm nổi.

- Xin cảm ơn ông về cuộc đối thoại hữu ích này

AGROINFO (thực hiện)

Tin khác