Cơ giới hoá sau thu hoạch lúa vùng ĐBSCL

28/10/2009

AGROINFO: Đề tài nghiên cứu "Nghiên cứu chính sách khuyến khích, thúc đẩy đầu tư cơ giới hoá thu hoạch lúa ở Đồng bằng Sông Cửu Long” đã nhận được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu khoa học. Trong suốt quá trình nghiên cứu, đề tài cũng tham gia góp phần vào sự hình thành nghị quyết 497 của chính phủ về cơ giới hoá nông nghiệp nông thôn. TS Dương Ngọc Thí ( Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp -Nông thôn) đã có buổi trao đổi với chúng tôi về đề tài này.

Thưa Ts, ông đánh giá như thế nào về vị trí của cây lúa trong sản xuất nông nghiệp ở Đồng bằn Sông Cửu Long hiện nay (ĐBSCL)?

Nước ta có 2 vùng sản xuất lúa chính là Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) và Đồng bẳng sông Cửu Long. Hiện nay, diện tích đất nông nghiệp của ĐBSCL là 4 triệu ha, trong đó có 2,5 triệu ha là đất trồng lúa. Hàng năm, sản lượng lúa trung bình ước đạt 18,5 triệu tấn. Theo ước tính, năm 2009, con số này là 19 triệu tấn. Hơn 90% lượng lúa gạo xuất khẩu là từ ĐBSCL. Vì thế khu vực này có vai trò hết sức quan trọng với nông nghiệp nói chung, với ngành sản xuất lúa nói riêng của nước ta.

Hơn nữa, ĐBSCL có nhiều vùng sản xuất lúa tập trung, liền bờ, liền khoảnh. Các hộ sản xuất có quy mô lớn hơn, tập trung hơn vùng ĐBSH. Có những mô hình trồng lúa với diện tích hàng trăm ha. Do đó, ở đây, nhu cầu, điều kiện thực hiện cơ giới hoá lớn hơn.

TS Dương Ngọc Thí, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược
Phát triển Nông nghiệp -Nông thôn

Ông thấy thực trạng việc trang bị cơ giới hoá cho sản xuất lúa ở ĐBSCL hiện nay như thế nào?

Trong canh tác lúa, có nhiều khâu có thể thực hiện cơ giới hoá như khâu làm đất, gieo cấy, chăm sóc (máy bơm nước, phun thuốc diệt cỏ), thu hoạch (gặt, tuốt, máy sấy, bảo quản)…

Hiện nay, khâu làm đất có 95 – 97% làm bằng máy; đập, tuốt lúa bằng trục dọc, 97% dùng máy. Với khâu phơi sấy lúa, mới chỉ có 1/3 sử dụng máy móc. Đặc biệt, với việc thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp, con số này còn rất hạn chế. Theo Báo cáo của Hội cơ khí nông nghiệp Việt Nam, tính đến cuối năm 2008, ĐBSCL mới có hơn 1.000 máy gặt đập liên hợp. Với số lượng này, chỉ có thể đáp ứng được 1 – 2 % diện tích lúa. Hiện khu vực này cần khoảng 200.000 máy gặt đập liên hợp thì mời đáp ứng đủ nhu cầu.

Nhiều nghiên cứu thời gian gần đây lên tiếng báo động về tổn thất sau thu hoạch lúa ở ĐBSCL. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này? Theo ông, máy gặt đập liên hợp có vai trò gì trong việc giảm thiểu tổn thất này?

Theo đánh giá chung, tỷ lệ thất thoát trong khâu thu hoạch lúa ở ĐBSCL ở vào mức 11 – 13 %, trong đó khâu gặt chiếm tới 4 – 5%. Nếu gặt bằng tay, thất thoát ở mức 5%. Trên tổng diện tích lúa là 2,5 triệu ha, chúng ta mất đi 125.000 ha mỗi năm do tổn thất sau thu hoạch này. Trong khi đó, theo Viện Kỹ thuật nghiên cứu, nếu sử dụng máy gặt đập liên hợp, tổn thất chỉ còn là 1%, giảm được 4%. Với cách làm này, có thể tiết kiệm được 3,5 tỷ mỗi năm.

Mặt khác, ở ĐBSCL, nếu thu hoạch thủ công thì giá nhân công rất cao. Từ 30.000 đồng/ ngày công, tăng lên 70.000 đồng/ ngày công, đến 100.000 đồng/ ngày công, và nhiều thời điểm mức giá này là 150.000 đồng/ ngày công. Để thu hoạch 1 ha lúa, phải tốn từ 2 – 3 triệu đồng nếu gặt thủ công. Với tình trạng trên, nếu đưa máy vào thì tiết kiệm được nhân công, giảm chi phí, và đảm bảo thu hoạch kịp thời.

Hiện nay, chính sách của Nhà nước với việc đầu tư cơ giới hoá như thế nào?

Nhà nước đang có chủ trương, chính sách để đến 2020 đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Công nghiệp hoá, hiện đại hoá đang được Đảng, Nhà nước ta hết sức quan tâm. Tuy nhiên, đến cuối năm 2004 thì mới có chính sách cụ thể đối với việc thu hoạch lúa, khi Thủ tướng chính phủ yêu cầu địa phương thực hiện các chính sách hỗ trợ vay vốn để nông dân mua và trang bị máy móc. Từ năm 2006 đến này, Tổng Công ty máy động lực, máy nông nghiệp, ngân hàng nhà nước….đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho nông dân vay vốn đầu tư máy móc cho thu hoạch lúa.

Các tỉnh thì áp dụng các chính sách khác nhau, tùy đặc điểm từng địa phương. Có nơi mức vay là 70%, có tỉnh lại cao hơn hoặc thấp hơn. Thời gian vay dao động tầm 3 đến 5 năm hay nhiều hơn. Một số tỉnh áp dụng mức vay giới hạn là 30 triệu đồng…

Với mức hỗ trợ như thế, nhiều địa phương đã đưa máy móc vào ruộng đồng, gồm nhiều loại máy, nhất là máy tuốt và máy làm đất.

ĐBSCL không phải là tỉnh đi đầu trong phong trào cơ giới hoá này.

Vì thế, giữa năm 2008, nhóm tác giả đề tài “Nghiên cứu chính sách khuyến khích, thúc đẩy đầu tư cơ giới hoá thu hoạch lúa ở Đồng bằng Sông Cửu Long” quyết định triển khai đề tài này, nhằm tạo cơ sở đề kiến nghị các chính sách thu hút đầu tư cho cơ giới hoá ĐBSCL.


Thưa ông, mục đích nghiên cứu của đề tài này là gì?

Đề tài có 3 mục tiêu nghiên cứu chính:

- Thứ nhất, là cơ sở khoa học để khuyến khích đầu tư, thúc đẩy cơ giới hoá ĐBSCL.

- Thứ hai, đưa ra các kiến nghị về những chính sách cơ bản, toàn diện, quan tâm đến tất cả các khâu, các đối tượng hưởng lợi từ việc sử dụng máy móc cho cơ giới hóa.

- Thứ ba, đề tài quan tâm đến hệ thống chính sách gồn:

+ Chính sách hỗ trợ tín dụng

+ Chính sách thúc đẩy nghiên cứu máy móc

+ Chính sách đầu tư sản xuất máy nông nghiệp

+ Chính sách thương mại

+ Chính sách quy hoạch đồng ruộng

+ Chính sách đầu tư giữa các nhóm hộ nông dân

Xin cảm ơn ông vì buổi trao đổi này. Hi vọng đề tài sẽ thực hiện thành công, thu được kết quả khả quan.

AGROINFO


Tin khác