Nông dân Văn Yên không chờ chợ

03/12/2009

AGROINFO - Văn Yên là huyện thuần nông, vùng thấp của tỉnh miền núi Yên Bái. Sản xuất lúa gạo ở đây chủ yếu chỉ đủ tiêu thụ trong gia đình. Ngoài ra, ngô, sắn là hai loại nông sản chủ yếu của huyện Văn Yên.

Trao đổi với bà con trong xã được biết 1/3 sản lượng ngô sản xuất tiêu thụ tại chỗ, còn lại khoảng 2/3 sản lượng là bán ra thị trường. Ngô đang là nông sản hàng hóa bán chạy cho các doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi ở dưới xuôi lên thu mua.

Mối hàng – mắt xích quan trọng nối thị trường

Nhìn chung, bà con sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, vì vậy hoạt động thương mại nông sản còn phụ thuộc nhiều vào mạng lưới hộ tư thương thu gom. Hộ tư thương chính là các hộ trong xã, tuy nhiên có điều kiện hơn về vốn, phương tiện vận chuyển. Nếu bán tại hộ, giá bán ngô là 3500 đồng/kg, trong khi nếu chở ra chân doanh nghiệp chế biến gần nhất, sau khi bù trừ chi phí xăng, xe, phần thu nhập thêm cũng chỉ nhích hơn chút ít từ 100-200 đồng/kg, vì vậy lựa chọn của nhiều hộ dân là bán ngay tại hộ cho thương lái.

Kho tạm trữ ngô của hộ thu gom
Chính nhờ vậy mà ngay tại huyện miền núi này, lực lượng hộ thu gom đang phát triển ngày càng đông hơn về số lượng. Trao đổi với cán bộ nông nghiệp huyện, hiện có khoảng 1/10 số hộ của cả huyện hiện đang kinh doanh hình thức này, vừa làm nông nghiệp, vừa làm thêm thu gom nông sản, một số hộ đảm trách luôn là nhà cung ứng vật tư đầu vào sản xuất phân bón trong vùng. Đầu vụ thì ứng vật tư cho hộ sản xuất, cuối vụ thu hoạch đến thu sản phẩm và thanh toán bù trừ chi phí vật tư ứng trước.

Đến vụ thu hoạch, tư thương thu mua ngô và trữ trong kho tạm. Lượng trữ lượng đạt đến mức khoảng 15-20 tấn, thì các nhà máy đến gom hàng tại hộ. Các nhà máy từ các tỉnh khác nhau: doanh nghiệp của thành phố Yên Bái, và các tỉnh khác: Vĩnh Phúc, Thái Bình. Kho trữ của hộ thu gom ngô cũng chỉ rất khiêm tốn về diện tích, trang thiết bị, thực chất nó chỉ là một nhà kho tạm. Giá thu mua của nhà máy tại hộ thu gom 3700-3800 đồng/kg. Vào vụ thu hoạch rộ ngô, nếu hoạt động hết công suất, bình quân chỉ từ 3-4 ngày một hộ thu gom đầu mối có thể thu gom được 15-20 tấn hàng, vừa đủ một chuyến để giao hàng cho các xe công ty về gom hàng. Cứ như vậy, mỗi lần giao hàng hộ mối thu được bình quân được 1,5 – 2 triệu đồng/1 chuyến hàng nông sản. Khoản thu này bằng mức lương cả tháng một lao động nông thôn đi làm lao động xây dựng, phụ nề, thợ xây, mức lương bình quân cũng chỉ 1,5 triệu/tháng.

Điều gì quyết định lưu thông hàng hóa miền núi?

"Đường" đến chợ của nông dân Văn Yên vẫn còn xa
Trong địa bàn một huyện, có thể có nhiều hộ làm thêm đi thu gom nông sản, nhưng cũng chỉ một số hộ có lợi thế đặc biệt trong khâu tiêu thụ này để có thể trở thành mối hàng lâu dài của các công ty đến thu mua hàng. Thông thường các hộ mối hàng phải là các hộ thu gom có kho phải có vị trí thuận lợi về đường giao thông: phải có đường ô tô vào tận cửa kho, và là đường giao thông đảm bảo thông suốt được 4 mùa, đường trải đá dăm, hoặc đường cấp A nông thôn. Ở các vùng miền núi, nếu đường giao thông dạng đường dân sinh hoặc cấp phối, chỉ cần 1 trận mưa thì các hoạt động giao thông sẽ gần như bế tắc, ngay cả xe máy cũng khó hoạt động được bình thường.

Hiếm có hộ dân có chiến lược bán ngô tại chợ nông thôn. Mặc dù giá bán ngô tại chợ thì cao hơn hẳn giá bán ngô tại hộ, khoảng 4.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá bán ngô tại hộ chỉ đạt khoảng 3.500 đồng/kg. Hiện trạng chợ nông thôn còn rất yếu. Cả huyện có tổng số 26 xã, 1 thị trấn. Trong đó mới chỉ có 16 chợ, trong đó chỉ có 1 chợ đã xây ở thị trấn, còn lại 15 chợ tranh tre, đây hầu hết là các điểm tự phát dân cư đã tụ họp chợ, nhưng chưa hình thành chợ và chưa được đầu tư hạ tầng. 10 xã chưa có chợ: Xã La Hầu, Sông Tầm, Phong Dụ Thượng, Phong Dụ Hạ Mỏ hà, Viến Sơn, hoàng thắng, Yên Hợp, Yên Thái, Mậu Đông, Hoài An. Huyện Văn Yên nói riêng và tỉnh Yên Bái đã có quy hoạch phát triển chợ nông thôn, trong đó xác định rõ quy mô và nhu cầu đầu tư, tuy nhiên đang chờ đợi các nguồn vốn đầu tư trợ quốc tế./.

AGROINFO (Bài và ảnh: Phạm Hoàng Ngân)


Tin khác