Sa Lông với công tác xoá đói giảm nghèo

09/12/2009

ĐBP - Cách trung tâm huyện 10km, xã Sa Lông (huyện Mường Chà) có 7 bản, 479 hộ, 2.749 nhân khẩu gồm 3 dân tộc: Mông, Xạ Phang và Kinh...

Diện tích đất tự nhiên 8.500ha, giao thông đi lại khó khăn, nhiều diện tích đất canh tác xen lẫn đá gây khó khăn cho phát triển sản xuất nông nghiệp, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 60%.

Là xã mới chia tách, ngay sau khi thành lập, cấp uỷ Đảng xã xác định thực hiện công tác xoá đói giảm nghèo (XĐGN), nâng cao đời sống đồng bào là nhiệm vụ trọng tâm. Được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư nhiều dự án, chương trình mục tiêu quốc gia: 134/CP, 135/CP; Chương trình phát triển KT – XH vùng cao đã từng bước nâng cao đời sống người dân. Trước đây, các bản cách xa trung tâm xã phải vận chuyển lương thực, hàng hoá bằng đường mòn và sức ngựa. Từ nguồn vốn Chương trình phát triển KT - XH vùng cao, xã xây dựng hệ thống đường dân sinh liên bản. Việc đưa vào sử dụng một số công trình thuỷ nông đã giúp đồng bào có điều kiện mở rộng diện tích khai hoang, phát triển sản xuất nông nghiệp. Hiện, xã đang thi công công trình thủy nông bản Pu Ca với tổng vốn đầu tư gần 2 tỷ đồng.

Lớp học vùng cao . Ảnh minh họa: Internet

Do đặc điểm địa hình, ở Sa Lông diện tích gieo cấy chủ yếu là lúa nương (chiếm 80%). Vụ mùa năm nay, toàn xã gieo cấy 80ha lúa nương (đạt 100% kế hoạch), năng suất bình quân 13 tạ/ha, tổng sản lượng đạt 102 tấn. Nhà nước hỗ trợ các giống lúa mới, năng suất lúa sản lượng, chất lượng cao như IR64, Q.Ư838. Nhờ làm tốt công tác chăm sóc, kiểm tra phát hiện và phun thuốc phòng trừ sâu bệnh theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, năng suất trung bình đạt 44 tạ/ha. Sau mỗi vụ thu hoạch, gia đình nào cũng để dành lúa ở chân ruộng tốt nhất để làm giống cho vụ sau. Tận dụng thời gian nông nhàn, bà con khai hoang để trồng ngô, sắn, đậu tương và đỗ. Xã hiện có gần 300ha đất chuyên trồng ngô giống LVN10, DK888, năng suất bình quân đạt 16 tạ/ha. Đến bản Chiêu Ly vào vụ thu hoạch ngô, trên các triền đồi, bà con đang phấn khởi bẻ từng bắp ngô vàng xếp đầy bung, lu cở cho ngựa thồ về bản. Giao thông thuận tiện, bà con có điều kiện đưa nông sản, hàng hoá ra huyện trao đổi; thương gia vào bản thu mua nông sản, thúc đẩy sản xuất phát triển, đời sống ngày một khá hơn. Không trông chờ ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước, xã phát huy nội lực, nhân dân vươn lên XĐGN. Nhận thấy điều kiện, thổ nhưỡng, khí hậu ở một số bản phù hợp cho việc phát triển cây công nghiệp, năm 2007 xã đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh và Trạm Khuyến nông huyện triển khai dự án trồng cây thảo quả cho 50 hộ dân tại 2 bản Chiêu Ly và Thèn Pả với tổng diện tích 4ha. Tham gia mô hình người dân được hỗ trợ giống cây, phân bón và tập huấn kỹ thuật trồng chăm sóc cây. Bước đầu chưa hiểu rõ lợi ích kinh tế của mô hình, nhiều hộ chưa tham gia, tuy nhiên sau khi được cán bộ tuyên truyền, vận động hiểu đường lối chủ trương của Nhà nước là xoá đói, xoá nghèo, đem cái no ấm đến cho đồng bào nhiều hộ đã khai hoang mở rộng diện tích để trồng cây thảo quả. Giúp dân có vốn làm kinh tế, các tổ chức hội nông dân, hội phụ nữ xã đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện thực hiện chương trình cho vay vốn với lãi suất ưu đãi. Năm 2008, toàn xã có 48 hộ vay 960 triệu đồng; năm 2009 có 42 hộ vay tổng số 840 triệu đồng. Được sự tư vấn của cán bộ ngân hàng và tổ chức hội, nguồn vốn vay phần lớn được các hộ gia đình đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Việt Đức (Báo Điện Biên Phủ)


Tin khác