Quy định siết chặt chất lượng hoa quả Việt Nam - Trung Quốc

11/12/2009

Từ ngày 1/7/2009, năm loại quả của Việt Nam (gồm vải thiều, nhãn, thanh long, dưa hấu, chuối) khi xuất sang Trung Quốc và các loại hoa quả của Trung Quốc xuất vào Việt Nam sẽ phải có chứng nhận nguồn gốc rõ ràng, không có hóa chất, dư lượng vượt ngưỡng. Quy định sẽ có đảm bảo sức khỏe của người dân hai nước ...

Ngày 9 tháng 1 năm 2009, Tổng cục giám sát chất lượng kiểm nghiệm kiểm dịch quốc gia Trung Quốc và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam ký Biên bản hội đàm về kiểm nghiệm, kiểm dịch thực vật. Biên bản này quy định trước ngày 1-7, các doanh nghiệp (DN), cơ sở thu mua xuất khẩu 5 loại quả của Việt Nam gồm: vải thiều, nhãn, dưa hấu, chuối và thanh long sang Trung Quốc sẽ phải có chứng nhận về nguồn gốc rõ ràng và không có hóa chất, dư lượng vượt ngưỡng.

Để kịp thời hạn 1/7, Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản (NAFIQAD), Bộ NN&PTNT vừa có công thư gửi phía Trung Quốc danh sách các vùng trồng trọt, cơ sở đóng gói 5 loại trái cây của Việt Nam đăng ký xuất khẩu sang nước này.

Quy định siết chặt chất lượng hoa quả xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ làm cho việc xuất khẩu 5 loại trái cây của Việt Nam sang nước này gặp khó khăn hơn, song nhìn nhận kỹ thì lại có lợi cho các DN của chúng ta nhiều hơn, bởi nếu làm tốt yêu cầu chứng nhận nguồn gốc và chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thì các DN sẽ bán được nhiều hàng hơn thay vì cách buôn bán theo kiểu như đi chợ hiện nay: hàng không hề có nguồn gốc, cứ mang sang Trung Quốc bán, không thể ký trước hợp đồng thu mua, dẫn đến bị tư thương của nước bạn ép giá, rồi tình trạng kẹt rào cản, ùn ứ dọc cửa khẩu lại xảy ra như cơm bữa… “Mặt khác, người Trung Quốc cũng có tâm lý như người Việt Nam, e dè khi chọn lựa một loại quả không rõ nguồn gốc thế nào, trồng ở đâu, chất lượng ra sao. Còn khi tìm được nguồn gốc, nhãn mác rõ ràng thì khách hàng sẽ an tâm và sử dụng nhiều hơn, mình sẽ bán được nhiều hơn”- Ông Phùng Hữu Hào - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Bộ NN-PTNT) nói. Ông Hào cho rằng: “Nhờ việc đăng ký, chứng nhận nguồn gốc rõ ràng 5 loại trái cây còn giúp việc kiểm tra, quản lý của các cơ quan chức năng của hai nước được dễ dàng và chặt chẽ hơn trước đây”. Chẳng hạn, khi phát hiện một loại hoa quả của Trung Quốc có vấn đề về chất lượng thì cơ quan chức năng của Việt Nam có thể yêu cầu đình chỉ việc nhập khẩu và hàng năm có thể tổ chức các đoàn sang tận Trung Quốc, tìm về tận nơi sản xuất để kiểm tra. Ngược lại, cơ quan chức năng Trung Quốc cũng sẽ dễ dàng truy xuất nguồn gốc của loại hoa quả bị phát hiện không đảm bảo chất lượng và đề nghị cơ quan chức năng của ta can thiệp hoặc cấm nhập khẩu vào Trung Quốc.

Song trên thực tế, hiện ở nhiều nơi, nhiều DN và cả chính quyền địa phương vẫn chưa nhận thức rõ lợi ích của việc đăng ký, chứng nhận nguồn gốc 5 loại trái cây nên việc triển khai khá rề rà, chậm chạp. Tính đến 30/6/2009, dưa hấu được các tỉnh đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc nhiều nhất với 43 tỉnh. Vải thiều có 14 tỉnh, thành đăng ký, trong đó các vùng trồng nhiều vải nhất thuộc các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc...; vùng trồng nhãn có 28 tỉnh đăng ký; chuối 30 tỉnh và thanh long là 5 tỉnh.

Có thể thấy, việc ký kết Biên bản hội đàm về kiểm nghiệm, kiểm dịch thực vật đem lại lợi ích cho cả người dân Việt Nam và Trung Quốc không chỉ về sức khỏe của chúng ta được đảm bảo mà bên cạnh đó cũng tạo điều kiện cho cơ quan chức năng tiến hành điều tra truy xuất nguồn gốc hoa quả khi có sự cố bất lợi xảy ra. Ngoài ra, biên bản này cũng giúp cho người nông dân Việt Nam làm quen dần với cách thức làm việc chuyên nghiệp, hiệu quả từ khâu gieo trồng, thu hoạch, xuất khẩu v.v… giống các nước tiên tiến trên thế giới.

 


AGROINFO

Tin khác