Biến đổi khí hậu tác động rất lớn đến nông nghiệp và nông thôn

18/12/2009

Ông Đào Xuân Học , thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, biến đổi khí hậu sẽ tác động lớn trên diện rộng, đặc biệt là nông thôn – khu vực sẽ bị tổn thương trong quá trình phát triển. Vì vậy phải có hành động cụ thể và quyết liệt, nhằm giảm thiểu thiệt hại từ những tác động do biến đổi khí hậu gây ra...

Biến đổi khí hậu tác động trực tiếp và ảnh hưởng nguy hại tới nông nghiệp, nông thôn và người dân sống ở nông thôn. Quan điểm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về thực trạng nghiêm trọng này như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Việt Nam được đánh giá là một trong 5 quốc gia sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. Hàng triệu hecta đất bị ngập, hàng chục triệu người Việt Nam có thể mất nhà cửa khi nước biển dâng cao, tình trạng đói nghèo có thể tăng 21,2 – 35,0%.

Có thể nói, biến đổi khí hậu tác động rất mạnh đến con người, kinh tế - xã hội và môi trường, là thách thức hiện hữu cho mục tiêu xóa đói giảm nghèo và là nguy cơ lớn đối với phát triển bền vững, cũng như thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ của Việt Nam.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý 6 lĩnh vực chính là: nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản, thủy lợi và nông thôn với số dân sống ở nông thôn chiếm tới 73% dân số của cả nước, trong đó tập trung phần lớn là người nghèo. Đây là đối tượng chịu ảnh hưởng lớn từ biến đổi khí hậu.

Đâu là những lĩnh vực mà Bộ quản lý chịu ảnh hưởng lớn nhất?

GS.TS Đào Xuân Học Thứ trưởng Bộ NN&PTNT. Ảnh: Internet

Thứ nhất đó là thủy lợi, cấp thoát nước thành thị và nông thôn.

Theo dự báo phân bố dòng chảy, vào các tháng mùa mưa của sông Mekong, sẽ tăng 41% ở đầu nguồn và 19% ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); vào các tháng mùa khô, dòng chảy giảm 24% ở thượng nguồn và 29% ở vùng ĐBSCL. Dòng chảy mùa kiệt ở sông Hồng giảm 19%; mực nước lũ có thể đạt cao trình +13,24 xấp xỉ cáo trình đỉnh đê hiện nay +13,40. Điều đó nghĩa là khả năng lũ trong mùa mưa và cạn kiệt trong mùa khô đều trở nên khắc nghiệt hơn; sẽ có khoảng 8,4 triệu người Việt Nam thiếu nước ngọt vào năm 2050 ( theo dự báo của Ngân hàng phát triển Châu Á – ADB)

Nếu nước biển dâng lên 1m sẽ làm ngập 0,3 - 0,5 triệu ha tạo Đồng bằng sông Hồng, khoảng 0,4 triệu ha ở vùng Duyên hải miền Trung và 1,5 – 2 triệu ha ở vùng ĐBSCL. Những năm lũ lớn trên 90% diện tích của ĐBSCL bị ngapạ 4 - 4,5 tháng; vào mùa khô sẽ có trên 70% diện tích ĐBSCL bị xâm nhập mặn với nồng độ 4g/1.

Những năm gần đây tình hình ngập triều nặng thường xuyên xẩy ra ở nhiều thành phố và khu dân cư, tiêu biểu là 5 thành phố lớn như: Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh, Cà Mau, Hải Phòng và Vĩnh Long. Ngập do lũ thường xuyên xẩy ra ở TP. Huế và các thành phố miền Trung. Ngập do mưa trên diện rộng xẩy ra ở hầu hết các thành phố, mưa lớn gây ngập dài ngày ở TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và ở một số thành phố tại ĐBSCL…làm ách tắc giao thông trầm trọng, tác động đến môi trường, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Mực nước biển dâng làm sự an toàn hệ thống đê sông, đê biển và hệ thống hồ chứa bị đe dọa, chế độ dòng chảy ven bờ thay đổi gây xói lở bờ, giảm khả năng tiêu tự chảy, diện tích và thời gian ngập úng tăng lên tại nhiều khu vực, nhiều hệ thống thủy lợi không đáp ứng được yêu cầu tiêu, cũng như cấp nước.

Thứ hai là sản xuất nông nghiệp, lâm, ngư và diêm nghiệp.

Theo đánh giá của ADB, nếu nhiệt độ tăng thêm 1 độ C, năng suất lúa sẽ giảm 10%, thực trạng trên đe dọa nghiêm trọng đến an ninh lương thực quốc gia và ảnh hưởng đến hàng chục triệu người dân.

Biến đổi khí hậu tác động đến thời vụ, làm thay đổi cấu trúc mùa, quy hoạch vùng, kỹ thuật tưới tiêu, sâu bệnh, năng suất, sản lượng; làm suy thoái tài nguyên đất, đa dạng sinh học bị đe dọa, suy giảm về số lượng và chất lượng do ngập nước và do khô hạn, tăng thêm nguy cơ tiệt chủng của động, thực vật, làm biến mất các nguồn gen quí hiếm.

Tóm lại, biến đổi khí hậu sẽ làm giảm đi sản lượng lương thực, mất đất canh tác dẫn đến an ninh lương thực bị đe dọa.

Nước biển dâng lên làm giảm diện tích rừng ngập mặn ven biển tác động xấu đến hệ sinh thái rừng tràm, khoảng 20% diện tích rừng ngập mặn sẽ bị suy giảm.Hệ sinh thái nước mặn và nước lợ thay đổi và có thể bị suy giảm.

Biến đổi khí hậu làm thay đổi số lượng và chất lượng hệ sinh thái rừng, đa dạng sinh học, tăng nguy cơ cháy rừng. Chức năng và dịch vụ môi trường (điều tiết nguồn nước, điều hòa khí hậu) và kinh tế của rừng bị suy giảm.

Thưa Thứ trưởng, Bộ đã cóhoạt động thích ứng cụ thể nào để ứng phó và giảm thiểu hậu quả do biến đổi khí hậu lên tục gây ra trong những năm gần đây?

Bộ đã và đang tổ chức triển khai nhiều chương trình, dự án nhằm giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đó là xây dựng và ban hành khung chương trình hành động thích ứng với biến đổi khí hậu; công bố và hướng dẫn triển khai thực hiện khung chương trình hành động ứng phó với biến đổi khí hậu ở các đơn vị thuộc bộ và địa phương; nghiên cứ, lồng ghép vào việc xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; Từng bước kiện toàn bộ máy tổ chức và tăng cường năng lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất cho công tác chỉ đạo, chỉ huy phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai và tìm kiếm cứu nạn từ Trung Ương đến địa phương; xây dựng và triển khai các chương trình phát triển kinh tế - xã hội có liên quan đến phòng, chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai trong bối cảnh có sự biến đổi khí hậu ững với từng giai đoạn.

Biến đổi khí hậu tác động rất lớn đến nông nghiệp và nông thôn. Việc thích ứng với biến đổi khí hậu là lâu dài, đòi hỏi từng bước nghiên cứu, tổ chức thực hiện. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục nghiên cứu, triển khai các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu, nhằm giảm thiểu thiệt hại từ những tác động do biến đổi khí hậu gây ra, đảm bảo ổn định xã hội, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo Báo Đầu tư


Tin khác