Chừng nào cây chè chưa được đề cao giá trị thực...

01/02/2010

Nhiều năm qua, vùng đất Tủa Chùa nổi tiếng với những cao nguyên đá, với thứ rượu mông pê độc đáo và với giống chè tuyết shan vào hàng quý hiếm. Tuy nhiên, sự “nổi tiếng” này không mang lại sự “nổi tiếng” khác, cây chè và người trồng chè Tủa Chùa đã và đang đứng trước những khó khăn đặt ra qua hàng thập kỷ gắn bó hững hờ - đó là đầu ra sản phẩm!

Nhiệm kỳ XI (2006 - 2010) Đại hội Đảng bộ tỉnh Điện Biên xác định: Tập trung phát triển cây công nghiệp dài ngày, trong đó có cây chè với diện tích 1.000ha; phấn đấu đến năm năm 2010, toàn tỉnh đạt sản lượng 700 tấn chè búp tươi. Với tinh thần ấy, ngày 26/6/2007 tại QĐ số 684/QĐ-UBND của UBND tỉnh “Về việc phê duyệt Đề án sản xuất hàng hóa tập trung và nguồn hàng xuất khẩu trong nông - lâm nghiệp tỉnh Điện Biên, giai đoạn 2007-2010”, có ghi: “Phát triển cây chè tuyết shan Tủa Chùa, đến năm 2010, diện tích chè tập trung là 525ha, trong đó chè cho sản phẩm hàng hoá là 189,7ha; năng suất bình quân 20 tạ/ha, sản lượng đạt 379,4 tấn chè búp tươi/năm, chế biến đạt 69 tấn chè khô”. Cùng với đó là các chủ trương, chính sách của địa phương về tạo nguồn vốn cho người nông dân, cho các cơ sở chế biến và đội ngũ khuyến nông các xã... Tới thời điểm này (tháng 01/2010), thống kê mới nhất cho biết năm 2008 diện tích chè san tuyết của Tủa Chùa tăng 43,7ha, năm 2009 tăng 56,22ha, nâng tổng diện tích chè toàn huyện lên con số 329ha. Được biết năm 2010, Tủa Chùa phấn đấu trồng thêm khoảng 100ha và nếu chủ trương này thành hiện thực, hết năm nay huyện sẽ có tất cả 429ha diện tích chè tuyết shan (so với 525ha như kế hoạch). Cuối năm 2009 huyện đã tổ chức thu mua quả chè từ những cây chè cổ thụ xã Sín Chải, để ươm 150 vạn cây chè giống phục vụ cho kế hoạch gieo trồng năm 2010. Muốn vậy, ngay từ bây giờ các cấp chính quyền và ngành nông nghiệp phải đề ra các biện pháp hữu hiệu nhằm khắc phục những hạn chế do thiếu vốn, thiếu đất, thiếu kỹ thuật trong gieo trồng và chăm sóc cây chè. Đặc biệt là lời giải cho khâu tiêu thụ - yếu tố quyết định việc cây chè tồn tại hay không tồn tại, tồn tại như thế nào và vị thế ra sao trong nền kinh tế thị trường?

Hiện nay, trên địa bàn huyện Tủa Chùa ước tính có khoảng 10.000 gốc chè cây cao cổ thụ, trong đó có 12 cây được Viện Chè Việt Nam đưa vào danh sách khoanh vùng bảo vệ nguồn gien và chọn làm giống để nhân ra diện rộng. Ngoài chè cây cao, Tủa Chùa còn có hàng trăm hécta chè tuyết shan cây thấp, được trồng từ những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ trước. Tại xã Sín Chải, có một gia đình nông dân dân tộc Mông tên là Vừ Vả Mua, đang sở hữu vườn chè cổ thụ trên 200 cây với mức thu nhập mỗi năm gần 20 triệu đồng. Tại các xã vùng cao Sính Phình, Tả Sìn Thàng... cây chè đang tham gia vào đời sống kinh tế của nhiều hộ nông dân với tư cách là loại cây để “bố tậu trâu, mẹ mua máy khâu còn con trai thì lấy vợ và sắm xe máy”. Song thật tiếc những hộ như thế chưa có nhiều, hiện chỉ ứng với không quá 10 đầu ngón tay.

 
 Chè cây cao ở Tủa Chùa là loại cây công nghiệp chủ đạo, góp phần nâng cao đời sống của người dân. Ảnh: Đ.B
Được biết vùng chè tuyết shan phân bố chủ yếu tại mấy xã vùng cao phía Bắc của huyện: Sín Chải, Tả Sìn Thàng, Tả Phình, Sính Phình... Trong vòng 3 năm (1999-2001), bằng nguồn vốn đảo nợ một dự án của Đức, huyện Tủa Chùa đã trồng mới được 192ha chè với phương thức trồng rừng mỗi hecta có khoảng 1.600 cây. Sau khi nghiệm thu thời gian kiến thiết cơ bản, diện tích chỉ còn 142ha và tính đến năm 2005, tỉ lệ cây sống chỉ từ 30% - 70%. Cũng trong năm 2005, Tủa Chùa tiếp tục đầu tư trồng mới hơn 8ha chè tuyết shan, tại thôn Háng Đề Dê 1 xã Sính Phình. Theo lý thuyết, với số lượng chè tuyết shan cổ thụ hiện có, mỗi năm có thể cho thu hoạch tới 220 tấn búp tươi. Và như vậy, với năng suất bình quân 3 - 4 tấn búp tươi/ha/năm, vùng chè đáp ứng đủ nguyên liệu cho 5 xưởng chế biến công suất gần 1.500 kg chè búp tươi/ngày, với 24 công nhân làm việc liên tục. Thực tế nhiều năm qua cho thấy ngay lúc cao điểm nhất, các xưởng chế biến cũng mới đạt hơn 1.200 kg chè búp tươi/ngày, với nhiều nhất không quá 15 công nhân làm việc.

Nguyên nhân khó khăn chính vẫn là do thiếu vốn, kỹ thuật lạc hậu và bế tắc đầu ra sản phẩm... Nguồn kinh phí trồng chè năm có năm không, hoặc có thì lại muộn thời vụ. Vốn hỗ trợ nông dân trồng chè trong Chương trình 135 (giai đoạn 2), nhưng xã chè trọng điểm Sính Phình lại không được hưởng. Trong khi nguồn vốn Chương trình 134 hạn chế, chỉ hỗ trợ cho nông dân được tối đa 2 triệu đồng/ha công khai hoang, cải tạo đất. Với vai trò là đơn vị nhận bao tiêu sản phẩm nguyên liệu cho bà con, Công ty Giống nông nghiệp đã đầu tư 4 xưởng chế biến ngay tại vùng chè, lại được tỉnh trợ giá để mua hết chè cho dân. Nhưng các xưởng chế biến nhìn chung công suất nhỏ và công nghệ lạc hậu, giao thông địa bàn khó khăn nên việc tiêu thụ nhiều khi bế tắc.

Theo kế hoạch, năm 2012 huyện Tủa Chùa phấn đấu xây dựng một nhà máy hiện đại cho sản phẩm chè tinh chế cao cấp, với công suất 500kg/mẻ. Nếu vậy, đến năm 2015, toàn huyện sẽ có một hệ thống với 1 nhà máy và 19 xưởng chế biến, trong đó có 16 xưởng bán công nghiệp. Hy vọng rồi đây, khi dự án phát triển vùng nguyên liệu và các xưởng chế biến hoạt động ổn định và hiệu quả, sẽ xuất hiện nhiều hộ nông dân giàu lên từ trồng chè, nhiều người làm dịch vụ thu gom nguyên liệu chè hàng hoá, cung ứng vật tư, phân bón, thuốc trừ sâu và các nhu yếu phẩm cho đời sống hàng ngày của những người trồng chè. Đó là tương lai xa, là viễn cảnh về khát vọng đổi đời của nhiều người dân Tủa Chùa. Còn trước mắt, chừng nào cây chè chưa được đề cao giá trị thực, thì đương nhiên mức sống người trồng chè không thể cao hơn...

Theo Báo Điện Biên Phủ (Thu Loan)


Tin khác