Đắk Nông: Lúa vụ đông xuân đang bị hạn hán và rầy nâu phá hoại

01/03/2010

Theo ngành Nông nghiệp, đến nay, đã có hàng trăm ha lúa vụ đông xuân 2009-2010 ở các huyện Tuy Đức, Đắk R’lấp bị rầy nâu xâm hại nặng và có nguy cơ ảnh hưởng sang nhiều địa phương khác. Ngoài ra, còn có hàng chục ha lúa bị khô hạn, trong đó nhiều nơi không còn nước tưới...

Hạn hán, rầy nâu xâm hại cao

Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ thực vật, chỉ tính riêng huyện Tuy Đức đã có gần 300 ha lúa bị nhiễm rầy nâu, trong đó có 97 ha, tập trung ở xã Quảng Tân bị nhiễm ở mật độ cao. Còn ở huyện Đắk R’lấp hiện có 243 ha lúa, tập trung tại các xã Đạo Nghĩa, Nghĩa Thắng, Đắk Sin bị nhiễm rầy với mật độ rất cao, từ 5.000-10.000 con/m2. Một điều đáng lo ngại, trong các mẩu rầy nâu được gửi đi giám định thì đã xuất hiện virus vàng lùn, lùn xoắn lá. Thời gian tới, nguy cơ rầy di trú sẽ tiếp tục lây lan sang các huyện Đắk Mil và Chư Jút… Ông Nguyễn Quang Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật cho biết: “Để hạn chế dịch bệnh thì ngay từ những ngày trước và trong Tết Nguyên đán, Chi cục đã cử cán bộ xuống các địa phương kiểm tra, hướng dẫn bà con phòng trừ. Đến nay, Chi cục đã cấp thuốc và hướng dẫn cho bà con phun trừ rầy nâu đối với 233 ha lúa bị nhiễm nặng. Đối với diện tích có lượng rầy gây hại ở mật độ thấp hơn, Chi cục đang phối hợp cùng các địa phương đánh giá cụ thể, trên cơ sở đó thực hiện cấp thuốc và hướng dẫn kỹ thuật phòng trừ cho người dân”.

 
 Cán bộ Chi cục Bảo vệ thực vật kiểm tra rầy nâu trên cánh đồng xã Quảng Tân (Tuy Đức)

Được biết, ngoài diện tích lúa bị nhiễm rầy trên, hiện tại toàn tỉnh cũng đã có 60 ha lúa bị hạn, tập trung chủ yếu ở huyện Tuy Đức. Trong đó, riêng tại xã Đắk R’tíh có 20 ha bị khô trắng và không còn nguồn nước để tưới. Qua tìm hiểu, trong vụ đông xuân này, nguy cơ thiếu nước tưới sẽ còn xảy ra ở nhiều địa phương khác. Chính vì vậy, việc các địa phương chủ động điều tiết nguồn nước là rất cần thiết nhằm hạn chế thiệt hại do hạn hán gây ra.

Người dân vẫn còn lơ là phòng dịch

Ngày 24-2, theo đoàn cán bộ Chi cục Bảo vệ thực vật, chúng tôi vào vùng dịch rầy nâu ở xã Quảng Tân (Tuy Đức). Đầu giờ chiều, cùng với các cán bộ Chi cục, cán bộ xã, huyện cũng đã có mặt đầy đủ để đưa thuốc trừ sâu xuống bon Bu Ju Lũ, nơi có 5 ha lúa bị nhiễm rầy nâu nặng. Theo kế hoạch, trước khi cán bộ đưa thuốc đến thì bà con tập trung tại chân ruộng để được hướng dẫn phun. Tuy nhiên, khi đoàn đến, đợi hơn nửa giờ đồng hồ, nhưng ở đây chỉ có chưa tới 10 người dân mang theo hai máy phun thuốc. Tương tự, khi về hướng dẫn phun thuốc ở bon Bu N’Drong thì số lượng cán bộ xuống đồng cũng vẫn tiếp tục… đông hơn dân. Vì bà con tập trung ít, nên ông Hoàng Văn Lãng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Tân chỉ còn cách gọi điện thoại kêu từng người ra. Đợi hơn một giờ đồng hồ, trên cánh đồng rộng gần 20 ha này mới có 7 người mang máy bơm nhận thuốc đi phun. Theo ông Lãng thì để chuẩn bị cho buổi ra quân, xã và thôn đã thông báo cho bà con từ trước. Cũng vì hôm nay bà con không đến đủ, nên các cán bộ phải tiếp tục ở lại bám ruộng để phòng dịch.

Vừa xuống ruộng kiểm tra và hướng dẫn cách phun thuốc cho người dân, ông Nguyễn Văn Thái, Chánh Thanh tra Chi cục Bảo vệ thực vật nói: “Thực tế, người dân ở các địa phương chưa chú trọng nhiều đến việc phòng, mà chỉ khi dịch lây lan và ngây hại nghiêm trọng thì mới vội vàng đi chống. Cũng do tâm lý chủ quan, lơ là, nên nguy cơ sâu bệnh tiếp tục bùng phát, ảnh hưởng đến năng suất cây trồng là khó tránh khỏi, cho dù ngành chuyên môn, các địa phương có nỗ lực phòng trừ. Điển hình như hôm nay, theo kế hoạch phải phun đồng loạt trên cả cánh đồng để hạn chế rầy di chuyển, nhưng với việc bà con tập trung ít thì hiệu quả dập dịch sẽ không cao”.

Công Tính (Báo Đắk Nông)


Tin khác