Ngành mía đường: Những nghịch lý

08/04/2010

KTNT - Giá đường trong nước cao kỷ lục, doanh nghiệp bán lẻ không được mua trực tiếp, còn nhà máy sản xuất phải tiêu thụ thông qua hệ thống đại lý trong khi nông dân cứ thấy giá đường tăng là ồ ạt mở rộng diện tích mía. Tất cả những điều đó đang trở thành nghịch lý khó hiểu của ngành mía đường Việt Nam. Dù vậy, dường như các cơ quan chức năng vẫn đang bó tay với tình trạng này?

 
 Giá đường tăng, nông dân nhiều địa phương mở rộng diện tích mía

Nhà máy phụ thuộc đại lý

Thời gian qua, người tiêu dùng luôn phải đối mặt với tình trạng giá đường cao hơn rất nhiều so với thế giới. Dư luận đặt câu hỏi, đâu là nguyên nhân của tình trạng này?

TS. Hà Hữu Phái, Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, giá đường thế giới đã giảm mạnh, chỉ còn khoảng 530 USD/tấn. Với giá này, cộng 5% thuế nhập khẩu trong hạn ngạch và 5% thuế giá trị gia tăng, chi phí vận chuyển, bảo hiểm..., giá đường nhập khẩu về Việt Nam chỉ khoảng 12.000-12.500 đồng/kg. Tuy nhiên, thực tế giá trong nước có lúc xấp xỉ 20.000 đồng/kg. Lý giải điều này, ông Đoàn Xuân Hòa, Phó cục trưởng Cục Chế biến thương mại nông, lâm, sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho rằng, đáng ra các doanh nghiệp được cấp quota để bình ổn giá phải nhập đường ngay, nhưng thực tế có quota rồi họ vẫn không chịu nhập.

Bà Trần Phương Lan, Trưởng ban Giám sát và Quản lý cạnh tranh (Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương) cho hay, ngành đường Việt Nam đang bị các đại lý tiêu thụ đường thao túng giá cả, từ đó họ khống chế cả hoạt động sản xuất của mỗi nhà máy. Cả nước có 37 nhà máy đường, sản lượng tương đương nhau, nên chẳng nhà máy nào đủ lực, đủ thị phần để thao túng giá đầu ra. “Thực tế là, giá bán đường tại cổng nhà máy thường thấp hơn so với giá bán lẻ trên thị trường 5.000-6.000 đồng/kg”, ông Phái khẳng định.

Từ lâu ở ta đã hình thành hệ thống đại lý chuyên bao thầu đầu ra cho tất cả các nhà máy đường, đồng thời thâu tóm toàn bộ hệ thống tiêu thụ đường trong nước. Các nhà máy buộc phải tuân thủ những quy định do hệ thống đại lý đưa ra, chỉ được bán hàng cho họ, không được phép bán cho bất kỳ nhà bán lẻ nào. Nếu vi phạm, nhà máy sẽ bị tẩy chay và không thể tiêu thụ được sản phẩm.

Đổi lại, nhà máy luôn yên tâm về đầu ra, toàn bộ sản lượng xuất xưởng đều được đại lý tiêu thụ hết, với mức giá hợp lý. Hệ thống đại lý tiêu thụ đường cũng biết phân chia quyền lợi đồng đều cho tất cả các nhà máy cùng tồn tại. Chính điều này đã dẫn đến việc giá đường trong nước quá cao so với giá thực tế, khiến người tiêu dùng phải chịu thiệt thòi.

Nông dân lại ồ ạt trồng mía

Với người nông dân, họ không quan tâm đến những cơn sóng ngầm trong nội bộ ngành mía đường, họ chỉ quan tâm đến giá mía vẫn đang tăng cao từng ngày và rủ nhau nhanh chóng mở rộng diện tích trồng mía.

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang (Gia Lai), đến nay, nông dân trong huyện đã trồng 2.326ha mía (đạt 128,5% kế hoạch), dự báo diện tích mía trồng mới tiếp tục tăng thêm khoảng 10- 15% trong thời gian tới. Còn tại huyện Kông Chro, do thấy mía mang lại hiệu quả kinh tế cao và ổn định, nhiều nông dân cũng nhanh chóng phá bỏ một số cây trồng hiệu quả kinh tế thấp (mì-sắn, bắp-ngô) sang trồng mía. Niên vụ này, diện tích mía trồng mới của huyện tăng gần 50% so với niên vụ 2008-2009 (kế hoạch trồng 410ha, hiện đã trồng 608ha).

Nhiều nông dân tại huyện Đắk Pơ và thị xã An Khê cũng không ngừng mở rộng diện tích mía. Ngoài diện tích mía lưu gốc, nông dân vẫn đang cố gắng đầu tư và tích cực mở rộng diện tích trồng mía mới. Nhiều người đi khắp nơi thuê đất trồng mía. Đặc biệt, nhiều hộ dân là người dân tộc thiểu số cũng đã biết tận dụng đất rẫy trước đây trồng cây mì hoặc bỏ không để trồng mía. ông Nguyễn Thành Đạt (làng Breng, xã Ya Hội, huyện Đắk Pơ) cho biết: “Năm trước, gia đình tôi trồng được gần 16ha mía, năng suất 60 tạ /ha. Do mía năm nay được giá nên trừ chi phí, gia đình tôi thu được hơn 400 triệu đồng. Vụ mía năm nay, gia đình quyết định mở rộng diện tích lên 20ha. Hy vọng giá mía tiếp tục giữ như hiện nay”.

Tỉnh Sóc Trăng có khoảng 12.000ha mía, trong đó huyện Cù Lao Dung trồng khoảng 7.300ha. Đây là vùng nguyên liệu lớn nhất tỉnh, cung cấp mía cho 6 nhà máy đường. Với năng suất bình quân 110 -120 tấn/ha, chữ đường bình quân 10CCS, đến nay Cù Lao Dung được xem là vùng đất phù hợp với cây mía theo phương pháp trồng lưu gốc. Tuy nhiên, vùng nguyên liệu này cũng không tránh khỏi sự phát triển theo phong trào. ông Phạm Hồng Văn, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện băn khoăn: “Theo kế hoạch phát triển trong năm nay, toàn huyện chỉ nên trồng 7.600ha mía nguyên liệu. Tuy nhiên, giá mía hấp dẫn, địa phương không thể ngăn cản người dân khi họ đã quyết tâm đầu tư trồng, diện tích mía chắc sẽ vượt kế hoạch”.

Với nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư của Công ty Mía đường Trà Vinh, khá đông nông dân tỉnh này đã quay trở lại với cây mía. Ông Nguyễn Thái Hòa, Phó giám đốc Công ty Mía đường Trà Vinh cho biết: “Tới thời điểm này, diện tích mía trồng mới ước tăng 500 - 600ha”. Ở Cà Mau, niên vụ mía mới cũng sẽ có thêm ít nhất 100ha mía trồng mới ở các xã: Tân Bằng, Trí Lực, Trí Phải, Biển Bạch (huyện Thới Bình).

Phong trào trồng mía sẽ chẳng có gì ồn ào nếu vụ tới, giá mía tiếp tục ổn định ở mức cao. Tuy nhiên, thị trường vốn đỏng đảnh, khó lường, không ai dám chắc mía sẽ đem lại những mùa ngọt cho nông dân. Chỉ mong rằng, chúng ta sẽ không phải chứng kiến những hình ảnh buồn khi người nông dân nhìn mía chết khô ngoài đồng như nhiều niên vụ trước.

Phạm Khánh (Theo Báo Kinh Tế Nông Thôn)


Tin khác