Truyền thông về “tam nông”

21/06/2010

AGROINFO - Thời sự nhất, đúng nhất, trúng nhất…là những gì mà độc giả dành cho báo chí thời gian qua. Những đóng góp của báo chí, nhất là những tờ chuyên về nông nghiệp, nông dân và nông thôn trong sự phát triển kinh tế chung của đất nước là không thể phủ nhận

Nhân Ngày báo chí cách mạng Việt Nam, chúng tôi xin ghi lại ý kiến của các nhà quản lý ngành nông nghiệp xung quanh vấn đề này.

Ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn):
Rất thiết thực và hiệu quả

Có thể thấy, báo chí đã có những ảnh hưởng tích cực đối với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Điều này thể hiện qua 4 vấn đề sau:

Thứ nhất, các cơ quan báo chí đã chuyển tải được đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với người nông dân.

Thứ 2, thông qua báo chí, những tiến bộ kỹ thuật được phổ biến rộng rãi. Thực tế cho thấy, mặc dù hệ thống khuyến nông đã phát triển đến tận cơ sở nhưng không phải ai cũng có điều kiện tiếp cận, do đó, ở khía cạnh này, báo chí đã làm tốt vai trò của mình.

Thứ 3, hiện nông dân đã xác định rõ sản xuất phải gắn với thị trường, do đó, những thông tin về giá cả, nhu cầu là rất quan trọng để nông dân có thể hoạch định việc nuôi con gì, trồng cây gì cho phù hợp. Báo chí đã góp phần cung cấp thông tin cho họ.

Thứ 4, người nông dân trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa là đối tượng rất dễ bị tổn thương. Thời gian qua, báo chí đã lên tiếng bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ trước những diễn biến của thị trường, trước những việc không có lợi cho nông dân.

Thời gian tới, để làm tốt hơn vai trò của mình, báo chí cần đổi mới phương thức tuyên truyền giúp bà con dễ tiếp nhận, nắm bắt thông tin nhanh hơn.



Ông Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn
Tam nông, nhiệm vụ nặng nề của nhà báo

Hiện, ở các vùng nông thôn, chỉ có UBND xã hoặc điểm bưu điện văn hóa xã là nơi cung cấp báo chí. Chính vì thế, có tới 67% nông dân được hỏi trả lời chưa bao giờ đọc báo. Trong khi đó, nhu cầu của nông dân về thông tin, nhất là khoa học kỹ thuật, giá cả thị trường rất cao. Đói thông tin sẽ rất khó phát triển sản xuất, rất khó nắm bắt nhu cầu thị trường…Vì thế, làm sao để nông dân tiếp cận được nhiều hơn với báo chí là điều mà không chỉ nông dân mà ngay cả chúng tôi, những người hoạch định chính sách hết sức mong mỏi.

Mặc dù vậy, cũng phải khẳng định, suốt chặng đường phát triển kinh tế vừa qua, đồng hành với nông nghiệp, nông dân và nông thôn, đội ngũ phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí không quản ngại khó khăn, ngày đêm lăn lộn, thâm nhập thực tế để phản ánh sinh động tất cả các mặt của đời sống xã hội, góp phần đưa tiếng nói của nông dân tới các cơ quan Đảng và Nhà nước. Cũng chính vì thế, nhiều chính sách đã ra đời, tạo động lực cho tam nông phát triển.

Truyền thông nông nghiệp, nông thôn đã mở ra được cánh cửa để toàn xã hội tìm hiểu vai trò của nông nghiệp và thực trạng cuộc sống nông thôn, là nhịp cầu mang hình ảnh nông nghiệp, nông thôn Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Bước vào giai đoạn phát triển mới, nông dân vẫn là lực lượng lớn, chủ thể phát triển kinh tế - xã hội nông thôn. Làm gì để nông dân cất lên tiếng nói, bày tỏ được nguyện vọng, trình bày được ý kiến là nhiệm vụ nặng nề đặt trên vai các nhà báo.

Ông Phạm Quang Diệu - Cố vấn công ty Agromonitor: Mối quan hệ hữu cơ giữa nông dân và truyền thông.

Hơn 20 năm đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế, những người nông dân chân lấm tay bùn đã giúp Việt Nam từ thiếu đói trở thành nước xuất khẩu nông sản liên tục. Có câu nói rất sinh động về người nông dân Việt Nam, đó là: Không có nước nào làm được chuyện mua từng thúng gạo để xuất khẩu hàng triệu tấn gạo.

Trong những năm vừa qua, hình ảnh người nông dân luôn được truyền thông khắc họa một cách sinh động. Thực sự thì truyền thông đã góp phần to lớn để người nông dân ở những vùng biên giới xa xôi hay những vùng sản xuất hàng hóa trù phú hội nhập. Sự phát triển của các kênh truyền hình, đài, báo giấy, báo điện tử, internet giúp người nông dân có thêm các phương tiện để tiếp cận thông tin. Ngày trước, bạn của nhà nông là con trâu, cái cày, còn ngày nay bạn của họ còn cần thêm những nhà khoa học, nhà kinh doanh, và rất cần nhà nước cũng như các nhà báo, mối quan hệ mà đối với nhà nông không chỉ đơn thuần là đối tác mà cần một sự chia sẻ và tôn trọng.

Trong một tương lai gần, chắc rằng nhu cầu thông tin của khu vực nông thôn sẽ bùng nổ, trở thành hơi thở và cuộc sống của phần lớn tầng lớp dân cư. Có lẽ điều quan trọng nhất là Nhà nước cần định hình một chiến lược truyền thông riêng cho nông nghiệp – nông dân – nông thôn để thúc đẩy sự tham gia chủ động của người nông dân trong một môi trường truyền thông đang có nhiều biến động.



Lê Huê (Theo báo Kinh tế nông thôn)

Tin khác