"Chuẩn" nào cho mô hình nông thôn mới?

13/08/2010

AGROINFO - Báo Đời sống và pháp luật có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Trọng Bình - Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông thôn - Viện Chính sách và chiến lược phát triển - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về vấn đề này.

Tiến sĩ Vũ Trọng Bình

ĐS&PL: Theo Tiến sỹ, vấn đề đặt ra sau 2 năm thực hiện triển khai thí điểm mô hình xây dựng nông thôn mới là kinh phí hay mô hình?

TS. Nguyễn Trọng Bình: ít tiền vẫn thực hiện được nông thôn mới. Khó nhất là làm thế nào hình dung được phương pháp thực hiện vì ngay cả khái niệm nông thôn mới cũng không đơn giản, không có sẵn. Lý luận về nông thôn cũng bắt nguồn từ thực tiễn tổng kết nên đòi hỏi vừa làm thực địa, vừa phải khái niệm lên. Hơn nữa, cần hỗ trợ người dân ra sao để họ thực sự làm chủ, tự làm, kể cả khi không có sự trợ giúp. Xây dựng nông thôn mới là để cho người dân nông thôn ở, vì thế mọi công việc triển khai, thực hiện như thế nào đều phải xoay quanh đối tượng này, lấy đối tượng này làm trọng tâm của vấn đề thì mới tìm ra được mô hình chuẩn. Bên cạnh đó cũng phải tham khảo các mô hình nông thôn của nước ngoài có điều kiện giống như chúng ta.

ĐS&PL: Là đơn vị tư vấn trực tiếp việc xây dựng mô hình nông thôn mới, là người trực tiếp thực hiện công việc này, ông cho biết cụ thể hơn những cái chưa thuận khi triển khai thực hiện?

TS. Nguyễn Trọng Bình: Về mặt phương pháp thì ngay với cả thế giới cũng luôn là vấn đề phức tạp liên quan đến vùng, miền, dân tộc. Phương pháp và cách thực hiện xây dựng nông thôn mới ở đồng bằng không thể áp dụng ở miền núi, vùng biển hay ở dân tộc Kinh thì không thể áp dụng ở các dân tộc thiểu số và giữa các dân tộc thiểu số cũng phải khác nhau. Tức là để có một mô hình chung, chuẩn là rất khó và không đơn giản. Vì thế, ngay từ đầu chúng tôi cũng lúng túng trong việc xác minh phương pháp, quan điểm về nông thôn mới. Với tư cách là một đơn vị tư vấn, chúng tôi xác định nông thôn mới xây dựng trên tiến trình lịch sử, hàng nghìn năm, chứ không chỉ giai đoạn này. Do đó, xây dựng nông thôn dựa trên cái nền lịch sử của từng thôn, bản mà họ trải qua. Đặc biệt, chúng tôi lấy người dân nông thôn làm gốc, chúng tôi chỉ là hỗ trợ cộng đồng tiếp nối cho giai đoạn mới, giúp nông dân hình dung mong muốn của họ trong tương lai như thế nào?

ĐS&PL: Tức là giúp người nông dân biến ý tưởng thành hiện thực?

TS. Nguyễn Trọng Bình: Nói như vậy có vẻ hơi cao, song công việc của chúng tôi làm đúng như thế. Tức là cố gắng hết sức để chuyển tâm tư, suy nghĩ, ý tưởng của người nông dân thành một mô hình xã hội thu nhỏ cho họ sống, sinh hoạt phù hợp với sự ổn định và phát triển hiện nay. Cụ thể, đồng bằng sông Hồng, lâu nay cứ nói có cây đa, bến nước... nhưng nhiều nơi đã chặt hết cây rồi, hay đình làng cũng cần khôi phục nét đặc trưng để tạo dấu ấn riêng của làng, của thôn, của vùng... Nông thôn đấy nhưng cũng cần có một cuộc sống văn minh hiện đại, như hạ tầng, khuôn viên trong gia đình cũng khác trước. Hình dáng có thể là nhà thôn quê nhưng tiện nghi khác. Ngoài ý tưởng của người dân, được sự giúp đỡ của cơ quan chuyên môn thì sự phối hợp giữa chính quyền, đoàn thể địa phương cũng rất quan trọng.

ĐS&PL: Là đơn vị tư vấn, theo ông làm thế nào để đạt được sự đồng thuận giữa người dân, chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn trong vấn đề triển khai mô hình nông thôn mới?

TS. Nguyễn Trọng Bình: Tạo được sự đồng thuận không hề đơn giản. Trước hết, từ chính quyền, các nhà tư vấn và cộng đồng phải hiểu mình làm cái gì, thống nhất trên một quan điểm rằng lợi ích của các bên đều được thực hiện. Sự đồng thuận gần như là một điểm chung của tất cả các bên, đòi hỏi chúng ta phải có một chính sách, khuôn khổ hỗ trợ cho sự đồng thuận ấy. Hiện các nhà tư vấn mới đang thử.

ĐS&PL: Xây dựng nông thôn mới ở các vùng, miền văn hóa khác nhau bởi bản sắc văn hóa. Bởi thế, không nên áp đặt một mô hình chuẩn chung. Vậy bản sắc văn hóa riêng và truyền thống cũng như bảo vệ môi trường sẽ được xem xét như thế nào khi triển khai?

TS. Nguyễn Trọng Bình: Chúng ta xác định rằng xây dựng nông thôn mới vẫn đảm bảo cuộc sống người dân, giữ được truyền thống, bảo vệ môi trường thì bất cứ người dân vùng nào cũng mong muốn như thế, chỉ có điều là xác định ở từng vùng, miền nội lực người dân có hạn, vùng khó khăn thì Nhà nước đầu tư hỗ trợ nhiều hơn. Sự làm chủ của người dân không phải là tiền mà là trao quyền quyết định cho họ. Không phải nơi nào ít tiền thì không làm được nông thôn mới. Chúng ta không mong muốn xây dựng được tất cả các thôn, bản toàn quốc đều là nông thôn mới, nhưng trong quá trình triển khai, tất cả các cộng đồng thôn, bản đều có thể hình dung được việc họ phải làm để xây dựng nông thôn mới là gì. Nhà nước cũng hình dung được việc trợ giúp nông dân là gì để hình thành lộ trình tạo sự năng động cho địa phương. Xây dựng nông thôn mới là quá trình không có điểm dừng. Ngay cả châu âu cũng xây dựng nông thôn mới và khái niệm, tiêu chí nông thôn mới của họ cũng thay đổi tuỳ theo mức sống, nhu cầu và quan niệm của người dân.

ĐS&PL: Tức là chúng ta không nên đưa ra mô hình "đóng đinh"?

TS. Nguyễn Trọng Bình: Đúng là như vậy, có thay đổi mới có sự phát triển. Vấn đề là chúng ta kết hợp sự thay đổi với truyền thống thế nào để tạo sự hài hòa có dáng dấp của quá khứ nhưng hiện tại là thực và tương lai vấn luôn ở phía trước.

ĐS&PL: Trân trọng cảm ơn Tiến sỹ!


Phạm Khánh (Theo Báo Đời sống và pháp luật – Cập nhật 07/11/2009)

Tin khác