Quảng Nam: Tự hào làng gốm Thanh Hà!

26/08/2010

AGROINFO - Đến với TP. Hội An, du khách không chỉ được biết về đô thị cổ - di sản văn hoá thế giới hay đảo Cù Lao Chàm là khu dự trữ sinh quyển thế giới mà còn được biết đến những làng nghề truyền thống độc đáo, trong đó có làng gốm Thanh Hà thuộc phường Thanh Hà. Từ trung tâm TP, du khách có thể bách bộ hoặc theo các tour du lịch để về làng gốm. Tại đây, du khách có thể tự tay thử làm những sản phẩm gốm giản đơn nhưng chắc chắn đầy thú vị...

 
 Anh Tuấn bên sản phẩm do cơ sở mình làm ra

Giữ nghề cho muôn đời sau!

Chúng tôi tìm về ấp Nam Diêu, bởi nơi đây, người dân làng gốm Thanh Hà tập trung đông nhất, với hàng chục hộ sản xuất theo hai phương thức bàn xoay và tạo hình bằng kỹ thuật khuôn đúc làm ra những sản phẩm với nhiều mẫu mã phong phú, đa dạng. Tiếp chúng tôi trong khu nhà bình dị, bác Lê Trọng năm nay 78 tuổi, người có thâm niên hơn 60 năm trong nghề. Sau khi rót nước trà mời khách, bác tâm sự: “Người thợ gốm Thanh Hà tiếp quản nghệ thuật làm gốm từ cuối thế kỷ XVI-XVII. Từ đời nọ tiếp nối đời kia, con cháu của làng đã giữ lửa cho làng nghề. Người thợ đã thổi hồn vào đất làm ra những sản phẩm tinh xảo với nhiều mẫu mã đa dạng, độc đáo. Từ kỹ thuật chế tác, người thợ đã biết kết hợp giữa các yếu tố: đất, nước, lửa cùng với những kinh nghiệm làm nên cái hồn của gốm Thanh Hà”.

Tại làng nghề, nhiều sản phẩm khá đa dạng, từ các mặt hàng gốm, đất nung như: tò he, đèn lồng bằng gốm đỏ, cối, trá, chum vại, chân đèn, nồi, chậu, hũ cho đến gạch xây, ngói lợp âm dương, gạch lát nền... Người làng nghề rất tự hào với những sản phẩm do mình làm ra vì nhiều sản phẩm đã trở thành vật trang trí ấn tượng trong các nhà hàng, khách sạn và đã có mặt nhiều nơi trong và ngoài nước. Người dân làng nghề cho biết, nguyên liệu chính làm ra gốm là đất sét được lấy từ các huyện Duy Xuyên, Điện Bàn, Đại Lộc trộn với nước qua nhào luyện kết hợp với lửa làm ra sản phẩm. Để cho ra sản phẩm đạt chất lượng về mọi mặt, đòi hỏi ở người thợ tính cần mẫn và năng khiếu về thẩm mỹ, phải qua nhiều công đoạn, ngâm đất, phơi đất, nhào trộn đất, se đất thành lọn, tạo dáng, trang trí các hình hoa văn, họa tiết sống động trên những sản phẩm gốm và công đoạn cuối cùng đưa vào lò nung. Đây là công đoạn khó đòi hỏi người thợ có thâm niên trong nghề mới thực hiện thành công.

Nhấp một ngụm nước trà, bác Trọng nhìn ra xa như đang hồi tưởng lại quãng đời của mình. Bác Trọng nói: “Từ thuở lên 10, tui đã theo cha làm nghề gốm, ngày ấy sản phẩm làm ra khá giản đơn, chỉ là những nồi, chậu, heo đất, lò nấu than… Nghề nào cũng đều phải trải qua bao thăng trầm nắng, mưa. Do đó cùng với thời gian, nghề gốm có lúc bị mai một, rồi một số nghệ nhân phải đổi nghề hay xa xứ mần ăn. Nhưng được cái phần đông con cháu luôn nhớ lời cha ông dặn dò: Phải giữ được cái nghề cho muôn đời sau”.

Một điều đáng ghi nhận nữa là từ khi quê hương được giải phóng, nhất là khi du lịch Hội An phát triển, chính quyền đã tạo điều kiện để khôi phục làng nghề truyền thống này. Các nghệ nhân tâm huyết cũng ra sức vực làng nghề sống dậy. Từ đó làng gốm Thanh Hà quanh năm đỏ lửa. "Bây giờ tuổi cao, sức yếu tui truyền lại cho con, cho cháu!”- Bác Trọng bộc bạch.

Thật đáng mừng, con cháu không phụ niềm tin lớp người đi trước. Anh Lê Quốc Tuấn, 42 tuổi, người con trai duy nhất của bác Trọng nối nghiệp cha và cũng là đời thứ 3 kế tục nghề gốm. Tuy còn ít năm trong nghề, nhưng dường như nghề gốm đã phôi thai trong anh Tuấn từ khi còn nằm trong bụng mẹ. Cơ sở sản xuất

 
 

Đèn trang trí từ gốm do các nghệ nhân làng gốm Thanh Hà làm ra.

của anh gồm 10 người, chủ yếu là người thân trong gia đình. Ngoài những sản phẩm truyền thống, anh còn cho chế tác những sản phẩm mang dáng dấp hiện đại hơn với nhiều chủng loại đa dạng và phong phú. Do đó, cơ sở của anh luôn nhận được nhiều đơn đặt hàng. Sản phẩm của anh được ưa chuộng nhất hiện nay là những lu, đèn trang trí, tượng sư tử... mẫu mã đèn với nhiều chủng loại được cách điệu khá bắt mắt, được khách khắp nơi ưa chuộng. Sản phẩm đã được xuất đi Nhật, In-đô-nê-xi-a... Anh cho biết, vừa qua, anh đã nhận được đơn đặt hàng của Resort Nam Hải, lên đến vài trăm triệu đồng chủ yếu là làm đèn trang trí. “Công việc khá công phu và tốn thời gian, tâm sức. Nhưng được cái ngoài hiệu quả kinh tế từ gốm mang lại, mình còn duy trì ngọn lửa yêu nghề của cha ông để lại!” – anh Tuấn nói.

Trường tồn và phát triển

Những năm gần đây, khi mà phố cổ Hội An trở thành di sản văn hóa thế giới, khách du lịch trong và ngoài nước đến Hội An ngày càng đông hơn, các làng nghề truyền thống có cơ hội ăn nên làm ra. Làng gốm Thanh Hà đã được đưa vào tour trong hành trình tham quan của du khách khi đến phố Hội. Theo ông Trần Văn Nhân - Phó Phòng Du lịch & Thương mại Hội An: Bên cạnh phát triển sản phẩm truyền thống, làng gốm Thanh Hà nắm bắt thị hiếu của khách du lịch như mẫu mã đẹp, tinh xảo, gọn nhẹ. Và điều quan trọng, phát triển gốm gắn với công tác bảo tồn. Từ năm 2001, khi tuyến tham quan làng nghề ở Hội An ra đời, làng gốm Thanh Hà trở thành địa chỉ quen thuộc của những nhà làm tour, du khách trong và ngoài nước. Du khách đến đây tự tay làm những sản phẩm mình ưa thích. Đặc biệt, một số du khách lớn tuổi đến với làng gốm học nghề, với họ như là sự quay về với truyền thống văn hóa của người phương Đông. Trong lễ hội hành trình di sản lần thứ IV năm 2009, UBND T.P Hội An đã chọn sản phẩm ống đèn đường của làng gốm Thanh Hà để trang trí đường phố trong ngày lễ. Khắp nơi trên các đường phố Hội An, những đèn, lu trang trí góp phần làm đẹp hơn thành phố cổ kính này. Điều đó chứng tỏ một sự ghi nhận thương hiệu của làng gốm Thanh Hà. Bên cạnh đó, những con tò hoe với những âm thanh réo rắt trên môi của những trẻ nhỏ, của các bà, các chị, của khách du lịch trên khắp hành tinh cùng với nhiều sản phẩm đã được du khách xa gần ưa chuộng. Phải chăng làng gốm Thanh Hà đã góp phần không nhỏ trong việc làm nên phần hồn phố ?

Có thể nói, người làng gốm Thanh Hà không chỉ yêu nghề mà đáng mừng hơn là các thế hệ con cháu cũng biết trân trọng vốn quý của ông để lại. Ông Lê Hà - một người làm gốm lâu năm cho biết: “Các nghệ nhân gốm Thanh Hà từng được triều Nguyễn mời ra Huế để chế tác những sản phẩm đặc biệt phục vụ cho sinh hoạt cung đình, họ cũng được phong hàm Cửu phẩm, Bát phẩm. Dù nghề gốm vất vả nhưng tui vẫn luôn khuyến khích con cháu duy trì ngọn lửa yêu nghề. Bởi không chỉ là vấn đề mưu sinh mà hơn thế nữa nghề gốm thật sự là một gia sản văn hoá quý báu do cha ông để lại. Người con trai thứ của tôi cũng nhận ra điều đó, cháu đang theo học Khoa Điêu khắc - trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh và đã hứa sẽ trở về với làng nghề. Tôi tin thế hệ kế cận được trang bị những kiến thức mới từ các trường đại học tiếp nối truyền thống cha ông sẽ mở ra cho làng gốm cơ hội phát triển!”.

Có những thế hệ con người như thế mà bao thế kỷ qua đi, với nhiều biến động thăng trầm, nhưng làng nghề gốm Thanh Hà vẫn trường tồn và phát triển.


Phạm Khánh (Theo Báo ĐT ĐCSVN)

Tin khác