Có chợ, thêm no ấm

13/09/2010

Hiệu quả của Chương trình 135 có thể nhìn thấy rõ thông qua việc đầu tư hệ thống điện, đường, trường, trạm. Riêng với Xà Phiên, xã vùng sâu của huyện Long Mỹ (Hậu Giang), nơi có 40% dân số là đồng bào Khmer, dấu ấn của Chương trình 135 nằm ở khu chợ khang trang, sầm uất.

 
 Đường về trung tâm chợ Xà Phiên được đầu tư khang trang

Năm 2005, từ nguồn vốn của Chương trình 135, xã đã đầu tư xây dựng chợ Xà Phiên với diện tích 4.000m2, tổng kinh phí 450 triệu đồng. Trước đây, khu vực này là bãi đất trống, nay đã biến thành chợ đông đúc và khu dân cư thương mại với hơn 100 hộ kinh doanh, buôn bán. Ông Lê Hoài Hận, Chủ tịch UBND xã Xà Phiên cho biết: “Chợ hoạt động rất nhộn nhịp. Các mặt hàng kinh doanh đa dạng, từ nông sản thực phẩm tươi sống đến hàng tiêu dùng, quần áo may sẵn, vật tư nông nghiệp, thức ăn gia súc... Trong tương lai, chợ Xà Phiên sẽ phát triển mạnh hơn khi khu dân cư thương mại được xây dựng hoàn chỉnh”.

Chị Đặng Thị Mai ở ấp 4, một trong những hộ đầu tiên đến kinh doanh ở đây cho biết: “Những ngày đầu tiên tham gia kinh doanh ở đây có rất ít người đến mua nên tôi cũng nản. Tuy nhiên, sau vài tháng, người dân đến đông hơn, buôn bán xôm tụ. Chỉ sau 5 năm, nơi này đã thay đổi rất nhiều. Bây giờ người ta đến đây mua đủ các mặt hàng chứ không phải đi chợ xa như trước”.

 
 Trồng nấm rơm ở Xà Phiên

Tuy là chợ vùng sâu nhưng sức mua bán ở đây khá lớn, mặt hàng cũng phong phú. Nếu cách đây vài năm, chỉ có vài sạp hàng thì bây giờ đã kín chợ. Các mặt hàng cao cấp như: vàng bạc, đồ điện tử, điện thoại di động cũng xuất hiện ngày một nhiều ở chợ Xà Phiên. Ông Trương Văn Thông, thành viên Ban quản lý chợ cho biết: “Do nằm ở vị trí thuận lợi nên chợ rất nhộn nhịp kẻ mua người bán. Từ khi có chợ, mức sống của người dân được nâng lên rõ rệt. Sau khi các dãy nhà mặt phố xung quanh chợ hoàn thành, sức mua bán ở đây sẽ còn mạnh hơn”.

Từ địa phương nghèo khó, đến nay, Xà Phiên đã xây dựng chợ, phát triển thương mại dịch vụ, tạo bước chuyển biến lớn. Chợ Xà Phiên không chỉ là cầu nối đưa hàng Việt về với bà con nông dân mà còn góp phần phát triển kinh tế, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế diễn ra nhanh, mạnh hơn.

Theo Phương Nghi - Kinh tế nông thôn


Tin khác