Phải tạo việc làm cho nông dân sau khi học nghề

13/09/2010

Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 là đề án có tính xã hội và nhân văn sâu sắc, không chỉ thể hiện “ý Đảng” mà còn nhận được sự đồng thuận rất cao của người dân.

Chủ tịch Nguyễn Ngọc Trìu thăm mô hình sản xuất nhãn của hội viên HLV tỉnh Hưng Yên.

Phóng viên Báo Kinh tế nông thôn đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Trìu, Chủ tịch Trung ương Hội Làm vườn (HLV) Việt Nam về những kết quả bước đầu trong việc phối hợp hoạt động giữa Trung ương Hội và Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội). Ông Trìu cho biết:

HLV Việt Nam rất quan tâm đến Đề án và Hội đã phối hợp với Tổng cục Dạy nghề triển khai nhiều chương trình cụ thể. Năm 2008 - 2009, Trung tâm Huấn luyện và Chuyển giao kỹ thuật VACVINA (TTHLVACVINA) phối hợp với Vụ Công tác học sinh - sinh viên (Tổng cục Dạy nghề) mở một số lớp dạy nghề thí điểm để tìm ra mô hình đào tạo phù hợp, chất lượng, hiệu quả. Trong chương trình này, TTHLVACVINA đã mở được 14 lớp dạy 3 nghề với trình độ sơ cấp cho 426 người tại 13 xã thuộc 4 tỉnh: Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang, Nam Định.

Thưa ông, kết quả cụ thể thế nào?

Về mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi, tiến tới sản xuất nông nghiệp hàng hóa, Hội dạy nghề thông qua các mô hình cụ thể. Điển hình như mô hình nuôi gà, cá giúp nông dân biết cách chuẩn bị ao hồ, chuồng trại đúng kỹ thuật, đảm bảo vệ sinh môi trường. Song song đó, bà con cũng biết chọn lựa con giống, chăm sóc đúng quy trình, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế.

Với mô hình chuyển đổi nông nghiệp sang nghề phi nông nghiệp và kết hợp nông nghiệp với phi nông nghiệp, Hội phối hợp với Tổng cục Dạy nghề tổ chức đào tạo nghề chế biến thức ăn chăn nuôi thủy sản quy mô nông hộ tại 5 xã của Phú Thọ, Bắc Giang, Nam Định. Đến nay, bà con đã sản xuất được thức ăn có chất lượng tương đương với giá thành thấp hơn 30 - 40% so với thức ăn công nghiệp.

Thưa ông, kinh nghiệm HLVVN đúc kết được trong quá trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn là gì?

Từ thực tiễn triển khai thực hiện và kết quả học tập của hội viên, bước đầu HLV Việt Nam rút ra một số bài học kinh nghiệm. Thứ nhất, phải khảo sát để lựa chọn nghề, địa điểm phù hợp với người học. Thứ hai, phương pháp đào tạo phải phù hợp với trình độ, khả năng, điều kiện của người học. Thứ ba, đào tạo nghề là công tác quan trọng của toàn Đảng, toàn dân nên khi tổ chức mở lớp tại các xã phải có vai trò của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và phân công các tổ chức đoàn thể cùng tham gia. Thứ tư, phải tạo được việc làm, phát triển sản xuất và tăng thu nhập cho nông dân sau khi học nghề.

Theo tôi, đây là mục tiêu rất quan trọng trong đào tạo nghề. Thực tế cho thấy, năm 2009, đối với lớp dạy nghề dưới 3 tháng, có tới 90% học viên của chúng tôi được tạo việc làm, phát triển sản xuất và ổn định cuộc sống.

Để công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn gặt hái được nhiều thành quả hơn nữa trong thời gian tới, ông thấy cần chú ý tới những vấn đề gì?

Để việc thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 đạt hiệu quả, HLVVN kiến nghị 5 vấn đề. Thứ nhất, phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền vận động, tư vấn học nghề và việc làm với lao động nông thôn một cách thường xuyên. Thứ hai, tăng cường điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề từ cấp xã trở lên, từ đó lựa chọn nghề và đối tượng học nghề phù hợp. Thứ ba, trong quá trình triển khai thực hiện nên tổ chức sơ kết định kỳ. Thứ tư, Nhà nước cần hỗ trợ tiền đi lại, ăn ở trong thời gian tham gia giảng dạy, nhất là đối với giáo viên ở các huyện nghèo, vùng đặc biệt khó khăn. Cuối cùng, Nhà nước phải giao kế hoạch cho các cơ sở dạy nghề từ đầu năm để việc tổ chức triển khai được thuận lợi, đảm bảo tiến độ.

Xin cám ơn ông!

Theo Quỳnh Chi – Kinh tế nông thôn


Tin khác