Mô hình NTM ở miền núi- Quá mù mờ!

30/09/2010

Đại hội đảng bộ cấp huyện ở các tỉnh đến nay đều đã hoàn tất, một số chỉ tiêu trong nhiệm kỳ mới đều có một hoặc hai xã xây dựng mô hình NTM. Nhiều người chưa hình dung nổi mô hình NTM như thế nào. Đối với miền núi, mô hình NTM càng mù mờ hơn.

Ông Lò Văn Tàng, Bí thư xã Phúc Khoa (Tân Uyên, Lai Châu) cho biết: Đảng bộ huyện Tân Uyên nhiệm kỳ 2010-2015 đã chọn xã Phúc Khoa để xây dựng mô hình NTM. Ông Tàng thú thật: Cũng chưa hình dung ra mô hình NTM được xây dựng như thế nào. Kinh phí xây dựng chủ yếu của Trung ương, chứ người dân ở xã đặc biệt khó khăn này chỉ đóng góp công lao động là chính chứ tiền thì không dễ dàng có đâu.

 
Khu vực tái định cư Á Thượng, một mô hình nông thôn mới

Dự kiến kinh phí để xây dựng một xã mô hình NTM đạt chuẩn quốc gia trung bình phải cần 250-300 tỷ. Đối với miền núi dân cư ở thành các chòm bản, việc xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa hình miền núi vô cùng phức tạp thì kinh phí không thể dưới 500 tỷ. Tỉnh Yên Bái có 9 huyện thị, trong 5 năm tới nếu dự kiến mỗi huyện, thị xây dựng 1 xã NTM, thì tổng kinh phí xây dựng cần từ 4.000 - 4.500 tỷ. Trong khi đó thu ngân sách của Yên Bái chật vật mới thu được 650 tỷ. Như vậy, kinh phí xây dựng mô hình NTM ở Yên Bái nói riêng và các tỉnh miền núi nói chung đều không thể tự mình làm nổi.

Mỗi xã ở miền núi có nhiều dân tộc sinh sống, các dân tộc đều có phong tục tập quán, kiến trúc nhà cửa khác nhau. Việc qui hoạch xây dựng mô hình NTM phải tôn trọng những giá trị văn hoá truyền thống của mỗi dân tộc. Không thể biến các chòm bản đã hình thành, tồn tại hàng trăm năm qua từng gắn bó với ruộng đồng, rừng núi, sông suối… thấm đẫm trong mỗi con người như là máu thịt của họ, để trở thành những cụm dân cư sơ cứng, nhà liền nhà san sát, tách rời với sản xuất và tự nhiên thì khó tồn tại lâu dài. Do đó, việc qui hoạch NTM cho mỗi dân tộc, mỗi địa phương cần phải căn cứ vào phong tục tập quán, điều kiện tự nhiên, quĩ đất đai…để xây dựng NTM phù hợp với thực tế.

 
 Trình tường ngôi nhà mới

Đối với các dân tộc ở nhà sàn: Thái, Tày, Mường…thì quĩ đất cho mỗi hộ tối thiểu từ 400-500m2, thì mới có thể dựng được một ngôi nhà sàn và đưa chuồng trại gia súc ra khỏi gầm sàn. Các dân tộc: Mông, Dao, Giáy, Hà Nhì…ở nhà đất, tường trình bằng đất ở trên các lưng chừng núi, quĩ đất tối thiểu cho mỗi hộ từ 300- 350m2, mới đủ cho họ xây dựng nhà cửa và các công trình phụ. Đây là một tiêu chí quan trọng cho mỗi điểm dân cư NTM. Thực tế ở miền núi rất ít nơi có đất bằng phẳng đủ xây dựng được 100 hộ. Nơi nào có đất thì xa ruộng đồng, nguồn nước sinh hoạt và đường giao thông.

Như vậy, mô hình xây dựng NTM ở miền núi không tập trung nhiều hộ, nhiều bản lại với nhau, mỗi điểm NTM phải phù hợp với mỗi dân tộc, mỗi địa phương. Không thể bắt dân tộc: Thái, Tày, Mường sinh hoạt như các dân tộc: Mông, Dao, Giáy. Mô hình NTM đã hình thành trong các khu tái định cư thuỷ điện Sơn La, Huổi Quảng, Bản Chát (Lai Châu) và các khu tái định cư hiểm hoạ thiên tai Yên Bái. Mô hình NTM đối với dân tộc: Thái, Tày, Mường thì đã rõ, nhưng còn các dân tộc: Mông, Dao, Pa Dí, Tu Dí, Hà Nhì…thì chưa có mô hình nào được xây dựng đủ các tiêu chí như qui định của Bộ NN-PTNT.

Việc xây dựng mô hình NTM, ngay từ việc chọn địa điểm, hướng nhà cho các hộ cần được sự đồng ý của người dân. Bởi mỗi dân tộc, mỗi bản đều thờ ma bản, thần rừng…nếu áp đặt chỗ ở mà trái với phong thuỷ của dân tộc đó, dù nhà nước có đổ cả núi tiền để xây dựng đầy đủ các công trình phúc lợi xã hội thì sớm muộn người dân cũng bỏ đi. Xây dựng mô hình NTM ở miền núi là sự đòi hỏi của một xã hội văn minh, giúp người dân xoá bỏ những tập quán lạc hậu, phát huy những giá trị văn hoá truyền thống, nâng cao mức sống vật chất và tinh thần cho mỗi con người. Nhưng để tìm ra mô hình NTM cho mỗi dân tộc, mỗi địa phương là một điều không dễ dàng.

Theo Nông nghiệp VN


Tin khác