Năm 2011 - Thị trường gạo Việt Nam sẽ ra sao?

22/11/2010

Nhu cầu lương thực thế giới không ngừng tăng lên trong đó có nhu cầu về gạo, thì với lợi thế là một nước sản xuất và xuất khẩu lúa gạo hàng đầu thế giới Việt Nam hoàn toàn có thể nâng cao vị trí xuất khẩu gạo trong tương lai. Vậy thị trường lúa gạo Việt Nam năm 2011 sẽ diễn biến ra sao? phóng viên kênh truyền hình Invest TV đã có cuộc trao đổi với ông Trịnh Văn Tiến, Chuyên gia phân tích, Bộ môn Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược, Viện Chính sách và chiến lược PTNNNT.

PV: Ông có thể cho biết những lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam so với các doanh nghiệp nước ngoài? Những hạn chế?

Kinh doanh trên sân nhà đương nhiên là một lợi thế rất lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Lợi thế này thể hiện trên 2 phương diện:

- Thứ nhất, mạng lưới thu gom tiêu thụ đang vận hành khá tốt. Hạ tầng kho bãi, tuy chưa được đồng bộ và hiện đại song rất phù hợp với điều kiện sản xuất và vận chuyển ở Việt Nam

- Thứ hai, các doanh nghiệp Việt Nam có kinh nghiệm trong việc thu gom ở hầu hết các địa bàn trồng lúa phân tán và manh mún như hiện nay.

Tuy nhiên, rất nhiều hạn chế đã và đang bộc lộ đối với doanh nghiệp Việt Nam:

- Năng lực về vốn hạn chế

- Khả năng bảo quản yếu, thời gian bảo quản ngắn cùng với năng lực vốn hạn chế gây sức ép lên các doanh nghiệp trong nước trong việc trữ gạo chờ giá lên.

- Các doanh nghiệp trong nước không tự tổ chức được vùng nguyên liệu, việc kinh doanh hoàn toàn dựa vào cung cầu thị trường. Rất nhiều doanh nghiệp chỉ quan tâm đến lợi nhuận trước mắt, nên thiếu liên kết với người sản xuất, nhà khoa học và các doanh nghiệp khác để nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng sức cạnh tranh.

- Ngoài mục tiêu chính là kinh doanh, các doanh nghiệp trong nước còn phải thực hiện trách nhiệm bình ổn thị trường mỗi khi thị trường lúa gạo trong nước có biến động.

- Doanh nghiệp trong nước chủ yếu quan tâm đến những mục tiêu kinh doanh ngắn hạn và thiếu thông tin về thị trường thế giới.

PV: Để phát huy những lợi thế và khắc phục những hạn chế này theo ông các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, phân phối và xuất khẩu gạo cần phải làm gì?

Doanh nghiệp cần chuyển từ phương thức kinh doanh truyền thống (theo kiểu thu mua, chế biến, phân loại rồi xuất khẩu) sang hình thức đầu tư kinh doanh xuất khẩu. Doanh nghiệp phối hợp với địa phương và nông dân để sản xuất lúa chất lượng cao, chủ động đầu ra và bán với giá cao hơn. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần trú trọng hơn nữa đến công tác thông tin và dự báo thị trường để chủ động về sản xuất, kinh doanh.

PV: Theo ông liệu người nông dân có thực sự được hưởng lợi từ việc mở cửa hay không? Tai sao?

Nhìn chung, nông dân được lợi, nhưng mức độ hưởng loại còn tùy vùng miền. Chẳng hạn, khu vực vùng cao, vùng sâu, vùng xa chắc chắn mức độ hưởng lợi ít hơn vì yếu tố khoảng cách, hạ tầng và trình độ dân chí. Đối với khu vực nông thôn vùng đồng bằng.

Đứng trên quan điểm là người sản xuất lúa, tôi cho rằng người nông dân được hưởng lợi từ việc mở cửa thị trường. Vì mở cửa thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế mang lại cơ hội canh tranh cao hơn đối với sản phẩm lúa gạo của Việt Nam, giá gạo xuất khẩu đã tăng lên trong thời gian qua cũng có sự đóng góp của hội nhập và mở cửa.

Còn đứng trên phương diện là người tiêu dùng sống ở khu vực nông thôn, mở cửa cũng là cơ hội để người nông dân, những người có thu nhập thấp được tiếp cận với hàng hóa nước ngoài với giá rẻ hơn. Như vậy, nhìn chung người nông dân được hưởng lợi từ việc mở cửa thị trường

PV: Kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam liệu có được cải thiện sức cạnh tranh như thế nào về sản lượng và giá trị trong thời gian tới?

Quan sát cơ cấu khối lượng xuất khẩu gạo trong vài năm trở lại đây, có thể thấy, tỷ trọng gạo có chất lượng (loại 5% tấm) đã tăng lên qua các năm. Điều này cho thấy sức cạnh tranh đã được cải thiện đáng kể.

Quan sát diễn biến giá gạo cùng loại của Việt Nam và Thái Lan trong 5 năm trở lại đây cũng cho thấy gạo Việt Nam đang dần tiệm cận với giá gạo Thái Lan.

Như vậy, trong thời gian tới, sức cạnh tranh gạo Việt Nam sẽ được cải thiện nếu chúng ta làm tốt 2 khâu là: chất lượng và thương hiệu; về chất lượng thì có nhiều nơi đã sản xuất lúa hàng hóa nên yếu tố cải thiện sức cạnh tranh chắc chắn được đảm bảo; nhưng vấn đề thương hiệu gạo thì các doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự chú ý đến và cần có sự hỗ trợ của nhà nước trong thời gian tới.

PV: Các doanh nghiệp nước ngoài sẽ tiếp cận thị trường này dưới những hình thức đầu tư nào thưa ông?

Rất khó để nói cụ thể về hình thức đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài vì chưa đến thời điểm có hiệu lực về mở cửa kinh doanh gạo theo cam kết WTO.

Nhìn vào 2 trường hợp doanh nghiệp nước ngoài đã làm ăn trong lĩnh vực lúa gạo là American Rice company của Mỹ liên doanh với Vinafood 2 và KIKOKU của Nhật liên doanh với AGRIMEX An Giang thì có thể thấy, doanh nghiệp nước ngoài sẽ lựa chọn mô hình liên doanh và tiến hành theo phương thức khép kín từ trồng lúa đến xuất khẩu. Hình thức này làm thay đổi căn bản chuỗi kinh doanh lúa gạo truyền thống, vì loại bỏ được các tác nhân trung gian, tôi cho rằng đây là mô hình tốt vì lợi ích của nông dân được đảm bảo.

Trong thời gian tới, theo tôi, doanh nghiệp nước ngoài không dại gì cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp lớn của ta vì họ chưa có đủ thời gian xây dựng mạng lưới thu gom và hạ tầng kho bãi, do đó hình thức liên doanh là phù hợp nhất trong thời điểm đầu tiếp cận thị trường Việt Nam. Hơn nữa, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ không cạnh tranh trực tiếp với DN Việt Nam đối với những mặt hàng gạo xuất khẩu truyền thống vì giá bán thấp và phải cạnh tranh với nhiều đối thủ, thay vào đó họ đưa vào các giống lúa và quy trình kỹ thuật để sản xuất ra gạo chất lượng cao và bán ở những thị trường cao cấp để thu lợi nhuận nhiều hơn.

PV: Theo ông cơ chế điều hành xuất khẩu gạo trong thời gian tới sẽ có sự thay đổi không?

Đối chiếu với các quy định nêu trong Nghị định 109/2010/NĐ-CP cá nhân tôi cho rằng cơ chế điều hành xuất khẩu gạo trong năm 2011 chưa có sự thay đổi lớn. Cụ thể là:

- Thứ nhất - về khối lượng gạo xuất khẩu, Cơ chế điều hành xuất khẩu gạo thực hiện dựa trên cơ sở nguồn thóc, gạo hàng hóa được cân đối cho xuất khẩu hàng năm (do Bộ NN&PTNT và UBND các tỉnh cân đối cuối quý 4 hàng năm). Như vậy, khối lượng xuất khẩu vẫn thực hiện theo cơ chế cũ và cơ chế này kém hiệu quả do phản ứng chậm và đánh giá khối lượng gạo hoàn toàn dựa vào báo cáo thống kê nên mức độ chính xác không cao.

- Thứ 2 - về giá xuất khẩu, vẫn do VFA quy định. Việc xác định, công bố giá thóc định hướng vẫn thực hiện như cũ. Cần lưu ý, đây là bước rất quan trọng để quyết định giá sàn xuất khẩu, quy trình thực hiện đã được nêu chi tiết trong Nghị định, nhưng vấn đề cần bàn là việc tính toán giá thành. Trong 1-2 năm trở lại đây, vấn đề xác định giá thành gặp những khó khăn nhất định khi chúng ta thực hiện tính bình quân theo vùng, nông dân nhiều địa phương thường chịu thiệt do giá bình quân chung thấp hơn chi phí thực tế tại địa phương.

- Thứ 3 – về hợp đồng xuất khẩu tập trung (còn gọi là hợp đồng chính phủ), nhìn chung không có thay đổi, vẫn do VFA chỉ định.

- Thứ 4 – về hợp đồng thương mại, hiện nay Bộ Công Thương chưa ban hành quy định về đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo, nên chưa thể bình luận sâu hơn về vấn đề này. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 18 của Nghị định 109, doanh nghiệp xuất khẩu gạo “phải có sẵn lượng gạo ít nhất bằng 50% lượng gạo trong hợp đồng đã ký” cộng với “10% (lượng gạo đã xuất khẩu trong 6 tháng trước đó) dự trữ thường xuyên để duy trì lưu thông, những ràng buộc này, theo tôi là, khá chặt và có thể khiến doanh nghiệp mất cơ hội ký kết và thực hiện hợp đồng.


PV: Thưa ông việc chính phủ ban hành nghị định về kinh doanh xuất khẩu gạo có hiệu lực vào năm 2011 có ý nghĩa như thế nào trong việc quản lý các doanh nghiệp nước ngoài khi mà đó cũng là thời điểm VN mở cửa thị trường kinh doanh xuất khẩu gạo?

Nghị định 109/2010/NĐ-CP là bước đi quan trọng trong việc quản lý các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo. Đáng lẽ Nghị định này cần được ban hành sớm hơn để chấn chỉnh hoạt động kinh doanh, nhưng theo tôi dù muộn vẫn hơn, nếu xét về thời điểm Việt Nam chuẩn bị mở cửa thị trường lúa gạo vào đầu năm tới. Với 3 điều kiện đặt ra, nhiều doanh nghiệp nhỏ trong tổng số hơn 200 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này sẽ bị loại khỏi cuộc chơi, điều này cũng đồng nghĩa với việc tăng năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Đối với doanh nghiệp nước ngoài, 3 điều kiện này không có tác động lớn vì rõ ràng bất cứ doanh nghiệp nào muốn tiếp cận thị trường mới đều phải thực hiện những công việc chuẩn bị tối thiểu như đăng ký kinh doanh, hạ tầng kho bãi và chế biến.

Như vậy, Nghị định này tác động chủ yếu đến doanh nghiệp trong nước và phù hợp với những cam kết hội nhập quốc tế.

PV: Nghị định này có giúp các doanh nghiệp VN thích nghi dần với sự có mặt của doanh nghiệp nươc ngoài (các doanh nghiệp nước ngoài phải có sự chuẩn bi các điều kiện... để có thể được phép kinh doanh,...)?

Quản lý chặt chẽ hơn việc kinh doanh xuất khẩu gạo là điều kiện cần để doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp nước ngoài trên sân nhà. Trên tình thần đó, Nghị định này có hiệu lực chắc chắn sẽ giúp DN Việt Nam cải thiện năng lực cạnh tranh và thích nghi với sự có mặt của DN nước ngoài.

Xin cảm ơn ông đã tham gia buổi trò chuyện.


Theo Invest TV (thực hiện)

Tin khác