Lộn xộn ở vùng mía đường Lam Sơn

21/12/2010

Đến hẹn lại lên, cứ vào vụ ép là vùng nguyên liệu mía tại 3 NM đường ở Thanh Hoá diễn ra cảnh tượng tranh mua, tranh bán. Nếu theo cách nói của ông Lê Văn Tam - Chủ tịch HĐQT của Cty CP Mía đường Lam Sơn thì đó là “ăn cướp” vùng nguyên liệu của nhau.

Xe mía BKS 37N- 6883 đang bị chắn giữ tại NM đường Lam Sơn- Thanh Hoá
Tuy nhiên, không hiểu ông Tam có biết không, chính cán bộ của mình cũng đang đi “ăn cướp” mía ở các vùng nguyên liệu khác. Cách mà lâu nay, NM đường Lam Sơn vẫn thường làm là “buông lưới” vây hãm toàn bộ vùng mía của mình rồi tập trung đi gom mía ở những nơi khác về sản xuất, tiếp đến mới thu hoạch mía của vùng NM mình. Chính cách làm này mà cách đây hai năm, NM đường Lam Sơn để gần khô 160.000 tấn mía nguyên liệu của dân ở ngoài đồng. Thảm cảnh đau xót ấy, buộc dư luận phải lên tiếng. Sau đó, ông Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hoá đã chỉ đạo cho các đơn vị, địa phương làm việc với lãnh đạo NM để NM có trách nhiệm với nhân dân.
Những năm gần đây, NM đường Lam Sơn - “ông anh cả” của ngành mía đường cả nước thiết lập một đường dây “mua lén” mía ngoài vùng nguyên liệu, mà người "đạo diễn" là ông Đặng Thế Giang- Phó TGĐ Cty CP Mía đường Lam Sơn. Người trồng mía vùng Lam Sơn cho đó là cách xử sự không công bằng, lãnh đạo một số huyện xem đó là cách làm ăn không đàng hoàng. Còn chúng tôi thì cho đó là việc làm thiếu minh bạch, bởi một bên là “bán chui” và bên kia là “mua lén”.
Để có được nguồn nguyên liệu dồi dào cho NM trong thời điểm giá đường đang lên cao mà giá mía mua của dân vẫn còn ở mức khiêm tốn, ông Giang đã đề xuất lên TGĐ về việc nâng mức giá mua ngoài lên cao hơn so với giá trong vùng để tranh thủ tập kết nguyên liệu cho NM. Chính điều này đã gây bức xúc trong cấp uỷ, chính quyền và người dân.
 Hiện các NM đường đang vào vụ ép. Có nhiều hộ dân của huyện Thọ Xuân, Ngọc Lặc đã thu hoạch mía rồi mang bán cho các NM đường khác chứ không bán cho NM đường Lam Sơn. Điều đó đã dẫn đến sự lộn xộn ở các ruộng mía trong suốt những ngày qua. Thực tế, qua tìm hiểu, chúng tôi thấy, để có được một vùng mía bao la như ngày hôm nay, người dân đã từng nhận được sự đầu tư cả về KHKT, giống, phân bón của NM đường Lam Sơn. Tất nhiên, đến vụ thu hoạch, dân phải lại trả nợ cho NM chứ NM không đầu tư cho không. Nhưng mấy vụ gần đây, không ít hộ đã không nhận đầu tư của NM đường Lam Sơn nữa.
Vấn đề là ở chỗ, khi cuộc sống khấm khá lên, người dân bắt đầu có quyền lựa chọn. Họ không những có quyền lựa chọn giống tốt, phân tốt mà còn phải chọn cả những nơi có giá bán hợp lý nữa nên người dân sẽ chủ động hơn trong sản xuất, tránh bị chèn ép, lệ thuộc vào NM một khi NM cậy thế độc quyền, chèn ép, gây bất lợi cho họ. Nhiều hộ dân cho rằng, bây giờ cứ bám vào QĐ quy hoạch vùng nguyên liệu thì càng làm khó cho người dân cũng như sự cạnh tranh trong thị trường về mặt giá nông sản. 
Một số hộ dân ở xã Phúc Thịnh, Kiên Thọ huyện Ngọc Lặc; thị trấn Sao Vàng…huyện Thọ Xuân bày tỏ: "Bây giờ chúng tôi có điều kiện sản xuất hơn, muốn được chủ động hơn trên tư liệu sản xuất của mình. Lâu nay, NM đường Lam Sơn mua mía theo cách tính chữ đường để thanh toán, thực tình mà nói người dân chúng tôi không biết như thế nào cả. NM bảo được bao nhiêu là chúng tôi hưởng bấy nhiêu. Không những thế, nhiều khoản chi phí luôn bị NM khấu trừ một cách khó hiểu. Đơn cử như NM đưa vào quỹ rủi ro với mức 10.000đ/tấn mía. Tuy nhiên, lâu nay người dân gặp rủi ro như lũ lụt làm ngập mía; mía bị cháy; mía bị hạn hán rồi chết…cũng chẳng thấy ông NM trích quỹ rủi ro này ra hỗ trợ dân".

+ Trả lời câu hỏi của PV NNVN vì sao NM đường Lam Sơn lại bắt giữ xe mía BKS 37N- 6883, ông Lê Văn Tam- Chủ tịch HĐQT Cty lý giải rằng: “Xe mía vẫn còn nguyên đó và chúng tôi không lập bất cứ một biên bản nào nên không thể nói là chúng tôi có hay không có thẩm quyền ở đây cả”. Liên hệ với lái xe và bà Hường thì được biết, lãnh đạo NM và bảo vệ cơ quan này nhất quyết không cho xe mía đi ra ngoài. Còn bà Hường thì chấp nhận mất không xe mía chứ không bán cho NM đường Lam Sơn vì lối hành xử không đẹp của lãnh đạo NM.
+ Bà Hường nói: “Thấy NM đường Lam Sơn cũng xuống vùng mía của NM đường Việt- Đài mua mía nên tôi mới mang mía nhà mình đi bán nơi khác. Gia đình tôi không ký hợp đồng bán mía cho NM đường Lam Sơn”.

Anh Lê Văn Kiên- thôn 1 xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc nói: “Mía bị cháy không được hỗ trợ mà còn mất đi hàm lượng đường. Đã thế lại còn bị NM đánh phí tạp chất nên gia đình càng bị thiệt đơn thiệt kép. Nên sau vụ mía 2008, tôi quyết không đứng ra làm chủ Hợp đồng cho NM đường Lam Sơn và cũng không hợp tác với họ nữa. Bây giờ tôi chủ động đầu tư trồng mía, ai mua với giá cao là tôi bán, không kể đó là khách hàng nào”.
 
Cùng suy nghĩ ấy với anh Kiên, nhiều hộ dân đã không ký hợp đồng bán mía cho NM đường Lam Sơn ngay từ đầu vụ nên vụ ép này họ đã mang mía đi bán ở nơi khác. Tuy nhiên, quá trình vận chuyển mía đã gặp phải những cản trở. Chiều 12/12, một xe mía trên đường đưa vào Nghệ An bán đã bị chính quyền xã Phúc Thịnh, huyện Ngọc Lặc bắt về UBND xã để làm việc. Sau khi xác minh nguồn gốc mía và chứng thực là mía của hộ gia đình không ký hợp đồng bán cho NM đường Lam Sơn nên UBND xã đã để cho dân mang mía đi bán.
Song khi xe mía đi đến gần NM đường Lam Sơn thì bị cán bộ NM này bắt lái xe đưa mía vào NM bán. Mặc cho hộ dân không chấp nhận nhưng lãnh đạo NM đường Lam Sơn vẫn kiên quyết và phối hợp với công an thị trấn Lam Sơn để đẩy chiếc xe mang BKS 37N- 6883 vào NM. Do biết việc làm của mình như thế là không đúng thẩm quyền nên cho đến giờ phút này, xe mía đó vẫn đang bị phơi khô ở trong khuôn viên NM. Ông Lê Văn Thanh- TGĐ Cty CP Mía đường Lam Sơn đã làm việc với hộ dân, song chủ xe mía là bà Đỗ Thị Hường- thôn 1 xã Thọ Minh đã kiên quyết không bán mía cho NM đường Lam Sơn vì giá mía NM đưa ra chỉ là 910.000đ/tấn. Theo bà Hường mức giá ấy là quá thấp.

Agroinfo (Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam)

Tin khác