“Chảo lửa” trên vùng mía nguyên liệu

27/12/2010

Sau khoảng 3 tháng canh tác, nông dân trồng mía ĐBSCL đang phấn khởi khi trúng mùa và trúng giá. Song đằng sau đó đã xuất hiện nhiều dấu hiệu bất ổn, thiếu bền vững khi có sự “tranh chấp xâu xé” vùng nguyên liệu.

Nhiều ghe từ các tỉnh khác đổ xô đến Hậu Giang tranh mua mía nguyên liệu.
Tranh mua, tung giá ảo
Từ tháng 10 đến cuối tháng 12-2010, giá mía nguyên liệu ở Hậu Giang và Sóc Trăng liên tục tăng theo hướng có lợi cho nông dân. Từ 850 đồng/kg, giá mía nhích dần lên ngưỡng 1.200 đồng/kg. Với mức giá này, nông dân trúng đậm, lợi nhuận đạt từ 70 - 140 triệu đồng (tương đương với năng suất 100 - 220 tấn/ha). Hậu Giang là một trong những địa phương duy trì và phát triển ổn định vùng nguyên liệu mía lớn nhất ĐBSCL với 13.500ha. Trong đó, đồng mía ở huyện Phụng Hiệp chín sớm và trở thành “chảo lửa” tranh chấp thu mua mía nguyên liệu. 
Nhiều nhà máy đường ngoài vùng “phủ sóng”, không đầu tư gì cho vùng nguyên liệu cũng “xách ghe” từ Long An xuống Hậu Giang mua mía với kiểu thách đấu: mua xô cả mía non! Một lãnh đạo nhà máy đường ở Hậu Giang cho rằng: Không loại trừ khả năng các nhà máy kia mua mía xô với giá cao để… phá đám.
Hiện Công ty CP Mía đường Cần Thơ là đơn vị đầu tư bài bản cho vùng mía nguyên liệu Hậu Giang (mỗi năm đầu tư 5-7 tỷ đồng cho nông dân) duy trì ổn định ở mức 13.000ha, chiếm 1/4 diện tích toàn vùng. Chuyện tranh giành mua mía nguyên liệu của 10 nhà máy đường ở ĐBSCL đã thành căn bệnh trầm kha nhiều năm qua. Sau mỗi lần “đấu đá” giá nguyên liệu, cứ tưởng diện tích mía sẽ tăng, trái lại ngày càng giảm. Cách đây khoảng 15 năm, khi các nhà máy đường rục rịch xây dựng, diện tích mía ở ĐBSCL khoảng 100.000 ha, các lò đường thủ công vẫn tiêu thụ ổn định cho nông dân. Những tưởng khi hàng loạt nhà máy đường ra đời, ngành mía đường sẽ hiện đại trong một chu kỳ khép kín. Không ngờ khâu tiêu thụ lúc “xâu xé”, lúc đùn đẩy trách nhiệm… kết quả, diện tích mía giảm chỉ còn 48.000ha vì nông dân không biết tin ai.
Rất nhiều lần thương lái từ nơi khác đến “bỏ giá” mua mía của nông dân đến 1.300 đồng/kg nhưng sau đó “bỏ của chạy lấy người”. Chính vì vậy có nghi ngờ đây là cách phá đám của nhà máy đường nào đó!

Cần lập lại trật tự...
Các nhà máy đường ở ĐBSCL thường than phiền về chuyện tranh chấp mua mía nguyên liệu của Công ty CP Nivl (nhà máy đường đặt tại Bến Lức - Long An). Theo ông Trịnh Minh Châu, Trưởng chi hội vùng ĐBSCL (thuộc Hiệp hội Mía đường Việt Nam), tại cuộc hội vào trung tuần tháng 8-2010 (tại Cà Mau), đại diện Công ty CP Nivl đã đồng thuận ký cam kết sẽ vào vụ từ ngày 5 đến 10-10-2010. Sau đó, vấn đề này đã được nhắc lại tại cuộc họp ngày 20-9-2010… nhưng Nivl vẫn khởi động sản xuất từ ngày 26-9-2010 (sớm hơn cam kết 10 ngày).
Theo phân tích của các nhà máy đường trong vùng, trong điều kiện mía khu vực Hậu Giang, Sóc Trăng chưa đến kỳ thu hoạch, chất lượng mía còn thấp, từ 7 – 7,5 chữ đường (nông dân thường gọi mía non), các nhà máy tại chỗ đã dời ngày vào vụ để đợi mía chín thì Công ty Nivl vẫn tiếp tục hoạt động!? “Chuyện mua xô mía non, mua luôn cả ngọn và tạp chất tạo ra một tiền lệ cực kỳ nguy hiểm. Trước tiên, từ chuyện này nông dân có thể không quan tâm đến chất lượng trồng mía. Các nhà máy tại địa phương đã bỏ nhiều công sức đầu tư cho vùng mía nguyên liệu sẽ gặp hạn. Nguy cơ tranh chấp vùng nguyên liệu sẽ khó tránh khỏi nếu không loại bỏ tình trạng mua mía theo kiểu vừa qua” - ông Võ Văn Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Mía đường Cần Thơ, nhận định.
Qua điều tra diện tích mía niên vụ 2010 – 2011 ở ĐBSCL khoảng 48.000 ha, ước tổng sản lượng khoảng 3,2 triệu tấn. 10 nhà máy đường cần đến 3,6 triệu tấn, như vậy sẽ thiếu khoảng 400.000 tấn mía cây. Chuyện mua mía non, làm sản lượng đường giảm, áp lực về đường và giá bán trên thị trường tăng vùn vụt sẽ càng đè lên vai người tiêu dùng.
Ông Trịnh Minh Châu, Trưởng chi hội vùng ĐBSCL từng phản ứng khá gay gắt khi cho rằng: “Hành động của Công ty CP Nivl (đã nhiều năm qua) cho thấy rõ thủ đoạn không lành mạnh trong kinh doanh, dùng giá để thu mua mía nguyên liệu ở địa phương khác, trong khi tại Long An lại ép giá, mua mía tại địa phương với giá thấp để bù lại… Việc làm của Công ty CP Nivl không chỉ gây thiệt hại cho nông dân trồng mía vùng Long An mà còn ảnh hưởng lớn cho các nhà máy đường trong khu vực khi mất sản lượng mía hợp đồng, mất vốn đã đầu tư ứng trước”. “Hiệp hội Mía đường và Bộ NN-PTNT nên can thiệp và có biện pháp chế tài đối với các nhà máy đường xé rào tranh giành mua mía nguyên liệu không đúng quy định” - ông Võ Văn Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Mía đường Cần Thơ đề xuất.
Chuyện các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ những tranh chấp mua “mía non, mía già” là rất cần thiết. Nên chăng có biện pháp chế tài đối với mặt hàng mía đường theo dạng kinh doanh có điều kiện. Theo đó, các nhà đường phải chủ động xây dựng được vùng nguyên liệu ở mức tối thiểu nào đó để nhà máy hoạt động! 

Nguồn: SGGP


Tin khác