Từ PCI đến PFI

23/02/2011

Việc Việt Nam đã xây dựng và cho ra đời nghiên cứu chỉ số PCI hàng năm đem lại nhiều lợi ích cho hoạch định và xây dựng chính sách. Song, nghiên cứu và bổ sung nghiên cứu chỉ số PFI sẽ giúp hoàn thiện hơn, khắc phục những “hạn chế về mặt phương pháp luận” của chỉ số PCI. Viện chính sách và chiến lược phát triển Nông thôn vừa hoàn thành nghiên cứu về chỉ số PFI tại 2 tỉnh Bắc Ninh và Vĩnh Phúc.

Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh về môi trường kinh doanh của Việt Nam (PCI) là kết quả hợp tác nghiên cứu giữa Dự án Nâng cao Năng lực Cạnh tranh Việt Nam (VNCI)Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Ý tưởng xây dựng chỉ số PCI bắt nguồn từ một nghiên cứu trước đây của Quỹ Châu Á và VCCI. Đó là nghiên cứu “Những thực tiễn tốt trong điều hành kinh tế cấp tỉnh ở Việt Nam”, được thực hiện vào năm 2003 – 2004 tại 14 tỉnh của Việt Nam. Mặc dù chỉ số PCI áp dụng phương pháp xây dựng chỉ số khác nhưng vẫn sử dụng những công cụ điều tra mà Quỹ Châu Á – VCCI đã từng thiết kế và sử dụng trong nghiên cứu trước. [1]
Năm 2005, lần đầu tiên VCCI công bố chỉ số PCI với điều tra hơn 2000 doanh nghiệp tại 42 tỉnh, thành phố. Về tổng thể, 42 tỉnh, thành phố này chiếm khoảng 90% giá trị GDP của Việt Nam.
Năm 2006, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Dự án Nâng cao Năng lực cạnh tranh Việt Nam (VNCI) đã chính thức công bố Chỉ số Năng lực Cạnh tranh Cấp tỉnh năm 2006. Tiến hành điều tra trên 6.300 doanh nghiệp địa phương của cả 64 tỉnh, thành phố, PCI được xem là điều tra doanh nghiệp lớn nhất và toàn diện nhất đối với hoạt động điều hành của chính quyền cấp tỉnh trong việc hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân. Từ sau 2006, VNCI và VCCI đã nghiên cứu chỉ số PCI trên cơ sở hàng năm, nhằm tạo điều kiện để các tỉnh, thành phố theo dõi tiến bộ trong môi trường kinh doanh của tỉnh mình qua các năm, không chỉ ở thứ hạng PCI mà còn ở điểm số PCI.
Nhận  xét về giá trị mà PCI mang lại cho Việt Nam, ngay từ 2006, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã cho rằng: “PCI có thể được xem như là một cơ hội tốt để đánh giá lại môi trường kinh doanh của địa phương và tiến hành thực hiện những cải cách cần thiết trong công tác điều hành”. Ông Dennis Zvinakis, Giám đốc quốc gia của USAID cho biết: “Chúng tôi đánh giá cao việc PCI trở thành một kênh tham khảo hữu ích cho các chính quyền địa phương để đánh giá chất lượng điều hành kinh tế nhằm thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân và đầu tư tư nhân vào tỉnh. Và chúng tôi cũng đánh giá cao việc các chính quyền địa phương tiếp nhận các kết quả này với tinh thần cầu thị nhất, biến thành các thay đổi trong các chính sách về kinh tế để thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển. Với sự điều hành của chính quyền cấp tỉnh ở Việt Nam, đã có sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng. Chúng tôi cũng rất mong muốn PCI sẽ đóng góp được một phần nào để thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển hơn nữa”.[2]
Có thể thấy hơn 5 năm qua, chỉ số PCI đã trở thành một công cụ quan trọng để đo lường và đánh giá môi trường kinh doanh của khu vực tư nhân ở 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Chỉ số này đã có những ảnh hưởng tích cực đến việc cải thiện môi trường kinh doanh của các tỉnh. Nó cũng giúp cho Chính quyền các địa phương thấy được những yếu tố cản trở đến việc kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là môi trường về thể chế.
Tuy nhiên, theo ý kiến của các chuyên gia từ Viện Chính sách Chiến lược Phát triển Nông thôn (IPSARD), chỉ số PCI  “có một số hạn chế nhất định về mặt phương pháp luận”. Quan trọng hơn là chỉ số PCI hoàn toàn bỏ qua khu vực hộ kinh doanh cá thể. Trong khi đó, các hộ kinh doanh cá thể đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo việc làm nhưng cũng rất dễ bị tổn thương và ảnh hưởng bởi sự thay đổi của môi trường kinh doanh, đặc biệt là sự thay đổi về các chính sách.
Một nhóm tác giả nghiên cứu từ IPSARD và Công ty Nghiên cứu và Tư vấn Đông Dương (IRC) đã đề xuất xây dựng một chỉ số nhằm đánh giá môi trường kinh doanh của các hộ kinh doanh cá thể (Formality Index hay gọi tắt là FI). Chỉ số này sẽ được xây dựng ở cấp hộ (Household Formality Index hay HFI), cấp huyện (District Formality Index hay DFI) và cấp tỉnh (Provincial Formality Index hay PFI). Chỉ số này sẽ giúp xác định được mối tương tác chính thức và phi chính thức giữa các hộ kinh doanh cá thể và chính quyền và sự khác biệt giữa các địa phương.
Chỉ số Môi trường Kinh doanh cấp tỉnh đối với hộ kinh doanh cá thể là một chỉ số tổng hợp phản ánh nhiều khía cạnh có ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh của hộ gia đình. Ở cấp tỉnh, chỉ số PFI có khả năng trở thành công cụ phân tích và bổ trợ tốt cho chỉ số PCI vì nó bao hàm được các yếu tố môi trường kinh doanh của gần 4 triệu hộ kinh doanh cá thể trên toàn quốc.
Để tiến hành xây dựng chỉ số này, trong năm 2010, nhóm tác giả đã tiến hành khảo sát 500 cơ sở kinh doanh cá thể trên địa bàn 10 huyện thuộc hai tỉnh Bắc Ninh và Vĩnh Phúc nhằm xây dựng chỉ số môi trường kinh doanh cấp tỉnh (PFI) và cấp huyện (DFI) cho các hộ kinh doanh cá thể ở các địa phương này. Sau nghiên cứu, điều tra, kết quả của PFI cho thấy giá trị của chỉ số này biến động từ 5,9 đến 6,6. Vĩnh Phúc có chỉ số cao hơn với Bắc Ninh, khá gần với Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2009 của VCCI xây dựng. Cụ thể PCI của Vĩnh Phúc và Bắc Ninh tương ứng là 66,7% và 65,7% (theo thang điểm 100, còn chỉ số của chúng ta theo thang điểm 10). Vĩnh Phúc có chỉ số PCI cao hơn một chút so với Bắc Ninh.
Ở cấp huyện, huyện Từ Sơn của Bắc Ninh có chỉ số Môi trường kinh doanh cao nhất, còn Tiên Du cũng của Bắc Ninh có chỉ số thấp nhất. Nhìn chung không có sự biến động quá lớn về chỉ số của các huyện trong cả hai tỉnh.
Theo kết quả phân tích thì các yếu tố bao gồm tiếp cận thị trường đầu ra và đầu vào của hộ kinh doanh đóng vai trò quan trọng nhất trong chỉ số năng lực cạnh tranh của hộ. Đây là các nhân tố có ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh của hộ gia đình, cũng như để tăng khả năng cạnh tranh của hộ. Các nhân tố khác về vốn và đất đai cũng đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động kinh doanh của hộ. Tuy nhiên các yếu tố quy định phát luật và chi phí không chính thức có quyền số rất nhỏ trong chỉ số cạnh tranh tổng hợp, chứng tỏ sự đóng góp không đáng kể đối với khả năng cạnh tranh của hộ. Như vậy hoạt động kinh doanh của hộ ít chịu ảnh hưởng của các thay đổi chính sách kinh doanh của địa phương.
Theo nhóm nghiên cứu, doanh nghiệp là những đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều hơn bởi yếu tố quy định quản lý nhà nước. Như vậy để tăng cường khả năng cạnh tranh cho hộ gia đình, Nhà nước cần tạo điều kiện tiếp cận thị trường đầu ra cũng như đầu vào, vốn, và đất đai cho hộ.
Từ những kết quả thu thập được từ khảo sát về môi trường kinh doanh tại hai tỉnh Vĩnh Phúc và Bắc Ninh, nhóm nghiên cứu phân tích nhận định về môi trường kinh doanh cho hộ kinh doanh cá thể tại hai tỉnh này thông qua phân tích các đặc điểm cấu thành nên môi trường kinh doanh như đất đai, lao động, vốn, thị trường đầu ra, chi phí không chính thức, cơ sở hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ kinh doanh, tính minh bạch thông tin và sự hỗ trợ của chính quyền với các cơ sở kinh doanh cá thể.
Bên cạnh đó, để trả lời câu hỏi tại sao có sự tồn tại hiện hữu cả 2 khu vực chính thức và phi chính thức tại các cấp khác nhau (hai loại hộ kinh doanh cá thể: Hộ kinh doanh cá thể không có đăng ký kinh doanh thường có quan hệ giao dịch với chính quyền địa phương ở cấp xã/ phường; Hộ kinh doanh cá thể có đăng ký kinh doanh thường đăng ký kinh doanh ở cấp huyện, xã) thì nói lên được vấn đề gì đối với chất lượng của chính quyền cấp cơ sở, và nó có tác động đến khu vực kinh tế chính thức như thế nào ?  tại sao có sự tồn tại hiện hữu cả 2 khu vực chính thức và phi chính thức tại các cấp khác nhau?  Trả lời được các câu hỏi này sẽ hiểu được kết quả hoạt động, động lực cũng như các thách thức mà các cơ sở kinh doanh cá thể gặp phải, từ đó có thể đưa ra những đề xuất chính sách phù hợp nhằm hỗ trợ phát triển khu vực này.
Sử dụng phương pháp mô hình hóa để xác định các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các cơ sở kinh nhóm nghiên cứu cho thấy, các quyết định chuyển đổi thành doanh nghiệp hay đăng ký kinh doanh của các cơ sở chủ yếu được xác định căn cứ vào các nhân tố nội lực của cơ sở và khả năng tiếp cận nguồn lực, nhất là vốn của cơ sở. Trong khi đó, vai trò của các yếu tố thuộc môi trường vĩ mô như quy định luật pháp hay sự hỗ trợ của Chính quyền tới các quyết định này là không đáng kể.
Phương pháp PFI theo nghiên cứu của IPSARD nhận được các kết quả có ý nghĩa và khả quan trong  việc đánh giá môi trường kinh doanh và xây dựng chỉ số năng lực cạnh tranh cho hai tỉnh Bắc Ninh và Vĩnh Phúc. Báo cáo những kết quả nghiên cứu này sẽ được trình bày tại Hội thảo Báo cáo kết quả nghiên cứu xây dựng “Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp Tỉnh về môi trường kinh doanh của các hộ kinh doanh cá thể (PFI) diễn ra ngày 25/2/2011 tại Hà Nội do IPSARD tổ chức.

Nhóm Thông tin Agroinfo


[1] http://www.pcivietnam.org/about_us.php
 
[2] http://vietnamese.vietnam.usembassy.gov/pr010606.html
 

Tin khác