Hội thảo Báo cáo kết quả nghiên cứu xây dựng “Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp Tỉnh về môi trường kinh doanh của các hộ kinh doanh cá thể (PFI)

25/02/2011

Như tin đã đưa, hôm nay, 25/2/2011, tại Trung tâm Phụ nữ và phát triển, số 20 Thụy Khuê - Hà Nội, Viện chính sách và chiến lược phát triển Nông nghiệp Nông thôn (IPSARD) đã tổ chức Hội thảo “Báo cáo kết quả nghiên cứu xây dựng: Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp Tỉnh về môi trường kinh doanh của các hộ kinh doanh cá thể (PFI)” nhằm báo cáo các kết quả đã thực hiện và lấy ý kiến đóng góp hoàn thiện nghiên cứu thí điểm về chỉ số PFI tại 2 tỉnh Bắc Ninh và Vĩnh Phúc.

Tới dự Hội thảo có các  nhà hoạch định chính sách, đại diện các Hiệp hội, VCCI, các chuyên gia và các nghiên cứu viên của CIEM, IRC, IPSARD cùng các cơ quan truyền thông báo chí... 
 
Hội thảo được nghe ông Trần Hữu Huỳnh – đại diện Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) trình bày về các kết quả nghiên cứu của VCCI về đánh giá môi trường đầu tư. Đặc biệt tại Hội thảo, ông Phùng Đức Tùng - Đại diện nhóm nghiên cứu trình bày Báo cáo kết quả nghiên cứu xây dựng “Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp Tỉnh về môi trường kinh doanh của các hộ kinh doanh cá thể (PFI) .
 
Hội thảo cũng nhận được sự tham gia phản biện tích cực và giá trị của nhiều chuyên gia kinh tế và nhà quản lý.
 
Ông Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển - Hỗ trợ cộng đồng (CECODES) một mặt đánh giá cao ý nghĩa thiết thực của dự án vì: “hộ kinh doanh cá thể (KDCT) ở khu vực nông thôn có đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế đất nước, nhất là trong việc tạo việc làm, huy động vốn trong dân cư”, và hy vọng “ở cấp tỉnh, chỉ số PFI của dự án có khả năng trở thành công cụ phân tích và bổ trợ tốt cho chỉ số PCI vì nó bao hàm được các yếu tố môi trường kinh doanh của gần 4 triệu hộ kinh doanh cá thể trên toàn quốc”, một mặt cũng phân tích một vài điểm hạn chế như:  Khái niệm “môi trường kinh doanh” của Báo cáo chưa rõ ràng, chủ yếu là “chỉ số về năng lực kinh doanh” của các hộ kinh doanh cá thể tại nông thôn. Bởi vì, theo ông Đặng Ngọc Dinh, “Trong Báo cáo có nêu “ dự án đã xây dựng được một bộ chỉ số nhằm đánh giá năng lực cạnh tranh của môi trường kinh doanh”. Tuy nhiên dự án cũng đã kết luận là “Các yếu tố quy định pháp luật và chi phí không chính thức có quyền số rất nhỏ trong chỉ số cạnh tranh tổng hợp, chứng tỏ sự đóng góp không đáng kể đối với khả năng cạnh tranh của hộ. Như vậy hoạt động kinh doanh của hộ ít chịu ảnh hưởng của các thay đổi chính sách kinh doanh của địa phương” dẫn đến cảm giác “ bản chất của bộ chỉ số PFI khác với chỉ số PCI”. Thực chất PCI là “đánh giá của các doanh nghiệp tư nhân về môi trường thể chế (thúc đẩy đầu tư) của chính quyền địa phương”; còn PFI sẽ chủ yếu là “đánh giá năng lực kinh doanh của các hộ kinh doanh cá thể tại địa phương”,
Chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan đánh giá cao về Phương pháp nghiên cứu, Quy mô và kết quả kinh doanh của các cơ sở kinh doanh cá thể trong điều tra 2010 của Báo cáo là khoa học, sát thực, đáng tin cậy. Phần Xây dựng Chỉ số Môi trường Kinh doanh cấp tỉnh đối với hộ kinh doanh cá thể (PFI) rất khoa học, cụ thể và sâu.
Bên cạnh đó, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng  nhóm nghiên cứu cần xác định rõ mục tiêu, phạm vi, đối tượng, cách làm, sự khác biệt và khả năng phối hợp giữa 3 nghiên cứu  khi phối hợp PFI với PCI, PAPI, tránh trùng lắp, pha loãng sự quan tâm, lãng phí nguồn lực. Khi nghiên cứu tổng quan về các hộ kinh doanh, Báo cáo cần phân tích sâu theo 3 loại: Mô hình hộ, Bản thân các hộ, Môi trường KD cho hộ.
Đánh giá về vai trò của thể chế với hộ kinh doanh, bà Phạm Chi Lan cho rằng, tuy Báo cáo đã phân tích đề cập các yếu tố bao gồm tiếp cận thị trường đầu ra và đầu vào của hộ kinh doanh đóng vai trò quan trọng nhất trong chỉ số năng lực cạnh tranh của hộ". Đây là các nhân tố có ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh của hộ gia đình, cũng như là nhân tố chính để tăng khả năng cạnh tranh của hộ. Tiếp đến là các nhân tố về vốn và đất đai cũng đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động kinh doanh của hộ. Tuy nhiên các yếu tố quy định phát luật và chi phí không chính thức có quyền số rất nhỏ trong chỉ số cạnh tranh tổng hợp, chứng tỏ sự đóng góp không đáng kể đối với khả năng cạnh tranh của hộ. Như vậy hoạt động kinh doanh của hộ ít chịu ảnh hưởng của các thay đổi chính sách kinh doanh của địa phương. Có lẽ doạnh nghiệp là những đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều hơn bởi yếu tố quy định quản lý Nhà nước. "Để tăng cường khả năng cạnh tranh cho hộ gia đình, Nhà nước cần tạo điều kiện tiếp cận thị trường đầu ra cũng như đầu vào, vốn, và đất đai cho hộ”. Vì thế Báo cáo cần nghiên cứu thêm về các yếu tố đó và đề xuất cụ thể hơn về giải pháp tác động vào các yếu tố đó.
Một ý kiến quan trọng nữa của chuyên gia Phạm Chi Lan đối với các quyết định chuyển đổi thành doanh nghiệp hay đăng ký kinh doanh của các cơ sở là mô hình hộ có những hạn chế mà những hộ đã trưởng thành rất nên rời bỏ để chuyển đổi thành DN. Nông thôn sẽ khó phát triển nếu chỉ có các hộ KD. Cần tạo môi trường cho sự ra đời liên tục của các hộ KD mới, đồng thời chuyển hóa liên tục các hộ thành công để trở thành DN. Vì vậy, để thúc đẩy quá trình này cần nhấn mạnh tới vai trò của luật pháp, chính sách, chính quyền để ý thức đầy đủ về tầm quan trọng của vấn đề, phải “nhập cuộc” chứ không thể ở tình trạng “vai trò của các yếu tố thuộc môi trường vĩ mô như quy định luật pháp hay sự hỗ trợ của Chính quyền tới các quyết định này là không đáng kể”, như Báo cáo đã nêu.
Cũng chung quan điểm với chuyên gia Phạm Chi Lan, tiến sĩ Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý Trung ương đã bổ sung, đề nghị nhấn mạnh vào 3 điểm khi nghiên cứu hộ kinh doanh cá thể là Phát triển kinh doanh, chuyển đổi hình thức kinh doanh và các hộ kinh doanh cá thể có hay không có đăng kí kinh doanh.
Hơn nữa khi nghiên cứu theo bộ chỉ số PFI thì Báo cáo nên nghiên cứu sâu vào mấy trường hợp điển hình. Thông thường là lựa chọn trường hợp tốt nhất và trường hợp tồi nhất, như thế tính thiết thực của nghiên cứu sẽ cao hơn.
Một số chuyên gia của IPSARD và đại diện Vụ kế hoạch Bộ nông nghiệp cũng đưa ra ý kiến Báo cáo cần xem lại một số điểm về thời gian, các chỉ số, phương pháp tính toán và thiết kế bảng câu hỏi trong điều tra.
Kết thúc hội thảo, tiến sĩ Đặng Kim Sơn – Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển Nông thôn phát biểu : “Nghiên cứu này là một thử nghiệm. Nếu mục đích của Hội thảo là tập trung góp ý phương pháp thì Hội thảo đã thành công. Những ý kiến phản biện hôm nay sẽ được nhóm nghiên cứu tiếp thu, tiếp tục bổ sung và hoàn thiện Báo cáo trong thời gian tới ”.

 

Nhóm Thông tin Agroinfo

 


Tin khác