Hộ kinh doanh cá thể ở nông thôn: "Xây dựng bộ chỉ số để tăng năng lực cạnh tranh"

28/02/2011

Ngày 25/2/2011, Viện Chiến lược chính sách nông nghiệp nông thôn (Ipsard) đã tổ chức Hội thảo Báo cáo kết quả nghiên cứu xây dựng “Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp Tỉnh về môi trường kinh doanh của các hộ kinh doanh cá thể (PFI)” tại khu vực nông thôn.

Ông Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện IPSARD đề xuất xây dựng một chỉ số nhằm đánh giá môi trường kinh doanh của các hộ kinh doanh cá thể (KDCT). Chỉ số này sẽ giúp xác định được mối tương tác chính thức và phi chính thức giữa các hộ KDCT và chính quyền và sự khác biệt giữa các địa phương.
 
Ông Phùng Đức Tùng, Trưởng nhóm nghiên cứu PFI cho biết,  quy mô vốn của mỗi hộ KDCT rất nhỏ, trung bình trên cả nước chỉ 80 triệu đồng/hộ. Quy mô lao động cũng vô cùng thấp, bình quân mỗi hộ kinh doanh chỉ có 1,8 lao động. Trong đó, 98% số hộ sử dụng ít hơn 5 lao động; 56% chỉ sử dụng 1 lao động. Nhóm nghiên cứu đã tiến hành điều tra 500 hộ KDCT tại 10 huyện thuộc 2 tỉnh Bắc Ninh và Vĩnh Phúc để đánh giá chỉ số PFI tại 2 tỉnh này năm 2010: PFI của Bắc Ninh đạt 5,9; Vĩnh Phúc đạt 6,6. Tại 2 tỉnh, số lao động trung bình tại mỗi hộ KDCT tới 3,7 người, trong đó có 2 lao động là người trong gia đình, như vậy con số này cao hơn hẳn mức bình quân chung của cả nước. Năm 2010 đã có sự tăng trưởng tương đối về vốn, vốn kinh doanh trung bình tại 2 tỉnh này đạt 163 triệu đ/hộ, tăng 27% so với năm 2009, và cao gấp đôi mức bình quân chung cả nước. Lợi nhuận trung bình trong năm qua đạt 10,1 triệu đ/hộ; tăng 15,7% so với năm trước đó, tuy nhiên tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu chỉ đạt 8,3%, thấp hơn cả lãi suất phải trả nếu vay vốn từ ngân hàng. Vốn tự có của các hộ KDCT chiếm tới 80% tổng số vốn kinh doanh của họ, vốn vay ngân hàng chỉ chiếm 15%, còn lại là vay từ nguồn khác. Đa số các hộ đều cho rằng, rất khó tiếp cận với vốn vay ngân hàng, mà nếu có vay được thì với lãi suất phải trả cao như hiện nay thì kinh doanh chắc chắn thua lỗ. Mặt bằng kinh doanh của các hộ rất hạn chế, diện tích trung bình chỉ 120m2/hộ và chỉ có 4% số hộ KDCT sử dụng mặt bằng nhà nước giao hoặc đi thuê. Việc tuyển dụng lao động không phải là vấn đề khó khăn đối với các hộ KDCT. Tuy nhiên chất lượng lao động lại là trở ngại lớn, chỉ có 44% số lao động thuê ngoài được các hộ đánh giá là đáp ứng được yêu cầu công việc kinh doanh. Đối tượng khách hàng của các hộ KDCT chủ yếu là người tiêu dùng, tiếp theo là các hộ KDCT khác và nông dân cần mua vật tư nông nghiệp. Khu vực này rất hạn chế trong việc bán sản phẩm cho các doanh nghiệp, chỉ có 0,5% số hộ là tiếp cận được với nhóm khách hàng này.
 
Có 40% số hộ KDCT trên cả nước tham gia nộp ít nhất một loại thuế cho nhà nước. Riêng tại 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Bắc Ninh, có khoảng 70% số hộ KDCT có nộp thuế, trong đó 53% nộp thuế môn bài. Nhìn chung, các thủ tục hành chính nhà nước không phải là trở ngại đối với các hộ KDCT, vì chỉ có 7% số cơ sở thuộc loại hình này phải tiếp xúc với các cơ quan nhà nước để giải quyết các thủ tục hành chính, bởi vậy chi phí không chính thức của các hộ KDCT không đáng kể. Mặc dù không phàn nàn gì về bộ máy nhà nước ở cấp cơ sở, nhưng đa số các hộ KDCT lại phàn nàn về chất lượng hạ tầng tại khu vực nông thôn: 25% số hộ cho rằng đường xá đã ảnh hưởng tới hiệu quả kinh doanh. Để đánh giá thiết lập chỉ số PFI, nhóm nghiên cứu đã phân tích nhân tố và hồi quy 9 chỉ số thành phần: tiếp cận về đất đai; tiếp cận nguồn vốn; lao động; thị trường đầu ra; cơ sở hạ tầng; gia nhập thị trường; chi phí không chính thức; luật pháp, chính sách; hỗ trợ của nhà nước.
 
Ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế trung ương cho rằng: “Ở Việt Nam đang có nguy cơ loạn các chỉ số, bởi vậy khi đưa ra chỉ số nào cũng phải chú trọng đến tính thiết thực của nó. Bản chất của chỉ số khi đưa ra là để tạo sức ép cho một địa phương, một cơ quan nào đó phải có giải pháp để cải thiện môi trường kinh doanh. Muốn làm như vậy, trên cơ sở của chỉ số, phải đưa ra được danh sách những địa phương có môi trường cạnh tranh tốt nhất, những địa phương kém nhất. Đánh giá về kinh doanh của các hộ cá thể, nhân tố quan trọng nhất phải là chỉ số về tăng trưởng trong kinh doanh, khả năng sinh lợi nhuận của các hộ”.
 
Bà Phạm Chi Lan nêu vấn đề, nghiên cứu Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp Tỉnh của các hộ KDCT có cần thiết hay không? Bởi vì chỉ số này không biết là muốn chỉ ra năng lực canh tranh của các hộ KDCT hay đây là chỉ số về môi trường kinh doanh của họ. Nếu muốn gây tác động khiến các cấp chính quyền địa phương có những cơ chế chính sách để cải thiện môi trường kinh doanh thì nên đánh giá môi trường kinh doanh. Còn nếu đánh giá năng lực nội tại của bản thân các hộ kinh doanh thì rất khó, và đây cũng là cơ sở để các địa phương có những chương trình hỗ trợ tư vấn, tập huấn cho các hộ biết cách buôn bán. Nếu đề cập đến hộ KDCT ở khu vực nông thôn thì chỉ nên đánh giá ở cấp huyện, xã; chứ không nên đánh giá cấp tỉnh, vì địa bàn tỉnh có cả các Tp, thị xã không phải là nông thôn. Bản nghiên cứu cũng đã quên một số chỉ tiêu thành phần quan trọng, bên cạnh chỉ số về cơ sở hạ tầng giao thông, cũng cần tính đến hạ tầng kinh doanh thương mại như chợ, kiot, kho hàng, địa điểm giao dịch...
 
Tác giả Chu Khôi
 
Agroinfo theo Chu Khôi

Tin khác