Điều chỉnh tỷ giá ngoại tệ: Ngành chăn nuôi đã khó càng thêm khó

02/03/2011

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, hàng năm, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nông sản, vật tư nông nghiệp của nước ta vẫn chiếm tỷ trọng lớn, vì vậy, việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá ngoại tệ (cụ thể là đồng USD) đối với Việt Nam đồng đã không nhỏ ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống người dân.

Chăn nuôi khó khăn
Một khu nuôi gà của gia đình chị Nguyễn Thị Thanh Công ở An Châu 2, phường Mỏ Chè (Sông Công-Thái Nguyên).
Chăn nuôi luôn có vai trò quan trọng khi chiếm 27-28% tổng giá trị trong ngành nông nghiệp nước ta. Tăng trưởng của lĩnh vực này từ năm 2001-2009 luôn ở mức 7-8%. Hiện thức ăn đóng vai trò quan trọng và là nhân tố quyết định tới giá thành sản xuất tính trên đơn vị sản phẩm chăn nuôi.
Theo ông Nguyễn Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, trong khối vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi (TĂCN) là nhóm mặt hàng chịu tác động mạnh nhất của việc tăng tỷ giá. Để sản xuất ra TĂCN thành phẩm, các doanh nghiệp phải nhập khẩu tới 80% nguyên liệu, trong đó, đậu tương, khô dầu phải nhập 90-95%; chất khoáng, vitamin, tạo mùi, tỷ lệ nhập khẩu lên đến 100%; ngô cũng phải nhập tới hơn 50%. Bởi vậy, việc tăng tỷ giá ảnh hưởng trực tiếp tới TĂCN thành phẩm và không ai khác nông dân sẽ là đối tượng phải gánh chịu.
Năm 2010, tổng giá trị nhập khẩu thức ăn chăn nuôi lên tới 2,68 tỷ USD với số lượng 7,77 triệu tấn nguyên liệu. Dự kiến năm 2011, kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu chế biến TĂCN sẽ tăng đến 3 tỷ USD. Chỉ vài tháng qua, giá nguyên liệu nhập khẩu đã liên tục tăng: ngô từ 240USD/tấn lên 270-280 USD/tấn; khô dầu, đậu tương từ 420 USD/tấn lên 450 USD/tấn. Đây chính là nguyên nhân khiến giá TĂCN tăng liên tục từ đầu năm đến nay.
Ông Nguyễn Hồng Văn, Phó tổng giám đốc Công ty Charaoen Pokphand cho biết, việc Ngân hàng Nhà nước đưa tỷ giá Việt Nam đồng/USD lên sát với thị trường tự do nhằm mục đích hạn chế hoạt động mua bán USD ở chợ đen sẽ khiến chi phí đầu vào tăng theo, chưa kể lãi suất vay ngân hàng quá cao như hiện nay (khoảng 17-20%/năm) thì giá TĂCN tăng không có gì là lạ. Việc tăng giá này sẽ liên tục tạo những đợt sóng trong thời gian không xa, tùy theo khả năng dự trữ nguyên liệu của từng doanh nghiệp.
“Nước lên, thuyền lên”?
Nói về hệ quả sự tác động của tỷ giá USD đối với Việt Nam đồng, ông Lịch dẫn chứng, năm 2010, giá thịt lợn hơi, cá tra, gà... xuống thấp trong 8 tháng đầu năm, nên người chăn nuôi không có lãi. Tới tháng 10-11, giá mặt hàng thực phẩm lại tiếp tục nhảy múa, đồng thời giá thức ăn gia súc, gia cầm cũng tăng theo. Đó là hậu quả chung cho sự lên xuống thất thường của đồng USD, giá vàng.
Trong chuỗi sản xuất của ngành chăn nuôi, chi phí thức ăn chiếm 70% giá thành
 
Trong khi đó, ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho rằng, tăng tỷ giá khiến giá các loại thức ăn nhập khẩu tăng cao, điều đó đồng nghĩa với việc sẽ tạo ra mặt bằng giá mới trong chăn nuôi. Khi ấy, “nước lên thuyền lên”, chi phí đầu vào tăng sẽ bắt buộc đầu ra tăng, đây cũng là điều tất nhiên.
Song theo ông Lịch, thực tế trên sinh ra lạm phát thực phẩm. Trong chuỗi sản xuất của ngành chăn nuôi, chi phí thức ăn chiếm tới 70% giá thành, khi giá thành tăng buộc phải tăng giá bán ra thị trường. Nhưng người chăn nuôi không thể tăng giá mãi, bởi nếu tăng quá cao, người tiêu dùng sẵn sàng quay lưng lại với ngành chăn nuôi trong nước, mua thịt đông lạnh nhập khẩu với giá rẻ hơn.
TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Ipsard) cũng cho rằng, tỷ giá theo hướng tăng suốt ba năm qua, về lý thuyết có lợi cho xuất khẩu. Nhưng với ngành nông nghiệp, giá trị gia tăng thu được từ hoạt động xuất khẩu một số mặt hàng như gạo, điều, cá tra, tôm lại giảm đáng kể. Nguyên nhân là do sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu ngày càng cao. Chính vì vậy, việc tăng tỷ giá lần này sẽ khiến cho nông dân gặp nhiều khó khăn hơn.
Còn với ông Văn, với mức tăng này, nếu như mỗi tháng trước đây, chi phí cho nguyên liệu trung bình là 5 tỷ đồng thì giờ nhảy lên khoảng 5,5 tỷ đồng. Việc trượt giá này sẽ khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. Để có thể cầm cự và phát triển, về lâu dài, ngoài việc “thắt lưng buộc bụng” để tiết kiệm, các doanh nghiệp không có lựa chọn nào khác là phải tìm nguồn nguyên liệu trong nước để thay thế.
“Thực hiện định hướng phát triển chăn nuôi thời kỳ 2008-2015 và tầm nhìn đến 2020, nhu cầu phát triển chăn nuôi rất lớn. Nếu không có chính sách đẩy mạnh phát triển vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi thỏa đáng thì việc sử dụng thực phẩm đông lạnh nhập khẩu từ nước ngoài với số lượng lớn sẽ trở thành hiện thực. Vì vậy, thiết nghĩ phải có chính sách mạnh cho chăn nuôi, đặc biệt là xây dựng vùng nguyên liệu để đảm bảo cho sản xuất TĂCN không phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu”, ông Lịch nói.

Agroinfo - Theo Báo KTNT

Nguồn:http://www.kinhtenongthon.com.vn/Story/kinhte-thitruong/2011/2/27274.html


Tin khác