Xã Trung Tú (Ứng Hòa): No đủ nhờ trồng nấm

04/03/2011

Chưa đầy hai năm kể từ khi Hội Nông dân huyện Ứng Hòa đưa nghề trồng nấm về xã Trung Tú, nhiều hộ nông dân trong xã đã trở nên khấm khá. Chủ tịch Hội Nông dân xã Trung Tú Dư Văn Chiến chia sẻ, nhờ có nghề trồng nấm mà đời sống của bà con đổi thay.

Thực hiện chương trình dạy nghề, tạo việc làm cho nông dân, năm 2009 nghề trồng nấm bắt đầu xuất hiện ở Trung Tú. Hội Nông dân huyện Ứng Hòa tổ chức 3 lớp học nghề trồng nấm cho nông dân về tổ chức sản xuất tại gia đình. Bà Nguyễn Thị Hoa, thôn Tự Chung cho biết, kỹ thuật trồng nấm đơn giản, nguyên liệu sản xuất sẵn có từ phụ phẩm nông nghiệp như rơm, rạ... nên sau khi được chuyển giao kỹ thuật, bà con áp dụng trồng nấm và đạt hiệu quả ngay. "Thời gian đầu chúng tôi trồng nấm phục vụ gia đình, sau đó đem bán. Cũng bởi loại thực phẩm này ăn ngon, bổ, sạch, giá bán lại cao nên bà con rất phấn khởi". Tết Tân Mão vừa qua, do nhu cầu sử dụng loại thực phẩm này tăng mạnh nên nấm được giá. Đối với loại nấm sò, giá bán đạt tới 40.000 - 45.000 đồng/kg (giá ngày thường chỉ đạt 20.000 đồng/kg).
Điều đáng ghi nhận ở Trung Tú là các hộ biết tự điều chỉnh quy mô sản xuất để giữ giá, hơn hai năm nay chưa bao giờ nấm ở Trung Tú bị ế, giá bán thấp nhất cũng đạt 20.000 đồng/kg nấm tươi. Ông Dư Văn Chiến cho biết, vào vụ cao điểm (mùa hè), số hộ sản xuất nấm (chủ yếu là nấm rơm) toàn xã lên tới 300 hộ ở tất cả 8 thôn của xã, trong đó tập trung nhiều ở 3 thôn Thanh Hội, Tự Chung, Quảng Tái. Số hộ trồng nấm giảm dần vào mùa đông, bởi mùa này chỉ sản xuất được nấm sò và nấm mỡ, trong khi 2 loại nấm này đòi hỏi kỹ thuật cao hơn, khó làm hơn, công chăm sóc nhiều hơn.
Dẫn chúng tôi đi thăm khu trồng nấm sò đang phát triển, ông Nguyễn Văn Bình, thôn Thanh Hội cho biết, lúc đầu ông chỉ trồng thử vài tạ rơm/lứa, thấy hiệu quả, mới mở rộng quy mô lên 1-2 tấn rơm. Do nắm chắc kỹ thuật, chăm sóc tốt nên sản lượng nấm rơm gia đình ông đạt 7-8 tạ/tấn rơm; đối với nấm sò sản lượng đạt 2,5 tạ/tấn rơm. Phải thức khuya dậy sớm chăm sóc nhưng bù lại, nghề trồng nấm dễ làm, cho thu nhập cao, mỗi năm trừ chi phí ông cũng để ra được 100 triệu đồng. Không chỉ đủ chi tiêu trong sinh hoạt hằng ngày, ông còn cho con du học tự túc tại Hàn Quốc. Ông Bình tâm sự, nếu không có nghề trồng nấm, chắc con tôi phải nghỉ học giữa chừng vì chi phí cho du học quá cao trong khi hai vợ chồng chỉ làm nghề nông thuần túy.
Nguyên liệu chủ yếu là rơm, vốn bỏ ra ít, chủ yếu là công lao động nên việc làm nấm ở Trung Tú cho lãi cao. Theo cách tính của ông Dư Văn Chiến, chi phí sản xuất nấm rơm (gồm giống, nguyên liệu, công lao động) đối với 1 tấn rơm nguyên liệu chỉ mất khoảng 1,2 triệu đồng, bà con thu lãi trên 10 triệu đồng/tấn rơm. Tuy nhiên, điều mà bà con xã Trung Tú băn khoăn nhất hiện nay là thị trường tiêu thụ. Nếu diện tích trồng nấm được mở rộng, số hộ tham gia trồng nhiều thì phải tính đến mở rộng thị trường, xây dựng mạng lưới tiêu thụ sản phẩm, có như vậy mới yên tâm đầu tư sản xuất.
Từ một xã thuần nông, không có nghề phụ, với sự quan tâm của các cấp Hội nông dân trong việc dạy nghề, tạo việc làm cho nông dân, đến nay xã Trung Tú có tới 65% số hộ làm nghề phụ, cho thu nhập bình quân 30.000 đồng/ngày. Từ khi nghề phụ được nhân trong xã, 100% số lao động ở các độ tuổi đều có việc làm, kể cả người cao tuổi. Thu nhập ổn định từ nghề phụ đã làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, số hộ giàu tăng, số hộ nghèo giảm còn 16% (theo tiêu chí mới).
AGROINFO – Theo Báo Hà Nội mới

Tin khác