Tìm hướng phát triển bền vững cho cà phê Việt Nam

15/03/2011

Nhiều chuyên gia đã nêu giải pháp với kỳ vọng phát triển bền vững ngành sản xuất, kinh doanh cà phê Việt Nam trong tương lai.

Trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột, ngày 13/3, Hội thảo “Phát triển cà phê Buôn Ma Thuột bền vững” đã được tổ chức, thu hút nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, quản lý... ngành hàng cà phê Việt Nam và quốc tế.
Ông Trần Hiếu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk phát biểu khai mạc Hội thảo.
 
Thách thức của cà phê Việt Nam trong tiến trình phát triển
Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất thế giới với diện tích trên 500.000 ha, hàng năm cho sản lượng trên dưới 1 triệu tấn nhân. Với giá trị tổng sản lượng chiếm khoảng 2% GDP, ngành cà phê đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế của đất nước, là nguồn thu nhập chủ yếu của 540.000 hộ nông dân với hơn 1,6 triệu lao động ở vùng sâu, vùng xa, nhất là Tây Nguyên.
Tuy nhiên, sản xuất, kinh doanh cà phê ở Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức từ khâu quy hoạch, quản lý đến khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Các chuyên gia đã nêu ví dụ ngay từ việc sản xuất, kinh doanh cà phê ở Ðắk Lắk. Cụ thể là ở tỉnh này có tới 85% diện tích trồng cà phê do các hộ nông dân quản lý nên không ổn định, bởi khi bị rớt giá thì hàng ngàn ha cà phê bị phá bỏ để chuyển sang trồng loại cây khác; ngược lại khi giá cà phê tăng cao người tai lại đua nhau trồng, bất chấp khuyến cáo của các nhà quản lý…
Theo một kết quả điều tra, trong số hơn 190.700 ha cà phê của tỉnh Ðắk Lắk chỉ có khoảng 150.000 ha đáp ứng đủ các điều kiện kỹ thuật, diện tích còn lại không phù hợp với điều kiện sinh thái trên địa bàn. Do đó, mỗi niên vụ cà phê, nông dân thiệt hại hàng tỷ đồng vì sản phẩm không đạt phẩm cấp.
Mặt khác, diện tích cà phê tăng nhanh nhưng chủ yếu theo hướng tự phát, hầu hết các hộ sử dụng cây giống thực sinh tự ươm, không qua chọn lọc, trong đó có tới 80% do tự lựa giống. Đây chính là nguyên nhân làm cho năng suất cà phê không cao, kích thước hạt nhỏ, không đồng đều, chín không tập trung và thường bị nhiễm bệnh gỉ sắt.
Bên cạnh đó, việc kiểm tra, giám sát việc chế biến, thu mua cà phê chưa được quan tâm đúng mức. Hoạt động giao dịch thường qua các đầu nậu trung gian nên người trồng cà phê thường bị ép giá, ăn chặn và làm khó dễ…
Đây cũng là những thách thức chung của ngành hàng cà phê Việt Nam.
Hiến kế phát triển bền vững ngành hàng cà phê
Theo ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam, để cà phê Buôn Ma Thuột nói riêng và cà phê Việt Nam nói chung phát triển bền vững cần một số lượng vốn lớn với lãi suất ưu đãi để trồng lại gần 30% diện tích hàng năm theo hướng cung cấp giống tốt cho tái canh, giảm diện tích cà phê Robusta, nâng dần diện tích cà phê Arabica do giá trị của cà phê Arabica thường gấp đôi và thậm chí gấp 2,3 đến 2,5 lần giá cà phê Robusta.
Bên cạnh đó phải có biện pháp để đảm bảo tỷ lệ hạt cà phê khi thu hoạch chín trên 90% tăng cường chế biến cà phê ướt, đẩy mạnh sản xuất cà phê hòa tan, rang, xay và xây dựng thương hiệu để mang lại lợi nhuận cao.
Nhiều chuyên gia khác cho rằng cần hỗ trợ ngành cà phê Việt Nam điều chỉnh các chiến lược thị trường, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật theo hướng bền vững và hội nhập toàn cầu.
Bên cạnh đó, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp và cộng đồng để hạn chế sự thua thiệt về giá, nâng cao vị thế và uy tín của cà phê Việt Nam trước các đối tác nước ngoài. Muốn vậy phải phát triển hài hòa, nâng cao hiệu quả cả 3 kênh thương mại chính cho cà phê là thương mại truyền thống; thương mại điện tử và kênh thương mại thông qua các sở giao dịch hàng hóa với hợp đồng kỳ hạn (giao sau) cà phê.
Chúng ta cũng rất cần có chính sách thu hút người có trình độ cao vào làm việc lâu dài ở Tây Nguyên. Bên cạnh đó cần xác lập “Chuỗi giá trị cây cà phê” xác lập quy trình chuẩn từ ứng dụng giống mới, kỹ thuật canh tác đến khâu thu gom, sơ chế, chế biến, tiêu thụ để có cơ sở đề xuất giải pháp nâng cao giá trị gia tăng của ngành cà phê.
Các chuyên gia, nhà khoa học cũng thống nhất cao với các nhóm giải pháp lớn như: sản xuất thân thiện môi trường (hạn chế dùng các loại hóa chất, sử dụng các loại phân bón hữu cơ và vi sinh, triển khai các phương pháp chăm sóc đất chống rửa trôi...), nâng cao chất lượng cà phê trong sản xuất và chế biến (không thu hoạch cà phê xanh, thực hiện tốt khâu sau thu hoạch, chế biến theo các công nghệ mới tránh làm giảm chất lượng cà phê...). Cần gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ trong mối liên kết hữu cơ để đảm bảo có quy trình sản xuất chuẩn cũng như ổn định đầu ra có giá trị cao cho sản phẩm cà phê Việt Nam./.
AGROINFO – Theo Báo Kinh tế nông thôn

Nguồn:http://www.kinhtenongthon.com.vn/Story/kinhte-thitruong/2011/3/27441.html


Tin khác