Cán bộ nhát, dân khổ

13/05/2011

Kì trước, chúng tôi đã nói về những hộ nghèo ở hai xã Tuyên Bình (huyện Vĩnh Hưng) và Vĩnh Châu B (huyện Tân Hưng) tỉnh Long An. Nhưng, cũng cùng điều kiện như thế, nhưng ở Tuyên Bình và Vĩnh Châu B lại có nhiều hộ giầu nứt vách, vì sao?

"Xã làm đủ trò rồi"
Tại xã Vĩnh Châu B, ông Trần Đường Thẳng, Phó Chủ tịch UBND xã, đã khẳng định với chúng tôi: “Hộ nghèo toàn xã chiếm khoảng 11%. Còn hộ khá giả, giàu có, ước chừng phải tới 15%". Vậy là hộ giàu nhiều hơn hộ nghèo? Ông Thẳng lắc đầu: "Đấy là do tiêu chuẩn mới về hộ nghèo kéo xuống thôi. Năm ngoái toàn xã có tới 181 hộ nghèo, nhưng giờ 68 hộ… bỗng dưng thoát nghèo vì không đạt một số tiêu chí đề ra. Nhưng bản chất họ vẫn thế, vẫn nghèo rớt mồng tơi".
 
Vậy là cả năm qua, chẳng hộ nào thoát nghèo bằng đúng thực lực của mình, thoát nghèo kiểu này rõ ràng là nỗi khổ, nỗi sợ lớn vì trợ cấp bị cắt hết. Thế xã không làm gì giúp dân sao? Ông Thẳng phân bua: “Xã làm đủ trò rồi, nào là thí nghiệm nuôi cá sấu, nuôi cá lóc, nuôi thỏ… nhưng chẳng mô hình nào hiệu quả". Sao không đào tạo nghề cho họ? “Anh bảo đào tạo nghề gì đây, chuyển đổi cơ cấu lao động theo hướng nào khi có tới hơn 90% dân trong xã độc canh cây lúa vì đất nhiễm phèn nặng, lại mất tới 4 - 5 tháng nước lũ kéo về. Chúng tôi bí là bí nhất chỗ này".
Nếu mạnh dạn cho họ vay vốn, chắc nhiều nông dân cũng có mô hình chăn nuôi, trồng trọt tốt chứ? “Đấy, lại nói đến chuyện vay vốn. Chúng tôi đang đau đầu đây. Dân nghèo lạ lắm, ngân hàng chính sách cũng đã cho các hộ nghèo vay nuôi cá từ 2 - 3 triệu/hộ, nuôi heo, gà từ 4 - 8 triệu đồng/hộ, nhưng khổ nỗi, chỉ một số ít làm tốt, còn đa phần lấy tiền về lại tiêu xài hết hoặc chi vào việc khác, cuối cùng vốn hết, vật nuôi cũng chẳng thấy đâu, nợ nần cứ chồng chất”. Nói vậy thì thua sao?. “Không đâu. Có lẽ phải bắt đầu từ việc chuyển biến ý thức cho người dân. Nhưng làm như thế nào thì quả khó thực”.
Khi đến xã Tuyên Bình, chúng tôi rất bất ngờ khi đi dọc con đường dẫn vào xã, hàng trăm người dân đang hì hụi thu hoạch dưa gang chất đống hai bên đường, chờ xe tải vào gom mang lên TPHCM tiêu thụ. Thế này thì đâu đến nỗi nghèo? Khổ nỗi, khi hỏi kỹ mới biết, toàn bộ người dân địa phương đang làm thuê cho chủ dưa ở nơi khác đến thuê đất để “xâm canh”. Có những chủ dưa như ông Nguyễn Văn Giáp (quê Châu Thành, Tiền Giang) đã mạnh dạn thuê tới 6 ha để trồng dưa tại ấp Rạch Mây, xã Tuyên Bình với giá 5,7 triệu đồng/ha/vụ.
 
Ông Giáp cho biết, dù gang thất thu hơn vụ trước, đạt khoảng 15 tấn/ha, nhưng trừ mọi chi phí, ông vẫn đút túi…150 triệu đồng. Đem thắc mắc này hỏi lãnh đạo xã, thì cả hai phó chủ tịch là ông Tô Văn Đẹp và ông Huỳnh Văn Bé giải thích: Đúng là 100% diện tích (gần 100 ha) đều do người dân vùng khác đến thuê đất làm dưa. Lý do? Hai ông khẳng định: Tất cả là vì cây dưa đòi hỏi người trồng phải có tay nghề rất cao, kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh tốt nên rất khó để phát triển. Vì thế, đã có hộ dân địa phương thử làm nhưng thua lỗ vì không đạt. Vậy tại sao không mở lớp khuyến nông trồng dưa? Hai vị này cho rằng: Khuyến nông chỉ là trên giấy, còn “bí kíp” của dân trồng dưa chuyên nghiệp thì bó tay, không chuyển giao được.
 Khéo ăn thì no khéo co thì ấm
"Hộ nghèo rất nhiều. Nhưng hộ giàu hả, cũng nhiều nhóc luôn. Họ đa phần đi lên từ tay trắng cả”, anh cán bộ xã Vĩnh Châu B vừa nói vừa dẫn chúng tôi chạy thẳng vào nhà vợ chồng anh Nguyễn Văn Buông (ấp 4), một trong những “đại gia” trẻ tuổi của vùng đất phèn mặn. Ngôi nhà to đùng, rộng gần 300 m2 còn thơm mùi sơn mới được anh chị xây năm 2010, kế bên là sân phơi lúa chất đầy thóc thoang thoảng mùi hương nếp. Chỉ tay về chiếc máy cày mới toanh, anh cán bộ xã hỏi: “Mới mua hả?”. “Dạ, mới mua tháng trước, máy Nhật tới 260 triệu đấy anh ạ”. Chị Buông khoe thêm: “Nhà em còn mất thêm 490 triệu để mua chiếc máy gặt đập liên hợp của Nhật nữa, anh Buông đang chạy ở ruộng rồi. Với 40 ha trồng lúa, nếu cứ đi thuê thì uổng qua".
Chỉ hơn 10 năm về trước, chẳng ai biết đến Buông “đại gia” bởi lúc đó anh còn lo đi… bơm nước thuê cho bà con. Vốn quê ở đất lúa An Giang, gia đình quá đông anh em, bố mẹ không có đất để chia nên Buông phiêu bạt lên vùng heo hút này để kiếm sống. Năm 1998, Buông lấy vợ và bắt đầu công cuộc tạo dựng tương lai của mình bằng việc thuê đất trồng lúa. Bắt đầu từ 1 ha thuê vài triệu đồng, sau một vụ lúa, Buông thu lãi hơn 10 triệu đồng. Thấy hiệu quả, buông vay mượn tiền và mở rộng diện tích thuê đất trồng lúa và chinh phục thành công vùng đất phèn khắc nghiệt, đưa lên 2 vụ lúa năng suất cao trên dưới 10 tấn/ha/vụ. Chỉ sau hơn 10 năm làm việc cật lực, đến nay vợ chồng Buông đã sở hữu gần 10 ha lúa và thuê thêm 30 ha để “xâm canh”. "Vợ chồng em chẳng có bí quyết gì đâu, em thấy anh ấy chịu khó lắm, suốt ngày ở đồng với lúa, đêm về ngủ cũng toàn mơ về… lúa, chứ chẳng mấy khi nhậu nhẹt. Nhà em có được thế này chắc là do chịu khó làm, biết tích góp thôi chứ có gì to tát đâu".
Dù mô hình nuôi cá của tôi tốt như vậy, riêng năm nay thu lãi gần 400 triệu đồng, nhưng ngạc nhiên là chẳng thấy chính quyền lẫn dân nghèo đến học hỏi. Dân nghèo mong nhờ chính quyền nhiều lắm. Nếu chính quyền nhát, không dám làm gì vì sợ rằng, lỡ làm không thành công dân la ó hay bắt đền thì chẳng thể thay đổi. Cái quan niệm cứ để dân tự mày mò, thắng thua gì họ tự chịu trách nhiệm cho chắc ăn là không ổn. Vì thế, xã, huyện, tỉnh phải có chương trình cụ thể, phải biết tận dụng và phát huy các mô hình chăn nuôi, trồng trọt hay trong xã, ông Nguyễn Văn Hoanh.
Ở vùng này, mọi người cũng hay nhắc đến ông Nguyễn Văn Hoanh (ấp Bình Châu, xã Tuyên Bình), người có 7 đứa con, không một tấc đất ruộng nhưng vẫn giàu “nứt tường”. Nghe thật khó tin bởi lẽ, một nông dân chính hiệu, không được đào tạo nghề, không học thức cao, không mảnh đất cắm dùi, hàng chục năm chỉ biết làm thuê kiếm vài chục nghìn đồng mỗi ngày để lo ba nồi cháo loãng cho đàn con, thì làm sao vực dậy được?
Anh cán bộ xã đi cùng nói: “Đây đúng là câu chuyện của một người có ý chí, có khát khao thay đổi cuộc đời, có cái nhìn lạc quan và biết tìm tòi, học hỏi”. Ngồi với ông Hoanh trong ngôi nhà khang trang, cứ thấy ông vừa nói chuyện với khách vừa xoắn xuýt với đứa cháu nội chừng 2 tuổi: “Cả 7 đứa nên vợ nên chồng cũng từ cái ao cá 2.500 m2 của tôi đấy”. Ông Hoanh khoe rồi đưa chúng tôi trở lại cái thời khổ cực của đôi vợ chồng khi nuôi 7 cái “tàu há mồm”. Lúc đó, ông thường xuyên phải đi qua nhiều huyện, làm thuê đủ việc để đem gạo về cho đàn con. Cũng từ những ngày tháng vất vả này, ông thấy nhiều hộ dân tại huyện Mộc Hóa (Long An) làm giàu từ nghề nuôi cá. Thấy vậy ông ham lắm, nhưng về xã, rồi lên huyện quê mình hỏi kỹ thuật nhờ chuyển giao, ông đều nhận cái lắc đầu: “Không nuôi cá, chỉ trồng lúa”. Vậy là ý tưởng chết ngay từ trứng nước. Sau nhiều đêm suy nghĩ, ông quyết định làm đơn gửi tới huyện Mộc Hóa xin tham gia lớp tập huấn nuôi cá lóc bông dù là người “ngoại đạo”. Xét lên xét xuống, đơn của ông được chấp nhận. Ông vui mừng, học say sưa, học ngấu nghiến như sợ vuột mất cơ hội thay đổi cuộc đời. “Bao nhiều kiến thức, tài liệu tôi gom về nhà hết và áp dụng y chang những gì được học tại mảnh ao nhỏ thuê sau nhà. Nhưng khổ nỗi, có tới 2 năm đầu thất bại, số nợ lên tới 50 triệu đồng”.
Đúng là cưỡi trên lưng cọp, khó quay đầu lại. Ông lại lân la đến học hỏi kinh nghiệm của dân nuôi cá Mộc Hóa, rút tỉa kinh nghiệm và về “đấu trí” với vụ cá năm thứ ba. Rõ là “quá tam ba bận”, lần này ông thắng lớn khi trừ đâu trừ đuôi, bỏ túi được 75 triệu đồng, nợ nần cứ thế bay hết. Năm năm trở lại đây giá cá lóc bông được giá, mỗi vụ ông Hoanh lãi trên 200 triệu đồng. Riêng vụ này, giá cá lên tới 41 triệu đồng/tấn, dự kiến ông thu được 15 tấn cá, vị chi lãi gần 400 triệu đồng.
Ông Hoanh còn khoe: “Từ hồi làm cá, tôi bỏ được tới 70% phần rượu vào người rồi. Đúng là bớt rượu thì đầu nó sáng ra”.
AGROINFO – Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam

Nguồn:  http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/1/24/24/78150/Default.aspx


Tin khác