Xây nông thôn mới phải gắn với tạo việc làm

18/05/2011

“Ở mỗi địa phương, mỗi nơi có những đặc thù khác nhau, do đó cũng phải chọn những mô hình riêng trên nền chung để làm NTM. Trong xây dựng NTM đặc biệt phải chú ý đến vấn đề giải quyết công ăn, việc làm tại chỗ...”.

Đó là tâm sự của ông Nguyễn Duy Hồng - chủ một trang trại ở huyện Hoài Đức (Hà Nội), đại biểu HĐND TP.Hà Nội.
Hươu sao là loại vật nuôi quý được ông Hồng đưa về nuôi lấy nhung
 
Tăng giá trị nông sản
Xuất thân từ nông dân ở xã Minh Khai, huyện Hoài Đức, chẳng bao lâu ông Nguyễn Duy Hồng đã chuyển hẳn sang nghề chế biến nông sản và chuyên phát triển trang trại. Nghề chế biến đầu tiên được ông chọn là chế biến sản phẩm sau tinh bột sắn góp phần thúc đẩy việc tiêu thụ sắn trong vùng cho người nông dân.
Ông Hồng cho biết: "Xuất phát từ việc giá trị nông sản của chúng ta thấp, sản phẩm của nông dân làm ra lạc hậu. Tôi đã suy nghĩ cần phải làm tăng giá trị của các mặt hàng nông sản lên thông qua công nghệ chế biến tiên tiến".
Năm 2003, ông Hồng đã đầu tư một nhà máy chuyên chế biến các sản phẩm sau tinh bột sắn cho các làng nghề tại xã Di Trạch, huyện Hoài Đức với tổng vốn đầu tư 2,3 triệu USD. Kể từ đó cho đến nay, trung bình mỗi năm nhà máy này tiêu thụ hết 50.000 tấn sắn củ của nông dân các vùng Phúc Thọ, Hoài Đức, Ba Vì (tương đương với sản lượng tinh bột sắn khoảng 20.000 tấn).
Theo ông Hồng: "Các sản phẩm nông sản của nước ta phần lớn hiện khó cạnh tranh được với nước ngoài chủ yếu do chất lượng sản phẩm thấp, công nghệ chế biến còn lạc hậu. Kể từ khi tôi đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, riêng sản phẩm sau tinh bột sắn từ đây đã chiếm tới 80% thị phần các tỉnh phía Bắc, góp phần ổn định đầu ra cho sắn".
Ngoài chế biến sắn, ông Hồng cũng đang lên kế hoạch đầu tư chế biến các sản phẩm khác như miến, bún, bánh phở… đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm cho các làng nghề quanh vùng.
Phải giải quyết lao động
Hiện ở Hoài Đức đang có hàng vạn lao động không còn đất nông nghiệp để canh tác, cần chuyển đổi sang các nghề khác. Nếu không có định hướng lâu dài, những lao động này sẽ rơi vào hai tình huống: Một là, không có công ăn, việc làm ổn định buộc phải đi làm những nghề lao động phổ thông, tự do. Hai là, buộc phải di dời đến các khu vực đô thị để tìm kiếm những việc làm mới.
Theo ông Hồng: "Điều quan trọng bây giờ là, khi xây dựng NTM ở địa bàn như huyện Hoài Đức phải quy hoạch và xây dựng các điểm công nghiệp làng nghề, giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động. Riêng nhà máy chế biến sản phẩm sau tinh bột sắn của tôi đã giải quyết được 120 lao động tại chỗ và hàng ngàn lao động vệ tinh ở các làng nghề chế biến".
Sinh ra ở xã Minh Khai, huyện Hoài Đức, nên ông Hồng rất ham mê làm nông nghiệp, nhất là kinh tế trang trại. Hiện ông có 2 trang trại, một rộng 3,1ha ở xã Yên Sở- xã thí điểm làm NTM ở Hoài Đức chuyên trồng bưởi Diễn, nhãn chín muộn và nuôi đà điểu, hươu sao, thả cá… trang trại còn lại của ông rộng 1,6ha ở xã Dương Liễu có nhiệm vụ phát triển kinh tế trang trại tổng hợp.
Hoài Đức là một huyện ven đô của Hà Nội, trong những năm gần đây tốc độ phát triển đô thị rất nhanh, từ đó đã hình thành lên hai vùng phát triển khá khác nhau, đó là vùng nông thôn xen lẫn đô thị và vùng ven sông Đáy vẫn còn rất nhiều đất để sản xuất nông nghiệp. Trong tương lai sẽ được quy hoạch thành vành đai xanh của thành phố.
Do đó, theo đề xuất của ông Hồng: "Đối với các vùng ven sông Đáy, phải nuôi các con vật nuôi, sản xuất cây trồng bằng công nghệ cao, tạo giá trị lớn để cung cấp thực phẩm sạch cho thành phố. Muốn làm được như thế, hạ tầng giao thông nông thôn, thuỷ lợi cần được cải thiện".
Cũng theo ông Hồng: "Xây dựng NTM mà không quy hoạch điểm công nghiệp làng nghề là sai lầm. Bởi chỉ có những điểm công nghiệp đó, mới giải quyết được nhu cầu việc làm cho lao động tại chỗ. Song song với quy hoạch đó, phải có chính sách giúp đỡ, hỗ trợ các doanh nghiệp làng nghề phát triển hơn".
AGROINFO – Theo Báo Nông thôn ngày nay

Nguồn: http://danviet.vn/43464p1c34/xay-nong-thon-moi-phai-gan-voi-tao-viec-lam.htm


Tin khác