Vùng nuôi tôm thất bát do môi trường?

27/05/2011

Sóc Trăng có 20.970 hộ thả nuôi 2,986 tỉ con giống tôm sú trên 25.066 ha, đến ngày 23.5.2011 có 19.233 ha có tôm bị chết, tổn thất 2,644 tỉ con giống của 15.640 hộ, chiếm 76% diện tích thiệt hại, gấp 30 lần so với năm 2010.

Ông Nguyễn Văn Yên, một trong những người nuôi tôm bị thất bát, nói: "Gia đình có vỏn vẹn một ao tôm 2.000 m2, ở ấp Hùynh Thu, xã Khánh Hòa, huyện Vĩnh Châu (Sóc Trăng), nhưng ao tôm đã chết sạch sau 15 ngày thả giống".
Giữa năm ngoái ở Sóc Trăng đã xảy ra nạn tôm chết. Năm nay tôm chết sớm, hàng loạt, lây lan nhanh trên diện rộng. Dân nuôi tôm công nghiệp thấy tôm chết, lấy mẫu, chẩn đoán bệnh, cầu cứu chuyên gia các viện, trường; trong khi dân nuôi tôm quảng canh cải tiến, vì nóng ruột đã xử lý qua loa rồi thả giống tiếp tục, và tôm lại chết. Theo sở NN-PTNT Sóc Trăng, tỉnh đang tìm cách hỗ trợ dân nuôi tôm bị thiệt hại từ nguồn ngân sách địa phương.
Ông Trần Bình Trọng, phó giám đốc công ty Vĩnh Thuận cho biết kết quả trong số 96 ao tôm thả nuôi, chỉ bị thiệt hại 30%. Đến nay phần lớn ao nuôi còn lại tôm đã qua 97 ngày, đạt cỡ 60 con/kg, xem như vượt qua giai đoạn nguy nan. Tuy nhiên, kinh nghiệm này gần như khép kín.
Khi không có nhận xét chính thức thì người nuôi tự đúc kết. Ông Hồng Lân nuôi ao tôm được 97 ngày, nói: “Từ năm 2008 đến nay, tui nuôi luân canh 1 vụ tôm sú và 1 vụ tôm thẻ chân trắng, rất thành công”. Còn ông Trần Văn Lâm, ở ấp Kinh Ven, xã Khánh Hòa, huyện Vĩnh Châu, làm theo người láng giềng, cho biết chỉ có 1 ao bị thiệt hại 50% do cúp điện, thiếu ôxy.
Mùa tôm năm nay ở Sóc Trăng thất bát, lực lượng nuôi chia thành hai phía. Tôm thẻ chân trắng thích nghi điều kiện nhiểm bẩn tốt hơn tôm sú nên nhiều người nuôi tin rằng nó sẽ giúp họ vượt qua được vấn nạn nguồn nước đang xấu đi. Những người nuôi tôm có kiến thức thì thận trọng cho rằng vùng nuôi tôm từng làm ra bạc tỷ này cần được đầu tư thủy lợi, cần có cơ quan giám sát môi trường thường xuyên và cần kỷ luật nuôi trồng.
Thứ trưởng bộ NN-PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu qua khảo sát thực tế, nhận xét: “Sóc Trăng có diện tích nuôi tôm bị thiệt hại nặng nhất so các tỉnh ĐBSCL. Bộ NN-PTNT rất quan tâm công tác phòng chống dịch và vấn đề là làm thế nào tổ chức sản xuất tiếp tục trên vùng nuôi tôm bị thịệt hại". Theo thứ trưởng Thu , môi trường ở vùng nuôi tôm rất xấu. Nhiều nơi chỉ có một con kênh chạy dài cấp và thoát nước, không có ao xử lý lắng lọc.
Tuy vậy, TS Lý Thị Thanh Loan, giám đốc trung tâm Quan trắc cảnh báo môi trường và phòng ngừa dịch bệnh thủy sản Nam bộ, cho rằng tôm chết không phải do môi trường. Theo TS Loan, kết quả quan trắc môi trường vào tháng 4.2011, mẫu nước thu tại môi trường nước sông bên ngoài vùng có tôm chết cho thấy dưới ngưỡng ô nhiễm và không phải là tác nhân làm cho tôm chết. “Qua khảo sát và kết quả xét nghiệm tại phòng thí nghiệm, nhận thấy tôm sú chết khoảng sau 30 ngày tuổi, cá biệt sau 7 ngày tuổi, chủ yếu ở các mô hình thâm canh, bán thâm canh. Nguyên nhân là có mầm bệnh nội tại, thời tiết không thuận lợi", bà Loan nói.
AGROINFO – Theo Báo Sài Gòn Tiếp thị

Nguồn:http://sgtt.vn/Kinh-te/145328/Vung-nuoi-tom-that-bat-do-moi-truong.html


Tin khác